Dân Việt

Có "bà đỡ" là Hợp tác xã Đại Hiệp, nông dân sản xuất nhàn hẳn

Trần Hậu 27/08/2020 21:32 GMT+7
Sau hơn 40 năm phát triển, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp - kinh doanh tổng hợp Đại Hiệp (HTX Đại Hiệp) ở xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đã khẳng định được vai trò "bà đỡ" cho các thành viên cũng như người dân địa phương trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo được nhiều dấu ấn nổi bật.

"Bà đỡ" cho nông dân Đại Hiệp

Ông Phạm Thành Sự - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Đại Hiệp cho biết, hợp tác xã  ra đời từ năm 1978, có tiền thân là Hợp tác xã Nông nghiệp 1 và Hợp tác xã Nông nghiệp 2 Đại Hiệp được hợp nhất. Năm 1997, thực hiện Luật Hợp tác xã, Hợp tác xã Đại Hiệp được tái lập, tạo bước chuyển mình với mô hình mới về kinh tế hợp tác.

Hợp tác xã Đại Hiệp - “bà đỡ” của nông dân - Ảnh 1.

HTX Đại Hiệp là đơn vị tiên phong tham gia xây dựng một số công trình nông thôn mới, góp phần cùng với xã Đại Hiệp hoàn thành 19 tiêu chí. Ảnh: H.T

Đến năm 2015, đơn vị tái cơ cấu lại hợp tác xã và chuyển dần hoạt động sang hướng mới theo Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, từ đó hoạt động của HTX ngày càng phát huy hiệu quả.

Theo ông Sự, hiện nay, các dịch vụ chủ yếu của HTX là tổ chức hướng dẫn sản xuất, làm công tác khuyến nông; sản xuất và tiêu thụ giống lúa, sản phẩm nông nghiệp; dịch vụ thủy lợi; cung ứng vật tư; bảo vệ thực vật; kinh doanh điện; thu hoạch… 

Tất cả dịch vụ từ cơ giới hóa, làm đất, thủy lợi, cung ứng phân bón trả chậm, thuốc bảo vệ thực vật, phòng trừ dịch hại cho tới khâu thu hoạch đều được HTX đứng ra "bao sân". 

Đặc biệt, lĩnh vực sản xuất gạch tuynel và xây dựng hiện là dịch vụ chính của HTX đem lại hiệu quả kinh tế rất cao.

"Ngoài việc liên doanh liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp để hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, đơn vị đã tích cực tham gia vào công tác xây dựng nông thôn mới của địa phương, trong đó chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi, thủy lợi hóa đất màu, đưa các tiến bộ khoa học vào sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho bà con… Nhờ đó, HTX Đại Hiệp đã tạo được niềm tin với xã viên, khẳng định vài trò "bà đỡ" cho nông dân" - ông Sự chia sẻ.

Góp phần xây dựng nông thôn mới 

Đại Hiệp là địa phương có truyền thống sản xuất gạch xây dựng, có vùng nguyên liệu đất sét dồi dào và chất lượng. Xác định đây là một lợi thế của địa phương, từ năm 2004 đến nay, HTX Đại Hiệp đầu tư xây dựng và mở rộng cơ sở sản xuất gạch. Đầu năm 2010, HTX triển khai dự án xây dựng nhà máy sản xuất gạch tuynel có công xuất từ 10 - 15 triệu viên/năm.

Nhờ chuyển đổi công nghệ, đầu tư dây chuyền nung có giá trị 12 tỷ đồng, sản phẩm của nhà máy đã đáp ứng yêu cầu thị trường, sản xuất hiệu quả và thu lãi ngày càng cao, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Doanh thu hàng năm của HTX đạt từ 8 - 10 tỷ đồng, trong đó sản xuất gạch tuynel là lĩnh vực sản xuất chính đem lại lợi nhuận lớn cho HTX.

HTX Đại Hiệp cũng nhận thầu các công trình xây dựng tại địa phương với doanh thu hàng năm từ 1,5 - 2 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 30 lao động có tay nghề. Đặc biệt, HTX là đơn vị tiên phong tham gia xây dựng một số công trình nông thôn mới, góp phần cùng với địa phương hoàn thành 19 tiêu chí, đưa Đại Hiệp là xã đầu tiên của huyện Đại Lộc hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Việc kinh doanh lưới điện nông thôn từ năm 1999 vẫn được HTX duy trì đến nay nhờ làm tốt khâu điều hành, quản lý.

Theo ông Sự, doanh thu bình quân mỗi năm trên tất cả các dịch vụ của HTX Đại Hiệp khoảng 28 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 1 tỷ đồng. HTX giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 150 lao động tại địa phương, mức lương trung bình từ 6.000.000 - 7.000.000 đồng/người/tháng với các chế độ đầy đủ…

Nói về những yếu tố đem lại sự thành công của HTX, ông Phạm Thành Sự - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết: “Để HTX tồn tại và phát triển thì Hội đồng quản trị HTX luôn phải đặt quyền lợi của hộ thành viên lên hàng đầu, tạo sự gắn kết giữa thành viên và HTX, tạo ý thức trách nhiệm của thành viên với tinh thần: “HTX là nhà, thành viên là chủ”.

Đơn cử, HTX Đại Hiệp đã đầu tư vốn đầu vụ sản xuất cho thành viên đến cuối vụ thu hoạch, thành viên thanh toán trả lại cho HTX. Với cách làm này, HTX đã giải quyết vấn đề đầu vào cho sản xuất nông nghiệp cho thành viên, tạo điều kiện cho những hộ thành viên thiếu vốn, thiếu lao động vẫn yên tâm sản xuất.

Ông Đỗ Thanh Cảng - Chủ tịch UBND xã Đại Hiệp cho biết, HTX Đại Hiệp bên cạnh việc sản xuất kinh doanh có hiệu quả, ngày càng khẳng định được vai trò "bà đỡ" cho nông dân, thì HTX còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đóng góp cho công tác đền ơn đáp nghĩa đối với những người có công tại địa phương và các gia đình khó khăn…

"Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông về xây dựng nông thôn mới năm 2020 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông".