Dân Việt

Xây dựng làng văn hóa người Dao: Tiềm năng phát triển du lịch Đầm Hà

P.V 06/07/2020 17:19 GMT+7
Huyện Đầm Hà có rừng, có biển tuy nhiên du lịch vẫn chưa phát huy hiệu quả. Làm thế nào để khai thác được tiềm năng thế mạnh đó, ngoài thúc đẩy thu hút đầu tư vào phát triển du lịch biển đảo, việc xây dựng bản văn hóa người Dao là cơ hội, tiềm năng phát triển cho du lịch Đầm Hà.

Thời gian qua, du lịch cộng đồng được đánh giá là những mô hình phát triển du lịch có nhiều đóng góp cho xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững, tạo ra những trải nghiệm thú vị cho du khách, trên cơ sở khai thác những giá trị tài nguyên du lịch tại cộng đồng. Đồng thời thúc đẩy vai trò của người dân địa phương trong việc tham gia và hoạch định phát triển du lịch.

Xây dựng làng văn hóa người Dao: Tiềm năng phát triển du lịch Đầm Hà - Ảnh 1.

Trang phục của người Dao Thanh Phán cầu kỳ gồm có quần áo, khăn (mũ) đội đầu, thắt lưng… với hoa văn được thêu tỉ mỉ bằng chỉ ngũ sắc.

Để phát triển được du lịch cộng đồng, ngoài tài nguyên du lịch, giá trị văn hóa bản địa, cần phải có các yếu tố thiết yếu về hạ tầng như giao thông đi lại thuận lợi, cơ sở vật chất phục vụ du lịch, thông tin, dịch vụ cho khách, an toàn sức khỏe trong khu vực du lịch cộng đồng, nguồn nhân lực... Mặt khác, cần hoạch định, xác định các khu vực có tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng, trên cơ sở đó có chính sách hỗ trợ để đảm bảo việc xây dựng các mô hình cộng đồng có tính bản sắc, hiệu quả và khả thi.

Trước đó tháng 12/2019, UBND huyện Đầm Hà đã xây dựng Đề án Xây dựng Làng dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Tầm Làng (xã Quảng An, huyện Đầm Hà).

Theo Đề án, công trình được xây dựng ở thôn Tầm Làng của xã Quảng An, là thôn có 98% người Dao sinh sống. Công trình dự kiến huy động 101,015 tỷ đồng từ nhiều nguồn, đầu tư vào việc tạo lập không gian văn hóa như cổng làng; nhà truyền thống Dao Thanh Phán; nhà văn hóa cộng đồng; khu vực tắm suối truyền thống.

Xây dựng làng văn hóa người Dao: Tiềm năng phát triển du lịch Đầm Hà - Ảnh 2.

Nghề làm nón Đại Hiệp đã tạo được việc làm cho nhiều người dân ở xã Quảng An

Xây dựng hạ tầng thiết yếu như giao thông; phục dựng miếu thờ; bến đỗ xe...; kinh phí đầu tư phát triển bền vững (chăm sóc bảo vệ rừng đầu nguồn; xử lý rác thải; kinh phí xây dựng làng nghề truyền thống, bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể…

Người Dao là thành phần dân tộc chủ yếu ở xã Quảng An chiếm 98% còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống vốn có như hát đối người Dao, lễ cấp sắc cho người trưởng thành. Hàng năm, người Dao tự tổ chức lễ Cầu mùa vào ngày 22/2 (âm lịch), ngày hội Kiêng Gió ngày 4/4 (âm lịch), nhiều người vẫn giữ các nghề truyền thống như đan lát, thêu thùa những sản phẩm đặc trưng của dân tộc mình và chăn nuôi gà đồi Đầm Hà, lợn bản...

Xã Quảng An còn có nghề đan nón Đại Hiệp, một sản phẩm nón đặc trưng được nhiều khách du lịch ưa thích. Năm 2018, sản phẩm nón Đại Hiệp đã được Sở KH&CN tỉnh cấp chứng nhận và xã đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ để được cấp thương hiệu độc quyền.

Sản phẩm nón Đại Hiệp đã rong ruổi nhiều nơi và có mặt ở nhiều quầy hàng tại các khu du lịch Tuần Châu, Bãi Cháy (TP.Hạ Long) và Cái Chiên (Hải Hà)… Ngoài ra, nón Đại Hiệp còn theo chân khách du lịch sang cả Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước Châu Âu.

Xây dựng làng văn hóa người Dao: Tiềm năng phát triển du lịch Đầm Hà - Ảnh 3.

Thêu truyền thống, nét đẹp mang bản sắc văn hóa dân tộc Dao

Việc xây dựng Làng văn hóa người Dao Đầm Hà mới nằm trong dự án, nhưng đây là một hướng đi đúng nhằm tạo sự đa dạng sản phẩm du lịch, đặc biệt là phát triển du lịch cộng đồng nhằm kéo giãn thời gian lưu trú, thời gian trải nghiệm của khách du lịch tại Đầm Hà.

Theo đề án này, việc phát triển du lịch cộng đồng nhanh cả về quy mô và chất lượng tương xứng với tiềm năng và các loại hình du lịch khác của tỉnh Quảng Ninh một cách đa dạng và chuyên nghiệp. Về tương lai, đề án tạo ra những sản phẩm đặc thù, đặc trưng riêng, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, danh thắng, văn hóa các dân tộc; tạo thêm nhiều việc làm, góp phần giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.