Dân Việt

TT-Huế: Bảo tồn loài chim quý có quy cơ tuyệt chủng, thợ săn đặt bẫy bằng phanh xe đạp

Hoàng Triều 09/07/2020 13:19 GMT+7
Trĩ sao đang đối mặt với các mối đe dọa, nguy cơ tuyệt chủng trước tình trạng mất sinh cảnh sống, bẫy bắt, săn bắt, nhiễu loạn do các hoạt động khai thác sản phẩm từ rừng, thời tiết, thiên tai.

Các mối nguy

Các chuyên gia bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) nhận định, tình trạng mất, thu hẹp sinh cảnh sống do các hoạt động phá rừng, đốt rừng làm nương rẫy, xây dựng thủy điện trong vùng lõi của các khu bảo tồn (KBT) là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với loài Trĩ sao. 

Các ban ngành, cơ quan trong nước, tổ chức quốc tế đã thành lập nhiều KBT, tuy nhiên hiện nay sinh cảnh sống cho Trĩ sao tại các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên vẫn bị thu hẹp thường xuyên với những cấp độ khác nhau.

TT-Huế: Bảo tồn loài chim quý có quy cơ tuyệt chủng, thợ săn đặt bẫy bằng phanh xe đạp - Ảnh 1.

Chim Trĩ có nguy cơ tuyệt chủng

Ông Lê Ngọc Tuấn, Giám đốc KBT thiên nhiên Phong Điền (TT-Huế) cho rằng, việc xây dựng bốn nhà máy thủy điện, đang được hình thành dọc tuyến đường 71, nhất là các nhà máy xây dựng trong phân KBT nghiêm ngặt của KBT thiên nhiên Phong Điền là Alin 1 và 2, Rào Trăng 3 và 4 đã tác động nghiêm trọng đối với đa ĐDSH trong KBT. 

Quá trình xây dựng các nhà máy thủy điện đã phá hủy, làm chia cắt diện tích lớn các sinh cảnh rừng tự nhiên, thu hẹp sinh cảnh sống của Trĩ sao.

Bẫy bắt là một trong những mỗi đe dọa nghiêm trọng nhất đối với quần thể loài Trĩ sao. Việc đặt bẫy bằng phanh xe đạp dọc tuyến đường được các tay săn tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế sử dụng. 

Hầu hết các loài thường kiếm ăn trên mặt đất như Bộ Gà có nguy cơ dính bẫy cao. Tại Thừa Thiên Huế, nhiều tay săn còn dùng các biện pháp dụ các cá thể họ Trĩ như loa, bẫy chuyên dụng và thường xuyên sử dụng súng cồn để bắn chim, tiềm ẩn nguy cơ với loài Trĩ sao.

Tận thu các sản phẩm từ rừng, các loài cây phi gỗ như phong lan, mây, tre, nứa, cói… hay các loài động vật như ếch, nhái, cá suối như hiện nay đang diễn ra phổ biến trong các KBT thiên nhiên Phong Điền, KBT Sao La cũng là mối đe dọa lớn. Các hoạt động ra vào rừng của người dân như tìm phế liệu chiến tranh, khai thác vàng, khai thác gỗ… gây ra hàng loạt tác động không chỉ trực tiếp nhiễu loạn đến Trĩ sao, mà còn phát sinh nhiều nguy cơ khác như cháy rừng, ô nhiễm nguồn nước.


Tuy không nghiêm trọng như mất sinh cảnh sống, săn bẫy nhưng thời tiết khắc nghiệt, thiên tai cũng là một trong những nguyên nhân đe dọa đến sự phát triển của các quần thể loài. Khu vực miền Trung thường xuyên xảy ra các cơn bão lớn, lũ lụt, hạn hán phần nào ảnh hưởng trực tiếp đến các loài, đặc biệt khả năng làm tổ, sinh sản. 

Trong tương lai, Trĩ sao còn có thể đối mặt với một số nguy cơ đe dọa như phát triển hạ tầng, nhiễu loạn từ các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, du lịch sinh thái không bền vững, biến đổi khí hậu.

Nâng cao năng lực bảo tồn

TT-Huế: Bảo tồn loài chim quý có quy cơ tuyệt chủng, thợ săn đặt bẫy bằng phanh xe đạp - Ảnh 3.

Cán bộ KBTTN Phong Điền (TT-Huế) tuần tra rừng, bảo vệ ĐVHD

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn thông tin, tỉnh đã có kế hoạch, hành động bảo tồn Trĩ sao, trước hết nâng cao nhận thức và hành động của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân về công tác bảo tồn thông qua các chương trình giáo dục. Giáo dục cho cộng đồng địa phương, phát huy vai trò phụ nữ, bình đẳng giới trong công tác bảo tồn Trĩ sao được triển khai thường xuyên, lâu dài.

Bảo tồn Trĩ sao nói riêng, ĐDSH nói chung phải gắn với giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc liên quan đến động vật hoang dã (ĐVHD). Các ban ngành phối hợp với các cơ sở giáo dục đưa thông tin về bảo tồn Trĩ sao vào các chương trình, hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt đầu tuần tại các trường học thuộc vùng đệm các khu rừng đặc dụng.


Đội ngũ cán bộ thực hiện công tác bảo tồn tại các đơn vị kiểm lâm, ban quản lý rừng đặc dụng được nâng cao năng lực. Mỗi đơn vị sẽ đào tạo riêng một cán bộ chuyên trách về bảo tồn ĐDSH, có kiến thức, chuyên môn sâu về nhận biết các loài ĐVHD, cứu hộ ĐVHD, giám sát ĐDSH, truyền thông bảo tồn…

Đội ngũ này được trang bị máy tính, máy định vị GPS, máy tính bảng, bẫy ảnh, máy ảnh cầm tay, trang thiết bị thực địa… phục vụ công tác bảo tồn.

Tỉnh đã có kế hoạch hỗ trợ triển khai lồng ghép, gắn các hoạt động bảo tồn Trĩ sao với quy hoạch hoạt động của các ban quản lý rừng đặc dụng có sự phân bố của Trĩ sao. Trong đó, ưu tiên nguồn lực thực hiện các hoạt động quản lý, bảo vệ, giám sát và nghiên cứu bảo tồn Trĩ sao; ngăn chặn các hoạt động làm suy thoái, suy giảm chất lượng môi trường tự nhiên; các hoạt động bảo vệ, phục hồi rừng, trồng mới rừng bằng cây bản địa nhằm nâng cao chất lượng, mở rộng môi trường sống cho Trĩ sao.

Các hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ, thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học, điều tra, giám sát hỗ trợ công tác bảo tồn Trĩ sao sẽ được triển khai trong các đơn vị, lực lượng kiểm lâm, bảo tồn ĐHSH, ĐVHD. 

Trong đó tập trung nghiên cứu khoa học, hỗ trợ vật chất về bảo tồn loài, quần thể, hệ sinh thái của Trĩ sao tại Vườn Quốc gia Bạch Mã, các KBT thiên nhiên; xúc tiến xây dựng mới trung tâm cứu hộ Trĩ sao, hoặc mở rộng quy mô Trung tâm Cứu hộ ĐVHD-Vườn Quốc gia Bạch Mã.

Trước tình trạng săn bắt, tiêu thụ ĐVHD trái phép, yêu cầu đặt ra hiện nay là nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, tăng cường của các cơ quan quản lý và cộng đồng bảo tồn Trĩ sao và môi trường sống của chúng…