Xuất khẩu tăng trưởng, không ngại Covid-19
Có thể thấy, gỗ dán là một trong những mặt hàng không chịu nhiều tác động của dịch Covid-19.
Theo thống kê của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gỗ dán đạt sản lượng 893.400m3, trị giá 286,87 triệu USD, tăng 14% về lượng so với cùng kỳ 2019.
Năm 2019, xuất khẩu gỗ dán đạt 2,03 triệu m3, giá trị 685,4 triệu USD, chiếm 7% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Hiện nay, cả nước có 115 doanh nghiệp trực tiếp sản xuất gỗ dán, tổng sản lượng năm 2019 đạt 3,07 triệu m3. Hàn Quốc, Mỹ là 2 thị trường xuất khẩu gỗ dán chính của Việt Nam. Năm 2019, xuất khẩu gỗ dán sang Mỹ đạt 518.600m3, chiếm 9% về tổng lượng xuất; sang Hàn Quốc trên 819.100m3, chiếm 40% tổng lượng xuất.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, gỗ dán cũng là 1 trong 5 mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam. Năm 2019 Việt Nam nhập gần 520.000m3 gỗ dán, đạt 213,5 triệu USD. Trung Quốc là thị trường cung gỗ dán chính cho Việt Nam, chiếm trên 86% về lượng và giá trị nhập.
Ngành gỗ dán cũng đang thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn. 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam tiếp nhận 35 dự án đầu tư mới trong ngành gỗ với số vốn 173,37 triệu USD, trong đó gỗ dán có 2 dự án với số vốn 14 triệu USD.
Hình thành cơ chế giảm thiểu rủi ro
Theo ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, sự gia tăng về lượng và giá trị xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc và Mỹ cùng với việc đón nhận nhiều dự FDI mới vào mặt hàng gỗ dán, trong đó có các dự án FDI từ Trung Quốc, khiến cho mặt hàng này đã và đang đứng trước các vụ kiện chống lẩn tránh thuế và chống bán phá giá.
Hàn Quốc và Mỹ thời gian qua đã có quyết định khởi kiện chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế mặt hàng này, trong đó Hàn Quốc đã áp thuế tạm mới mức 9,18 - 10,56%.
Gỗ dán hiện đang được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất các mặt hàng khác như ván sàn, đồ gỗ, tủ bếp… phục vụ xuất khẩu. Để giảm thiểu rủi ro trong khâu này, ông Đỗ Xuân Lập cho rằng, cần nghiên cứu về thực trạng chuỗi cung đồ gỗ có sử dụng gỗ dán là nguồn nguyên liệu hiện nay.
Ngày 9/6 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã ra phán quyết chính thức điều tra ngành sản xuất gỗ dán của Việt Nam.
Trong tương lai, có thể sẽ xuất hiện thêm các cáo buộc về vi phạm luật chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế đối về mặt hàng gỗ dán của Việt Nam và về các mặt hàng khác của Việt Nam có sử dụng gỗ dán làm nguồn nguyên liệu đầu vào như tủ bếp, ván sàn hay đồ gỗ.
Ông Tô Xuân Phúc - chuyên gia Tổ chức Forest Trend - nhận định, hiện có ít nhất 4 loại hình rủi ro đang tồn tại trong chuỗi cung gỗ dán của Việt Nam. Cụ thể, rủi ro từ khâu nguyên liệu gỗ rừng trồng đầu vào tới khâu sản xuất ván bóc; rủi ro trong khâu từ sản xuất ván bóc tới gỗ dán; rủi ro trong pha trộn giữa nguồn cung trong nước và luồng cung nhập khẩu; rủi ro trong khâu từ gỗ dán làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất các mặt hàng khác phục vụ xuất khẩu.
Do đó, theo ông Đỗ Xuân Lập, việc hình thành và thực hiện các cơ chế giảm thiểu rủi ro trên cả 2 phương diện này là một việc hết sức cấp bách và cần thiết đối với các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là đối với các bên đang trực tiếp tham gia chuỗi cung gỗ dán, cũng như các chuỗi cung có sử dụng gỗ dán làm nguồn nguyên liệu đầu vào.
"Đặc biệt, cần khuyến khích các doanh nghiệp tiên phong trong việc chuyển đổi nguồn cung nguyên liệu gỗ dán, từ luồng cung không rõ ràng, tiềm ẩn nhiều rủi ro, sang các luồng cung rõ ràng, với các thông tin về nguyên liệu, đầu ra, đầu vào mà doanh nghiệp hoàn toàn đánh giá và kiểm soát được về tính pháp lý và sự tuân thủ các yêu cầu pháp lý của các bên cung nguyên liệu này" - ông Lập nói.
Trong khi đó, ông Bùi Chính Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp (Tổng cục Lâm nghiệp) cho rằng, việc khởi kiện lẫn nhau trong cạnh tranh thương mại là bình thường, nhất là khi thâm nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế có giao thương rộng lớn.
"Đây là dịp để doanh nghiệp nhìn nhận lại, với doanh nghiệp làm ăn chân chính có cơ hội để khẳng định có làm ăn chân chính hay không. Tổng cục Lâm nghiệp đang phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, các địa phương hướng dẫn doanh nghiệp theo đuổi và vượt qua vụ kiện này của Mỹ" - ông Nghĩa khẳng định.