Đó là nhận định của Bộ NNPTNT tại hội nghị công tác quản lý cam toàn đập, hồ chứa thủy lợi thực hiện dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập năm 2020, tổ chức sáng 9/7 tại Lâm Đồng.
Hàng trăm hồ chứa xuống cấp
Ông Nguyễn Đăng Hà - Vụ trưởng Vụ An toàn đập (Bộ NNPTNT) cho biết, hiện cả nước đã xây dựng được hơn 7.100 đập, hồ chứa thủy lợi. Trong đó, có gần 420 đập dâng có chiều cao trên 5m và 6.750 hồ chứa với tổng chiều dài đập khoảng 1.182km. Tổng dung tích trữ khoảng 14,5 tỷ m3, tạo nguồn nước tưới cho gần 1,1 triệu ha đất nông nghiệp.
"Các hồ bị xuống cấp, hư hỏng nặng tập trung vào nhóm hồ vừa và nhỏ, các hồ này chủ yếu được xây dựng đã lâu, từ những năm 70-80 của thế kỷ trước, trong điều kiện kinh tế khó khăn, kỹ thuật hạn chế, thiếu kinh phí bảo trì, sửa chữa nâng cấp".
Ông Nguyễn Đăng Hà
"Tình hình thực hiện các văn bản pháp lý về an toàn đập, hồ chứa thủy lợi đã bước đầu chuyển biến. Một số nhiệm vụ được các chủ đập thực hiện khá tốt, như: Phương án ứng phó thiên tai (64% số hồ được lập); kiểm tra công trình (100%); quy trình vận hành cửa van (89%)...
Tuy nhiên mức độ áp dụng rộng rãi trên thực tế còn thấp, vẫn còn nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa bố trí kinh phí và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa. Ngoài ra, còn nhiều nội dung chưa được triển khai, nhất là ở nhóm hồ vừa và nhỏ" - ông Hà thông tin.
Đặc biệt, hiện nay trên cả nước còn 1.645 hồ chứa bị xuống cấp, thiếu khả năng xả lũ. Nguy cấp hơn, trong đó có 200 hồ chứa bị hư hỏng nặng, cần đặc biệt quan tâm và phải xử lý cấp cách ngay trong năm 2020.
Với những hồ chứa này phần lớn là bị thấm mạnh qua cả thân đập, nền đập và qua mang cống, mang tràn. Ngoài ra, có hàng trăm hồ bị trượt sạt mái thượng hạ lưu, có tổ mối trong thân đập, hoặc chưa được gia cố mái đập, bị nứt đập, thiết bị thoát nước hạ lưu đập bị hư hỏng.
Chính vì vậy, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo Tổng cục Thủy lợi phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra hiện trạng các công trình, thống kê các hồ chứa xung yếu có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ; đề nghị các địa phương, đơn vị chủ động bố trí kinh phí để sửa chữa các hư hỏng của các điểm hồ xung yếu nhằm bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Theo Bộ NNPTNT, trong những năm gần đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã tác động ngày càng rõ nét đến an toàn đập hồ chứa ở nước ta. Trình trạng mưa, lũ cực đoan diễn biến phức tạp, bất thường với cường độ lớn thường xuyên xảy ra ở nhiều nơi ảnh hưởng nghiêm trọng an toàn hồ chứa.
Điển hình trong các năm 2010, 2013, 2015, 2017, hay như năm 2019 vừa qua, ở nước ta đã xảy ra 8 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới. Đặc biệt, cơn bão số 2 tháng 7/2019, bão số 4 tháng 8/2019 gây mưa lũ lớn ở Thanh Hóa, bão số 3 gây mưa lũ đặc biệt lớn ở Tây Nguyên làm nhiều đập, hồ chứa bị sự cố.
Ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, để đảm bảo an toàn cho các công trình hồ đập, hồ chứa thủy lợi, đảm bảo nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp và hạn chế thiệt hại khi có sự cố công trình xây dựng, cần phải thường xuyên kiểm tra công trình trước, trong và sau mùa mưa lũ để phát hiện các sự cố, từ đó có phương án sửa chữa kịp thời.
Ngoài ra, cần ưu tiên đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình do việc đầu tư chưa đồng bộ như việc thiếu cống dưới đập, tràn xả lũ, tập trung việc sửa chữa gia cố mái thượng lưu và đỉnh đập.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đăng Hà cũng cho biết, cần đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao năng lực quản lý, vận hành cho cán bộ công nhân quản lý đập, hồ chứa; tăng cường công tác quan trắc, giám sát vận hành các đập, hồ chứa, nhất là với các đập, hồ chứa có cửa van để nâng cao chất lượng vận hành bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi nhận định: "Hiện nay, các địa phương đã bước vào mùa mưa, qua đánh giá thì thấy trên cả nước có hàng nghìn hồ chứa thủy lợi mất an toàn rất cao".
Ông Tỉnh đề nghị các địa phương thường xuyên tổ chức, đánh giá thực trạng hồ chứa trên địa bàn của mình, từ đó bố trí kinh phí để sửa chữa, nâng cấp và đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.
Về công tác quản lý, với một số hồ chứa vừa và lớn vẫn còn vài địa phương giao cho cấp xã quản lý. Điều này gây nguy cơ mất an toàn rất cao. Theo quy định, cấp xã chỉ được giao quản lý hồ chứa nhỏ nhưng phải đủ năng lực. Đối với các hồ chứa vừa và lớn thì phải giao cho các đơn vị có đơn vị đủ năng lực, cụ thể là các công ty khai thác công trình thủy lợi.
Vì vậy, ông Tỉnh đề nghị các địa phương phải cho rà soát, đối với những hồ chứa vừa và lớn mà đang giao cho cấp xã quản lý thì phải bàn giao ngay cho các công ty khai thác công trình thủy lợi quản lý. Đồng thời rà soát năng lực của các cơ sở nếu họ được giao các công trình hồ chứa nhỏ; thường xuyên đào tạo nâng cao năng lực cho các đơn vị khai thác quản lý đập, hồ chứa thủy lợi để đảm bảo đúng năng lực theo quy định...