1. Người đầu tiên đưa ra ý tưởng xây dựng con đập
Tôn Trung Sơn - lãnh đạo đầu tiên của Quốc dân đảng Trung Quốc chính là người đầu tiên đưa ra ý tưởng xây dựng đập Tam Hiệp. Ông Tôn lần đầu xem xét kế hoạch xây dựng con đập lớn nhất hành tinh trên sông Dương Tử vào năm 1919 để không chỉ phát điện và giúp kiểm soát lũ lụt trên sông Dương Tử, mà còn thể hiện sức mạnh mới của Trung Quốc.
Tuy nhiên, ý tưởng này đã bị gác lại do các hoàn cảnh và điều kiện chính trị cũng như kinh tế không thuận lợi.
2. Bị phản đối ngay từ khi thai nghén
Vì có quá nhiều vấn đề, dự án xây dựng đập Tam Hiệp đã bị trì hoãn gần 40 năm. Mãi đến năm 1992, Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng mới thuyết phục được Quốc hội Trung Quốc thông qua dự án, nhưng cũng có đến gần 1/3 đại biểu phản đối hoặc không bỏ phiếu - điều ít thấy trên chính trường Trung Quốc.
Trong suốt quá trình xây dựng, đập Tam Hiệp liên tiếp dính thêm nhiều bê bối về chi phí tăng vọt, tham nhũng chính trị và các vấn đề tái định cư khiến tiến độ dự án bị chậm lại và đôi khi bị đình trệ. Đập Tam Hiệp thực tế bị Tổ chức Sông ngòi quốc tế gọi là "hình mẫu của thảm hoạ". Ngân hàng Thế giới (WB) cũng từ chối cung cấp tiền cho dự án với lý do quan ngại về tác động môi trường và nhiều yếu tố khác.
3. Những con số gây sốc
Đập Tam Hiệp dài khoảng 2,3km và cao 185m, lớn gấp 5 lần so với đập Hoover của Mỹ. Để xây dựng con đập, người ta phải sử dụng khoảng 27,2 triệu m3 bêtông (chủ yếu cho thành đập), 463.000 tấn thép (đủ xây 63 tháp Eiffel), đào 102,6 triệu m3 đất.
Các chuyên gia cũng phải sử dụng khoảng 200 tấn thuốc nổ để phá hủy đê ngăn nước Tam Hiệp cuối cùng - một cấu trúc tạm để công nhân hoàn thành bức tường chính khổng lồ của đập Tam Hiệp. Vụ nổ này tạo ra khoảng 186.000 mét khối gạch vụn, theo National Geographic.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết, hơn 100 công nhân đã chết trong suốt quá trình xây dựng con đập khổng lồ.
Chi phí xây đập cũng lớn kếch xù. Các báo cáo chính thức cho biết, ngân sách xây dựng đập Tam Hiệp ở mức 25 tỷ USD. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, chi phí thực tế có thể cao hơn nhiều so với con số công bố. Con số ước tính được cho là rơi vào khoảng 75 tỷ USD (không kể các khoản tham nhũng, các tổn thất trong hủy diệt đất trồng trọt, tái định cư và tổn thất môi trường...).
4. Thảm họa di cư
Hồ chứa nước đập Tam Hiệp có chiều dài khoảng 660km làm ngập khoảng 632km2 đất đai, trong đó có hàng nghìn thị trấn và làng mạc. Theo đó, khoảng 1,3 triệu người đã phải tái định cư vì dự án này. Hàng chục địa điểm kiến trúc và văn hóa cũng bị ngập sâu trong hồ chứa nước đập Tam Hiệp. Trong số các di tích này, đáng chú ý nhất là di tích của nhóm người cổ sống trong khu vực này khoảng 4.000 năm trước.
5. Mục đích chính của con đập
Đập Tam Hiệp được thiết kế để phục vụ ba mục đích chính là kiểm soát lũ ở Trung Quốc, sản xuất thủy điện và cải thiện giao thông đường thủy. Tuy nhiên, theo Probe International, đập Tam Hiệp sẽ dần mất đi chức năng ngăn chặn lũ lụt do hệ sinh thái rừng trong lưu vực sông bị mất đi, đồng thời là do con đập đã giữ lại khoảng 530 triệu tấn bùn/năm khiến thể tích hồ bị giảm đi đáng kể.
Trong bối cảnh mưa lũ ngày càng nghiêm trọng hiện nay, nhiều người dân nghi ngờ lũ lụt là kết quả việc con đập lớn nhất thế giới bí mật xả lũ để giảm áp lực cho cấu trúc đập và cuối cùng dân là người phải gánh chịu những hậu quả nặng nề.
6. Ô nhiễm nguồn nước
Một trong những tranh cãi lớn nhất xung quanh đập Tam Hiệp là mức độ thiệt hại mà con đập gây ra cho môi trường.
