Vào những lúc tinh thần xuống thấp nhất, tôi hay mở Youtube xem "Жди меня". Đó là chương trình truyền hình Nga giúp khán giả tìm lại những người thân đã thất lạc do những biến động của thời gian, hay do tác động của những biến cố trong số phận của mỗi người.
Tên của chương trình bắt nguồn từ những từ đầu tiên trong câu thơ thời chiến tranh thế giới thứ 2 của nhà thơ Nga Konstantin Simonov. Ở Việt Nam nó được phổ biến qua bản dịch "Đợi anh về" của nhà thơ Tố Hữu.
"Жди меня" dịch sang tiếng Việt có thể là "Hãy đợi tôi", "hãy đợi anh", "hãy đợi em", "hãy đợi con"... tùy thuộc chủ thể người muốn người khác chờ đợi là ai. Chương trình truyền hình là một phần kết quả công việc của Dự án liên bang tìm người bao gồm tòa soạn chương trình, các đội tìm kiếm (với sự tham gia của hơn 500 tình nguyện viên ở Nga và nước ngoài), website với dữ liệu về hàng triệu trường hợp ly tán chưa được đoàn tụ (trong đó có vài chục người Việt Nam được vợ/chồng/con cái/bạn bè là người Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ tìm kiếm).
Lên sóng từ năm 1998 và trải qua rất nhiều thăng trầm: Thay format, đổi kênh phát sóng, đổi người dẫn chương trình (15 MC là những nghệ sĩ nổi tiếng) và cả những vụ kiện tụng, “Hãy đợi tôi” vẫn đang tiếp tục phát sóng hàng tuần trên kênh NTV.
Tính đến 26/6/2020 đã có 927 chương trình được phát sóng. Trong lịch sử 22 năm tồn tại “Hãy đợi tôi” đã giúp hơn 200 nghìn người kết nối lại với gia đình và người thân của mình sau những ly tán. Chương trình không chỉ gói gọn ở nước Nga mà đã mở rộng phạm vi tìm kiếm ra toàn cầu và có những phiên bản dành riêng cho khán giả ở nước ngoài như Ukraina, Kazakhstan, Moldova, Armenia, Belarus…
“Hãy đợi tôi” có gì hay? Mỗi chương trình kéo dài 45 phút thường mang đến trường quay 2 hoặc 3 cuộc hội ngộ. Mỗi câu chuyện là một bi kịch của số phận do những bất hạnh, tai họa hoặc sai lầm gây ra. Chúng có thể trở thành những bi kịch rất lớn nếu cộng hưởng với sự tác động của những biến cố thời thế.
Trong bối cảnh ấy, tất cả những ai tìm thấy người thân đều là những người biết chờ đợi, biết vượt lên nghịch cảnh, biết hy vọng và chứa trong mình rất nhiều tình yêu. Những câu chuyện diễn ra trong trường quay luôn đau đớn, nhưng thường kết thúc với những niềm vui và hạnh phúc, đem đến cho những người xem như tôi năng lượng tích cực, niềm tin vào những điều tốt đẹp và tinh thần lạc quan.
Cùng với nhạc hiệu, “Hãy đợi tôi” được mở đầu bằng câu thông báo “Chương trình được thực hiện với sự hỗ trợ tài chính của Cơ quan Liên bang về Báo chí và Truyền thông đại chúng”. Như vậy là “Hãy đợi tôi” có sự trợ giúp từ một cơ quan của chính phủ Nga.
“Như chưa hề có cuộc chia ly” cũng là một chương trình có giá trị nhân văn như thế, nhưng lại là hoạt động xã hội hóa hoàn toàn. Ở một đất nước phải chịu tác động rất mạnh của các cuộc chiến tranh trong thế kỷ vừa qua, hầu như gia đình nào cũng có sự ly tán. Có nhiều gia đình, nhiều mảnh đời đã được đoàn tụ, nhưng cũng có rất nhiều người cho đến nay vẫn chưa được tìm thấy.
Với mục tiêu đem người thân trở lại bên nhau, “Như chưa hề có cuộc chia ly” đã kết nối nhiều số phận. Những chương trình như cuộc trùng phùng “Về với mẹ” trên bối cảnh sân ga phát sóng mùng 3 Tết năm 2014 sẽ mãi là dấu ấn đẹp đối với với khán giả, với cộng đồng.
Thế nhưng, sau 13 năm hoạt động với 134 số được phát sóng và hơn 2.500 gia đình được đoàn tụ, “Như chưa hề có cuộc chia ly” đang phải đối diện với nguy cơ ngừng phát sóng vì cạn kiệt tài chính. Những khó khăn thời hậu Covid-19 đã giáng đòn chí mạng vào chương trình vốn rất “kén” nhà tài trợ này.
Cũng lạ, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng bỏ nhiều tỉ đồng để tài trợ cho những game show vô bổ, nhảm nhí phát đầy trên các kênh truyền hình từ nam chí bắc, nhưng một chương trình hay, nhân văn và có ý nghĩa xã hội sâu sắc như “Như chưa hề có cuộc chia ly” lại không được các doanh nghiệp để mắt tới.
Khi tôi viết những dòng này thì ca sĩ Hà Anh Tuấn đã ngỏ lời ủng hộ 3 tỷ đồng để “Như chưa hề có cuộc chia ly” không bị gián đoạn.
Tôi mong cộng đồng ủng hộ để một giá trị nhân bản của xã hội Việt Nam hiện đại có cơ hội lan tỏa. Hãy để cho những người thân tìm lại được nhau.