Dân Việt

Xem những người đàn ông vạm vỡ hành nghề "đỡ đẻ" cho đàn cá chép to bự ở Lào Cai

Thành Nam 09/07/2020 13:05 GMT+7
Vốn là những kỹ sư thủy sản, nhưng mỗi lần cá sinh sản, họ trở thành lão ngư thứ thiệt, sẵn sàng ngâm mình dưới nước hàng tiếng đồng hồ để chọn cá bố mẹ, rồi thức trắng đêm canh cá đẻ. Vì thế, họ còn được nhiều người gọi là “ông đỡ đẻ” cho “sản ngư”.

Sau nhiều lần hẹn “trượt”, lần này tôi may mắn được kỹ sư thủy sản Đỗ Thành Luân, Trại trưởng Trại giống thủy sản cấp I tỉnh Lào Cai mời xuống để tận mắt chứng kiến việc cho cá chép sinh sản. Dù là Trại trưởng, nhưng kỹ sư Đỗ Thành Luân cũng tất bật như những anh em trong đơn vị.

Xem những người đàn ông vạm vỡ hành nghề "đỡ đẻ" cho đàn cá chép to bự ở Lào Cai - Ảnh 1.

Kiểm tra trứng cá chép đang ấp.

Anh Luân vừa chỉ đạo, vừa trực tiếp kéo lưới bắt cá, không phải vì thiếu người, mà vì công việc này đã trở thành quen thuộc và đam mê của anh mỗi lần cho cá sinh sản. Vừa kéo lưới, kỹ sư Luân vừa chia sẻ: Đây là vụ cá sinh sản đầu tiên sau dịch Covid-19 anh ạ, nên anh em phấn khởi lắm!

Nói đến đây, kỹ sư Luân buộc phải dở câu chuyện, bởi lưới đã kéo sát bờ, anh phải hướng dẫn chọn cá chép bố, mẹ.

Từng con cá chép cái được đưa lên mặt nước, qua cái nhìn của kỹ sư thủy sản nhiều kinh nghiệm, anh biết có thể chọn để phục vụ cho đợt sinh sản này, với cá chép đực cũng như vậy. Sau khi chọn đủ cá bố, mẹ, lúc này anh mới có nhiều thời gian để tiếp tục câu chuyện với tôi.

Kỹ sư Đỗ Thành Luân tâm sự: Thông thường, mỗi năm có 2 vụ sản xuất cá giống chính, đó là vụ Xuân (ngay sau Tết Nguyên đán) và vụ Thu, bởi đó là thời điểm nhu cầu giống nuôi thủy sản của người dân tăng. Tuy nhiên hiện nay, thị trường cung cấp cá giống của trại được mở rộng, thậm chí vào tận Đồng Tháp, Cần Thơ, nên trung bình mỗi tháng, trại cho cá đẻ 2 lần. 

Trung tâm hiện sản xuất chủ yếu giống cá chép, với 500 cặp cá chép bố mẹ đang trong độ tuổi sinh sản. Hầu hết cá bố mẹ được nhập từ Viện Thủy sản I Trung ương, thậm chí có cả giống nhập ngoại, tiếp tục cho lai tạo từ các dòng để chọn được những con giống có phẩm cấp tốt nhất.

 “Để có được đàn cá bố mẹ chất lượng như hiện nay, cán bộ, kỹ sư của trại phải dành nhiều công sức nghiên cứu, lai tạo, lựa chọn”, kỹ sư Đỗ Thành Luân chia sẻ.

Như để minh chứng cho chia sẻ của mình, kỹ sư Luân đưa tôi ra khu vực chọn cá bố, mẹ cho lần sinh sản này. Những con cá chép cái vàng bóng, bụng căng tròn, trọng lượng trung bình 5 - 6 kg/con, cá chép đực đen nhánh, trọng lượng trung bình 4 -5 kg/con, quẫy nước bắn tung tóe, đó là thành quả, nỗ lực của cán bộ, kỹ sư của trại.

Để chuẩn bị cho một lần cá chép sinh sản, công việc của cán bộ, kỹ sư của Trại giống thủy sản cấp I tỉnh vô cùng vất vả. Trước vụ sinh sản, họ phải nuôi vỗ tích cực và nuôi vỗ thành thục cho cá chép bố mẹ, đây là công đoạn mất nhiều thời gian và công sức, quyết định đến sự thành công của lần sinh sản này. 

