Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang là nơi neo đậu tàu thuyền lớn nhất khu vực miền Trung đang chịu nhiều áp lực về môi trường. Rác thải chủ yếu là bao ni-lông, chai nhựa, vỏ hộp cơm… bủa vây tàu thuyền, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Mặc dù công nhân vệ sinh và các CLB môi trường thường xuyên thu gom rác thải nhưng “không xuể” bởi lượng rác quá lớn.
Cô Lê Thị Lệ (50 tuổi) – công nhân vệ sinh tại cảng cá cho biết, lượng rác thải khổng lồ nhưng Đội Môi trường của Ban Quản lý Âu thuyền, Cảng cá Thọ Quang chỉ có gần chục cán bộ, nhân viên hàng ngày thực hiện nhiệm vụ dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải nhưng không xuể vì quá nhiều. Công nhân phải làm 8 giờ/ngày, kể cả ngày lễ, tết, với các việc như: dội rửa, phun vi sinh khử mùi tại khu vực chợ, nhà chứa rác, cầu cảng.
“Việc của tôi là dọn vệ sinh nhưng cũng mong các tàu cá có ý thức để giữ gìn môi trường, mỗi khi có cuộc họp là chúng tôi kiến nghị lên cấp trên để xử lý những người xả rác bừa bãi, nhưng do không bắt tại trận được nên chưa thể xử lý triệt để vấn đề này” - cô Lê Thị Lệ cho hay.
Theo Ban quản lý Âu thuyền cảng cá Thọ Quang, hiện nay, khu vực âu thuyền quá tải. Công suất âu thuyền chỉ cho phép hơn 400 tàu nhưng có những thời điểm nơi đây tiếp nhận hơn 1000 chiếc vào neo đậu. Vấn đề vệ sinh môi trường ở Âu thuyền cảng cá vẫn là vấn đề phức tạp, khó khăn nhất hiện nay là việc người dân thiếu ý thức, thường xuyên vứt rác xuống Âu thuyền. Mặc dù Ban Quản lý đã thường xuyên tuyên truyền bằng mọi hình thức và cho ký cam kết đối với các chủ tàu thuyền.
Tuy nhiên, việc xử lý hành vi này khó thực hiện, do Ban Quản lý là đơn vị sự nghiệp không có chức năng xử phạt; phạm vi quá rộng, nhiều tổ chức, cá nhân cùng tham gia hoạt động trong khu vực; hơn 70% tàu thuyền về hoạt động tại Cảng là tàu ngoại tỉnh, việc tuyên truyền, xử lý khó khăn vì người dân thiếu ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh.
Hiện nay, tại khu vực cảng cá và chợ đầu mối chưa có hệ thống thoát nước mưa, nước thải riêng mà đều gom về Trạm xử lý của Chợ đầu mối. Hầm chứa của Trạm xử lý không đáp ứng nên xảy ra tình trạng nước lưu cữu trong hệ thống cống thoát nước lâu ngày bốc mùi hôi.
Ông Phạm Trung Thành, Phó Giám đốc Ban quản lý cảng cá và Âu thuyền Thọ Quang cho biết, để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại âu thuyền Thọ Quang, Ban quản lý Cảng cá và Âu thuyền Thọ Quang xây dựng đề án giảm rác thải từ tàu cá xuống âu thuyền. Theo đề án này, chủ tàu trước khi xuất bến hoặc cập cảng phải bàn giao lượng rác sinh hoạt trên tàu cho Ban quản lý mới được ký lệnh xuất, cập bến. Các tàu cá vi phạm nhiều lần sẽ không cho xuất, cập bến. Đơn vị đề xuất thành phố cho lắp đặt camera tại khu vực các doanh nghiệp có công trình đóng sửa tàu thuyền giám sát việc xả thải tại khu vực này. Việc giám sát sẽ đưa về cơ quan quản lý là UBND quận Sơn Trà.
“Việc triển khai lắp đặt camera giám sát tình trạng xả thải nằm trong Đề án xử lý ô nhiễm âu thuyền Thọ Quang giai đoạn 5 năm, từ 2020-2025 đã trình lên TP và được thống nhất. Khi triển khai sẽ giám sát toàn bộ việc xả thải của các tàu thuyền neo đậu trong khu vực âu thuyền.”- ông Thành cho hay.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng mức độ cải thiện vệ sinh môi trường tại âu thuyền Thọ Quang mặc dù được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Trước mắt, yêu cầu các đơn vị nghiên cứu, đề xuất lắp đặt camera giám sát tình trạng xả thải tại khu vực Âu thuyền.
“Hiện nay, năng lực quản lý của Ban Quản lý âu thuyền Thọ Quang trong sự phối hợp với các cơ quan ban ngành chức năng khác chưa đáp ứng yêu cầu. Khi chưa có biện pháp quản lý thật tốt vấn đề xả thải từ các tàu, thì chưa giám sát, xử phạt được mặc dù công vụ mình có đủ hết, mình có biên phòng. Bây giờ chỉ cần đề xuất cho lắp đặt mấy chục camera giám sát, độ phân giải cao lên, ai vứt rác thì trích xuất camera, đề nghị Biên phòng chặn thu phạt”, ông Thơ cho hay.