Vào những ngày đầu tháng 7, một số ngân hàng quốc doanh quyết định giảm lãi suất huy động kéo theo với mức điều chỉnh đồng thời ở nhóm ngân hàng thương mại với mức giảm phổ biến 0,2 – 0,3%, một số ngân hàng cắt giảm giảm trên dưới 0,5%/năm mặc dù không có chỉ thị mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về lãi suất điều hành.
Lãi suất huy động giảm, dòng tiền đang chảy vào kênh đầu cơ?
Đơn cử như Vietcombank điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm cho khách hàng cá nhân từ 0,25-0,5 điểm %/năm ở nhiều kỳ hạn.
Lãi suất tiết kiệm tại Vietinbank đầu tháng 7 cũng giảm ở nhiều kỳ hạn. Các kỳ hạn dưới 6 tháng giảm 0,25-0,3 điểm %. Các kỳ hạn từ 6 tháng giảm 0,5%.
Agribank cũng hạ lãi suất tiền gửi ở nhiều kỳ hạn, với mức giảm cao nhất tới 0,5 điểm % so với trước đó.
Tại BIDV, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 và 2 tháng giảm 0,3 điểm%/năm, còn 3,7%/năm. Lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng giảm 0,5%/năm. Lãi suất cao nhất của ngân hàng này còn 6%/năm, giảm 0,5 điểm % so với tháng trước.
Không chỉ ở nhóm ngân hàng có vốn nhà nước, làn sóng giảm lãi suất cũng đồng loạt diễn ra tại các ngân hàng thương mại cổ phần.
NCB giảm từ 7,45%/năm xuống còn 7,25%/năm cho kỳ hạn 6 tháng, từ 7,8%/năm xuống 7,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.
Tại Ngân hàng ACB, mức lãi suất cao nhất giảm từ 7%/năm còn 6,9%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 15 tháng và 18 tháng.
Techcombank giảm lãi suất huy động cho các kỳ hạn dưới 6 tháng từ 3,4-3,95%/năm. Tại Sacombank, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng còn 4%/năm; kỳ hạn 6 tháng xuống 5,7%/năm.
Việc cả hệ thống điều chỉnh giảm lãi suất huy động một cách khá bất ngờ khi không có hiệu lệnh chung của NHNN được lý giải là do thanh khoản tiếp tục duy trì trạng thái dư thừa mạnh. Vốn đầu ra "tắc" tại các ngân hàng do tín dụng trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng thấp dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Cụ thể, tính đến 29/6 tín dụng chỉ tăng 3,26%, thấp hơn nhiều so với 3 năm trở lại đây. Trong khi đó, kể từ tháng 4 đến nay có một lượng lớn tín phiếu NHNN đáo hạn (đồng nghĩa với việc NHNN đã bơm ra hệ thống khoảng gần 150 nghìn tỷ đổng).
Trước xu hướng giảm lãi suất huy động hiện nay, các chuyên gia lo ngại sẽ có sự chuyển dich dòng tiền sang các lĩnh vực hấp dẫn hơn. Thực tế cũng cho thấy, lãi suất rẻ đang khiến một bộ phận tiền gửi tiết kiệm chảy vào các kênh đầu cơ như chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp.
Báo cáo mới nhất của CTCP Chứng khoán SSI chỉ ra rằng, lợi tức cao hơn đến 4%/năm, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang hút tiền của kênh gửi ngân hàng.
Theo đó, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp lưu hành ước khoảng 783 nghìn tỷ đồng, tương đương 12,8% GDP lũy kế 12 tháng gần nhất. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng bình quân 45%/năm giai đoạn từ 2017 đến 6 tháng đầu năm 2020.
Tổng quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện tại tương đương khoảng 8,6% tổng tiền gửi toàn hệ thống ngân hàng - xấp xỉ quy mô tiền gửi của Vietinbank – ngân hàng có thị phần tiền gửi thứ 4 tại Việt Nam (sau BID, Agribank và Vietcombank), tương đương 9,3% dư nợ tín dụng và 19,5% tổng vốn hóa 3 sàn chứng khoán Việt Nam.
