Dân Việt

Kỳ vĩ đập Tam Hiệp qua 10 ảnh chụp trên không đẹp ngất ngây

Minh Nhật 07/07/2020 09:00 GMT+7
Đập Tam Hiệp - dự án thủy điện lớn nhất hành tinh của Trung Quốc gần đây gây thu hút sự chú ý của dư luận thế giới vì nguy cơ vỡ đập đe dọa sinh mạng của hàng triệu người. Cùng ngắm vẻ đẹp kỳ vĩ của con đập này qua 10 bức ảnh chụp trên không, sau cơn mưa được đăng tải trên Xinhuanet dưới đây.
Kỳ vĩ đập Tam Hiệp qua 10 ảnh chụp trên không đẹp ngất ngây - Ảnh 1.

Ý tưởng xây dựng con đập lớn nhất hành tinh trên sông Dương Tử được nhà lãnh đạo Tôn Trung Sơn đưa ra vào năm 1919 để không chỉ phát điện và giúp kiểm soát lũ lụt trên sông Dương Tử, mà còn thể hiện sức mạnh mới của Trung Quốc. Tuy nhiên, ý tưởng này đã bị gác lại tới gần 40 năm vì nhiều tranh cãi. Trong ảnh là toàn cảnh đập Tam Hiệp nhìn từ trên không sáng sớm ngày 10/5/2020.

Kỳ vĩ đập Tam Hiệp qua 10 ảnh chụp trên không đẹp ngất ngây - Ảnh 2.

Mãi đến năm 1992, Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng mới thuyết phục được Quốc hội Trung Quốc thông qua dự án, nhưng cũng có đến gần 1/3 đại biểu phản đối hoặc không bỏ phiếu - điều ít thấy trên chính trường Trung Quốc. Trong ảnh là hồ chứa đập Tam Hiệp sáng sớm sau cơn mưa hôm 10/5/2020.

Kỳ vĩ đập Tam Hiệp qua 10 ảnh chụp trên không đẹp ngất ngây - Ảnh 3.

Đập Tam Hiệp dài khoảng 2,3km và cao 185m, lớn gấp 5 lần so với đập Hoover của Mỹ. Để xây dựng con đập, người ta phải sử dụng khoảng 27,2 triệu m3 bêtông (chủ yếu cho thành đập), 463.000 tấn thép (đủ xây 63 tháp Eiffel), đào 102,6 triệu m3 đất.

Kỳ vĩ đập Tam Hiệp qua 10 ảnh chụp trên không đẹp ngất ngây - Ảnh 4.

Các chuyên gia cũng phải sử dụng khoảng 200 tấn thuốc nổ để phá hủy đê ngăn nước Tam Hiệp cuối cùng - một cấu trúc tạm để công nhân hoàn thành bức tường chính khổng lồ của đập Tam Hiệp. Vụ nổ này tạo ra khoảng 186.000 mét khối gạch vụn, theo National Geographic.

Kỳ vĩ đập Tam Hiệp qua 10 ảnh chụp trên không đẹp ngất ngây - Ảnh 5.

Các báo cáo chính thức cho biết, ngân sách xây dựng đập Tam Hiệp ở mức 25 tỷ USD. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, chi phí thực tế có thể cao hơn nhiều so với con số công bố. Con số ước tính được cho là rơi vào khoảng 75 tỷ USD (không kể các khoản tham nhũng, các tổn thất trong hủy diệt đất trồng trọt, tái định cư và tổn thất môi trường...).

Kỳ vĩ đập Tam Hiệp qua 10 ảnh chụp trên không đẹp ngất ngây - Ảnh 6.

Hồ chứa nước đập Tam Hiệp có chiều dài khoảng 660km làm ngập khoảng 632km2 đất đai, trong đó có hàng nghìn thị trấn và làng mạc. Theo đó, khoảng 1,3 triệu người đã phải tái định cư vì dự án này. Hàng chục địa điểm kiến trúc và văn hóa cũng bị ngập sâu trong hồ chứa nước đập Tam Hiệp.


Kỳ vĩ đập Tam Hiệp qua 10 ảnh chụp trên không đẹp ngất ngây - Ảnh 7.

Một trong những tranh cãi lớn nhất xung quanh đập Tam Hiệp là mức độ thiệt hại mà con đập gây ra cho môi trường. Ước tính rằng 70% nước ngọt Trung Quốc bị ô nhiễm và con đập có thể làm cho nó tồi tệ hơn rất nhiều. Đập Tam Hiệp nằm bên trên các cơ sở xử lý chất thải cũ và cơ sở khai thác mỏ. Chưa kể, 1 tỉ lít nước thải thô được lắng đọng ở sông Dương Tử mỗi năm.

Kỳ vĩ đập Tam Hiệp qua 10 ảnh chụp trên không đẹp ngất ngây - Ảnh 8.

Khu vực xung quanh đập Tam Hiệp là nơi cư ngụ của 6.400 loài thực vật, 3.400 loài côn trùng, 300 loài cá và hơn 500 loài động vật có xương sống trên cạn. Con đập không chỉ ảnh hưởng đến các loài này mà còn cả môi trường sống của chúng.

Kỳ vĩ đập Tam Hiệp qua 10 ảnh chụp trên không đẹp ngất ngây - Ảnh 9.

Các nhà môi trường còn cảnh báo, đập Tam Hiệp làm giảm dòng chảy phù sa của sông Dương Tử cũng như tác động nghiêm trọng tới hệ sinh thái ven sông và ven biển.

Kỳ vĩ đập Tam Hiệp qua 10 ảnh chụp trên không đẹp ngất ngây - Ảnh 10.

Đập Tam Hiệp gây tranh cãi ở Trung Quốc không chỉ vì các vấn đề về thiệt hại môi trường mà còn các lỗ hổng cấu trúc ngay từ lần đầu tiên được đề xuất xây dựng. Ông Wang Weiluo, một chuyên gia thủy văn đã cảnh báo rằng mối lo lớn nhất chính là những vết nứt và chất lượng bêtông không đảm bảo được phát hiện trong lúc công trình đang xây dựng.