Tai buổi làm việc với lãnh đạo UBND các tỉnh khu vực Tây Nguyên (Đắk Lắk, Kon Tum, Đắk Nông, Gia Lai), Quảng Nam, Quảng Ngãi, ông Đặng Quang Tấn – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết từ đầu năm đến nay, 4 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai) đã ghi nhận 66 ca bệnh bạch hầu.
Theo ông Tấn, phân tích sâu về 53 ca mắc bạch hầu cho thấy, có 25 ca không có biểu hiện triệu chứng (người lành mang trùng, phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc).
"Việc có tới gần 50% ca bệnh không có triệu chứng, chứng tỏ bệnh đã lưu hành trong cộng đồng, nguy cơ lây bệnh từ người này sang người khác qua tiếp xúc là rõ ràng" – ông Tấn nhận định.
Ngoài ra, đa số các trường hợp mắc bệnh trên 7 tuổi (chiếm 85%), 1 số người 50-60 tuổi vẫn mắc bạch hầu. Đại đa số các trường hợp mắc bệnh không được tiêm vắc xin phòng bạch hầu đủ mũi, đúng lịch hoặc không nhớ rõ mình đã tiêm hay chưa. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ có xác minh chỉ có 3 trường hợp/53 người (5,6%).
Để ngăn chặn dịch bạch hầu lây lan, ông Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Dịch tễ Tây Nguyên cho biết, tuần này và tuần sau sẽ triển khai xét nghiệm bạch hầu tại Đắk Lắk và Đắk Nông. Viện sẵn sàng cung ứng 500.000 liều vắc xin cho Tây Nguyên trong 1 ngày. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất chính là thuyết phục người dân đi tiêm phòng vì người dân đa số là người dân tộc thiểu số, chưa có ý thức tiêm vắc xin phòng bệnh.
Ông Nguyễn Trọng Khoa- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng chia sẻ, trong sáng 9/7, hội đồng chuyên môn đã họp để cập nhật phác đồ điều trị bệnh bạch hầu. Bộ Y tế cũng đã tổ chức tập huấn điều trị bạch hầu kết hợp sốt xuất huyết, Covid-19 cho 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên, chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, cách ly kịp thời, khoanh vùng triệt để ổ dịch… chuẩn bị sẵn các khu cách ly, buồng cách ly, phương tiện vật tư tiêu hao, thuốc men…
Phát biểu chỉ đạo tại buổi họp, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, dịch bạch hầu xảy ra rải rác, nhưng năm nay khác các năm trước là quy mô xảy ra trên diện rộng (hiện đã xuất hiện tại 4 tỉnh Tây Nguyên).
"Bệnh bạch hầu là bệnh cổ điển, tất cả các cơ chế sinh bệnh học đều đã biết, tử vong chủ yếu do biến chứng viêm cơ tim. Tuy nhiên, bệnh này có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Các cơ quan tâp trung nỗ lực khống chế, quyết liệt ngăn chặn và kiểm soát dịch bạch hầu", GS Long nhận định.
Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, ngoài việc chống dịch bạch hầu, chúng ta cũng không được chủ quan, lơi là với việc phòng chống dịch Covid-19, trong hoàn cảnh dịch Covid-19 trên thế giới đang rất phức tạp.
Để ngăn chặn dịch bạch hầu, Bộ Y tế sẽ tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu trên quy mô lớn, trước hết tại 4 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai) có ca bệnh, sau đó là Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Tiêm theo chiến dịch nên tất cả người dân từ 2 tháng tuổi đều được tiêm chủng.
Theo đó, toàn bộ trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên sẽ được tiêm phòng. Với trẻ 2-3-4 tháng thì tiêm vắc xin 5 trong 1 đang tiêm rộng rãi, trên 7 tuổi thì tiêm vắc xin Td (chứa thành phần uốn ván, bạch hầu).
Dự kiến sẽ có khoảng hơn 10 triệu liều vắc xin cung cấp cho 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên đang có dịch (Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai) với hơn 4,7 triệu người được tiêm vắc xin.