Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tính đến cuối tháng 5/2020, các doanh nghiệp thuộc VAMA đã có hơn 83.100 chiếc xe được bán ra.
Theo đó, tổng lượng xe bán ra 5 tháng qua của doanh nghiệp xe tại Việt Nam đạt từ 110.000 đến 112.000 chiếc.
Cũng theo thông tin từ phía VAMA, trong năm 2019, doanh số bán ra đối với xe lắp ráp sản xuất trong nước là 400.000 chiếc, bình quân mỗi ngày người Việt mua khoảng 1.000 chiếc. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2020, mỗi ngày lượng xe bán ra chỉ đạt hơn 746 chiếc.
Trước đó, giới chuyên môn nhận định doanh số ô tô bán ra trong năm 2020 có thể đạt 500.000 chiếc. Như vậy, để đạt mục tiêu trên, trong 7 tháng tới, doanh nghiệp ô tô phải bán được hơn 388.000 chiếc, bình quân mỗi ngày 1.800 chiếc.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang từng bước phục hồi sau tổn thất do đại dịch Covid – 19 gây ra, đây được xem là nhiệm vụ "bất khả thi" của các doanh nghiệp xe hơi tại Việt Nam.
Vừa qua, từ ngày 28/6, Chính phủ cho phép giảm 50% phí trước bạ đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước áp dụng đến hết năm 2020. Như vậy, hiện tại, người mua xe chỉ còn phải đóng từ 5-6% phí trước bạ. Đây được xem là động thái nhằm phục hồi thị trường xe hơi, tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên môn, mục tiêu doanh số 500.000 chiếc vẫn còn rất xa vời.
Được biết, hiện tại, trên thị trường, có khoảng trên 30 mẫu xe lắp ráp trong nước được hưởng mức giảm phí trước bạ 50% này. Trong đó, Trường Hải với ba thương hiệu Kia, Mazda, Peugeot có 12 mẫu xe được hưởng lợi, Thành Công có 7, Toyota có 5, Honda có 1, Ford có 2, Mitsubishi có 2, Nissan có 2 và Mercedes có 3 dòng với nhiều biến thể.
Như vậy, để có thể hưởng lợi hàng trăm triệu đồng tiền phí trước bạ, người tiêu dùng cần tiếp cận các mẫu xe trên 2 tỷ đồng của Mercedes như các dòng xe như C, E và S và một số bản GLC...
Cùng với chính sách giảm 50% phí trước bạ, Chính phủ cũng mới ban hành Nghị định bãi bỏ thuế nhập khẩu linh kiện cho các doanh nghiệp xe hơi Việt Nam nhằm hỗ trợ doanh nghiệp lắp ráp xe hơi trong nước.
Theo đó, đối với các linh kiện không sản xuất được doanh nghiệp sẽ được giảm thuế nhập khẩu với điều kiện cam kết về sản lượng riêng và chung. Tuy nhiên, chính sách này sẽ có độ trễ từ 3 - 6 tháng tới. Nguyên nhân, là do doanh nghiệp sẽ phải ký hợp đồng mới trong bối cảnh hầu hết các đối tác, nhà phân phối vẫn đang gặp khó sau dịch Covid-19.
Được biết, mặc dù đến ngày 28/6, việc giảm 50% phí trước bạ đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước mới chính thức có hiệu lực, song từ cuối tháng 4/2020 xe nhập đã giảm về Việt Nam.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, lượng xe nhập tháng 6 ước đạt 3.000 chiếc, giảm 44,5% so với cùng kỳ và giảm 37,4% với tháng trước. Kim ngạch ước đạt 68 triệu USD, giá xe nhập bình quân đạt 521 triệu đồng/chiếc.
Tổng lượng xe nhập 6 tháng đầu năm ước đạt 39.000 chiếc, kim ngạch đạt 879 triệu USD, bình quân giá xe nhập đạt gần 520 triệu đồng/chiếc. Lượng xe nhập về Việt Nam trong 6 tháng qua ước giảm 47% về lượng và gần 48% về trị giá.
Giảm 50% thuế trước bạ, khách Việt tiết kiệm cả trăm triệu đồng tiền mua ô tô