Ước tính rằng 70% nước ngọt Trung Quốc bị ô nhiễm và con đập có thể làm cho nó tồi tệ hơn rất nhiều. Đập Tam Hiệp nằm bên trên các cơ sở xử lý chất thải cũ và cơ sở khai thác mỏ. Chưa kể, 1 tỉ lít nước thải thô được lắng đọng ở sông Dương Tử mỗi năm.
8. Tác động tiêu cực đến môi trường
Khu vực xung quanh đập Tam Hiệp là nơi cư ngụ của 6.400 loài thực vật, 3.400 loài côn trùng, 300 loài cá và hơn 500 loài động vật có xương sống trên cạn.
Con đập không chỉ ảnh hưởng đến các loài này mà còn cả môi trường sống của chúng.
Xói mòn hồ chứa đã gây ra lở đất và thậm chí đe dọa một trong những ngành ngư nghiệp lớn nhất thế giới. Con đập quá lớn đến nỗi nó đã tạo ra một vi khí hậu đe dọa hệ sinh thái của khu vực.
9. Giảm 50% phù sa của đồng bằng
Các nhà môi trường cảnh báo, đập Tam Hiệp làm giảm dòng chảy phù sa của sông Dương Tử cũng như tác động nghiêm trọng tới hệ sinh thái ven sông và ven biển.
10. Làm chậm quá trình quay của Trái đất
Theo Interesting Engineering, bí mật đằng sau việc đập Tam Hiệp làm chậm quá trình quay của Trái đất là do hiện tượng mang tên mô-men quán tính.
Tam Hiệp là đập thủy điện lớn nhất thế giới về tổng công suất sau khi công trình hoàn thành. Khi mực nước ở mức cao nhất, tổng diện tích đất bị ngập là 632 km2. Hồ chứa nước có sức chứa khoảng 39,3 km3 và lượng nước sẽ có khối lượng lên tới 42 tỷ tấn.
Sự dịch chuyển của một khối lượng nước lớn như trên sẽ tác động đến chuyển động quay của Trái Đất, do hiện tượng mô-men quán tính, trong đó quán tính của một vật thể rắn xoay tròn sẽ tương ứng với chuyển động quay của nó.
Việc đẩy 42 tỷ tấn nước lên cao 175 mét so với mực nước biển sẽ làm tăng mô-men quán tính của Trái Đất, qua đó là chậm chuyển động xoay của địa cầu.
Theo các nhà khoa học thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), sự dịch chuyển của khối lượng nước lớn như trên sẽ làm ngày dài thêm 0,06 mili giây, khiến Trái Đất hơi tròn hơn ở giữa và phẳng hơn ở đỉnh. Tác động cũng làm điểm cực lệch đi khoảng 2cm.
11. Nguy cơ vỡ đập do lỗ hổng cấu trúc
Đập Tam Hiệp gây tranh cãi ở Trung Quốc không chỉ vì các vấn đề về thiệt hại môi trường mà còn các lỗ hổng cấu trúc ngay từ lần đầu tiên được đề xuất xây dựng.
Ông Wang Weiluo, một chuyên gia thủy văn đã mạnh dạn cảnh báo rằng đập Tam Hiệp thật ra không ổn định như người ta tưởng và có thể vỡ bất cứ lúc nào. Ông Wang cho rằng mối lo lớn nhất chính là những vết nứt và chất lượng bêtông không đảm bảo được phát hiện trong lúc công trình đang xây dựng.
Tương tự, kỹ sư khai thác và khai thác tài nguyên khoáng sản Tứ Xuyên, kỹ sư cao cấp Fan Xiao đã viết rất nhiều về các vấn đề của con đập. Năm 2004, ông đã xử lý vấn đề về lở đất và động đất do hồ chứa. Vào năm 2016, ông Fan đã viết một bài báo nghi ngờ về khả năng thực sự của đập Tam Hiệp trong việc giảm thiểu lũ lụt.
Mùa hè năm 2019, ảnh vệ tinh ghi nhận thân đập Tam Hiệp có vẻ như bị lõm vào do sức ép của nước, nỗi lo vỡ đập lại ám ảnh và đe dọa hàng triệu sinh mạng con người sống gần khu vực này.
Hiện nay, khi lượng mưa lớn và lũ lụt hoành hành ở 26 tỉnh thành ở miền nam và miền trung Trung Quốc, cảnh báo về nguy cơ đập Tam Hiệp sụp đổ do áp lực nước tăng, gây nguy hiểm cho hàng triệu người sống ở khu vực gần đó một lần nữa lại nổi lên dù các nhà chức trách ở Bắc Kinh đã nhiều lần khẳng định Tam Hiệp vẫn an toàn.