Trong công đoạn nuôi vỗ tích cực, hằng ngày họ phải cho cá chép bố, mẹ ăn 2 lần, với đầy đủ protein, đạm và ghi chép cụ thể, chi tiết các thông số. Thường xuyên “nghe ngóng” thời tiết, nếu mưa to hoặc nắng nóng phải giảm lượng thức ăn cũng như số lần cho cá ăn, nếu chểnh mảng chắc chắn sẽ thất bại. 

Sau thời gian nuôi tích cực, sẽ cá chép bố, mẹ chuyển sang nuôi vỗ thành thục, giảm protein trong thức ăn, tăng chất xơ để thúc đẩy chuyển hóa sang trứng. Do vậy, trại phải phân công 1 nhân công ngày đêm ủ thóc, làm giá đậu tương làm thức ăn cho cá. 

“Lo cái ăn cho cá, ra vào nhìn nắng, nghe mưa, thành ra chúng tôi yêu thương chúng, chỉ mong đến ngày sinh sản để nhìn đàn cá chép bố mẹ lớn, khỏe ra sao”, anh Mã Văn Pao - lao động hợp đồng của trại tâm sự.

Xem những người đàn ông vạm vỡ hành nghề "đỡ đẻ" cho đàn cá chép to bự ở Lào Cai - Ảnh 4.

Đưa giá thể vào bể cá sinh sản.

Trước đợt cá sinh sản 1 tháng, trại phải kéo cá để kiểm tra độ thành thục, độ căng của bụng, độ chín của trứng. Trước khi sinh sản 1 ngày, lại tiếp tục kéo lưới, kiểm tra một lần nữa độ thành thục của cá, mới đi đến quyết định cuối cùng cho cá đẻ hay không. 

Kiểm tra cá không phải việc đơn giản, mà phải biết cách nâng đỡ, bởi giai đoạn này, cá rất dữ. Riêng công đoạn này, anh Bùi Văn Ngọc, cán bộ kỹ thuật được trại “ưu ái” giao cho đặc trách. 

Anh Ngọc tâm sự: Ngâm mình hàng giờ trong nước, thậm chí còn bị cá lao vào mặt, thâm tím cả mắt thực sự không sung sướng gì. Nhưng là người đầu tiên nâng đỡ những con cá bố mẹ béo khỏe trước khi cho chúng sinh sản, mình rất vui, vì được tận tay nâng đỡ thành quả của cả tập thể.

Sau khi chọn đủ, cá chép bố mẹ được đưa vào 2 bể, để riêng cá đực và cá cái. Sau đó, cán bộ kỹ thuật sẽ tiêm kích dục tố cho cá cái và cá đực. Đợi đến trời tối, toàn bộ cá đực được chuyển sang bể chứa cá cái.

Lúc này, nước trong bể chứa được cho chảy tạo dòng để cá thích nghi như ngoài tự nhiên. Sau khi cá đực và cá cái kết hợp thành từng cặp, các cán bộ kỹ thuật nhanh chóng thả lục bình vào bể, vừa tạo lớp che cho cá “đỡ ngại” vừa tạo giá thể để trứng bám vào. 

Tiếp đó, họ phủ tấm lưới kín bể để tránh cá “hăng quá” lao ra ngoài. Cả đêm, họ phải cắt cử nhau thăm bể vài lần để đảm bảo cá sinh sản an toàn.

Sáng hôm sau, họ chỉ việc vớt lục bình mà trứng cá đã bám đầy rễ, cho vào khu ấp khô. Nhìn mỗi chùm lục bình “lúc lỉu” trứng cá bám vào rễ, gương mặt kỹ sư, công nhân ở đây phấn khởi vô cùng. Sau khi ấp khô 24 giờ, trứng xuất hiện điểm mắt thì chuyển xuống ấp nước từ 20 đến 24 giờ, trứng cá nở, sau đó mang cá bột tiếp tục ương thành cá giống. 

Mỗi lần cho cá chép sinh sản, trại sản xuất được 1,5 - 2 triệu cá bột, tỷ lệ sản xuất cá giống đạt từ 60% đến 70%. Trong đó, 40% cá hương và cá giống được cung cấp trong tỉnh Lào Cai, còn lại cung cấp cho các tỉnh đồng bằng như Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, thậm chí cá giống của trại còn lên máy bay vào tận tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ.

Nhờ những “ông đỡ đẻ” cần mẫn của Trại giống thủy sản cấp I tỉnh mà cá chép giống “made in” Lào Cai đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.