Trong khi đó, theo báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại (NHTM), số trái phiếu doanh nghiệp mà các ngân hàng đang nắm giữ tại 31/3/2020 là khoảng 398 nghìn tỷ đồng. Nếu loại trừ số này, lượng trái phiếu doanh nghiệp do các tổ chức phi tín dụng, cá nhân nắm giữ là khoảng 385 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,2% tổng tiền gửi toàn hệ thống và gần bằng quy mô tiền gửi của Sacombank, ngân hàng có thị phần huy động xếp ngay sau Vietinbank.
"Lượng trái phiếu doanh nghiệp các tổ chức phi tín dụng và cá nhân nắm giữ đã tăng khoảng 153% trong năm 2019 và tăng khoảng 25% trong 6 tháng đầu năm 2020. Rõ ràng trái phiếu doanh nghiệp đang hút một lượng tiền đáng kể từ các kênh đầu tư khác trong đó trực tiếp nhất là kênh tiền gửi do có cùng tính chất là các khoản đầu tư có thu nhập cố định", SSI nhấn mạnh.
Riêng với kênh đầu tư chứng khoán, dòng tiền cũng đang có sự chuyển động thú vị. Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán, số lượng mở mới tài khoản chứng khoán cao kỷ lục trong tháng 6/2020, với 35.046 tài khoản, chủ yếu là tài khoản cá nhân. Dòng tiền nóng từ nhà đầu tư mới đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục mạnh sau cú sốc Covid-19.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam thừa nhận, có hiện tượng một số nhà đầu tư cá nhân bán bất động sản, rút tiền tiết kiệm ngân hàng để chuyển sang đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, đây lại là điều đáng lo, bởi xu hướng thị trường trong ngắn hạn vẫn còn rất bất ổn.
Khó có chuyện tiền tháo chạy khỏi ngân hàng
Dù lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại liên tục giảm, một bộ phận dòng tiền chảy sang chứng khoán, song giới chuyên gia cho rằng, khó có chuyện người dân ồ ạt rút tiền gửi ngân hàng để đầu tư các kênh khác. Trên thực tế, huy động vốn của hệ thống ngân hàng tính tới ngày 19/6 vẫn tăng 4,35%, trong khi tín dụng chỉ tăng hơn 2%.
Đối với kênh đầu tư chứng khoán, hầu hết các nhà đầu tư mới đều thua lỗ tại thị trường này và khuyến cáo nhà đầu tư nên thận trọng. Ngay cả bản thân chuyên gia này cũng đang duy trì tỷ trọng tiền mặt nhất định tại ngân hàng, thay vì mang đi đầu tư gần hết như trước.
Với thị trường bất động sản, dù khó khăn đã giảm, nhất là bất động sản công nghiệp, bất động sản logicstics, đất vùng ven, nhà ở phân khúc trung lưu với chủ đầu tư uy tín…, song nhìn chung, thị trường bất động sản đã qua giai đoạn tăng nóng.
Trái phiếu doanh nghiệp từng là kênh được nhà đầu tư rầm rộ đổ vốn vài năm trước thì nay cũng bộc lộ nhiều rủi ro. Theo đó, việc sở hữu trái phiếu đồng nghĩa với việc NĐT trở thành chủ nợ của tổ chức phát hành và sẽ đối mặt với các rủi ro về mất khả năng thanh toán/ thanh khoản của doanh nghiệp.
Hiện tại, chưa có 1 đơn vị trung gian độc lập định hạng các trái phiếu doanh nghiệp, việc tự đánh giá các trái phiếu vượt quá khả năng của các NĐT cá nhân. Bởi vậy, NĐT cần tìm hiểu kỹ về năng lực của tổ chức trung gian phân phối trong việc thực hiện cam kết mua lại trước hạn trái phiếu và mức phí phải chịu. Trong nhiều trường hợp, mức phí bán lại trái phiếu trước hạn có thể ăn mòn hết phần chênh lệch với lãi suất tiền gửi.
Liên quan đến những rủi ro từ trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính mới đây cũng khuyến cáo nhà đầu tư cần tiếp cận đầy đủ thông tin, phân tích và đánh giá kỹ các rủi ro có thể gặp khi đầu tư trái phiếu. Cơ quan quản lý lưu ý chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu và cân nhắc kỹ các rủi ro có thể gặp, nhà đầu tư (nhất là cá nhân) mới nên mua trái phiếu.
Bộ Tài chính lưu ý không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, vì có khả năng không thu hồi được khoản tiền đầu tư (bao gồm cả gốc và lãi) nếu doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn.
Trong bối cảnh này, nhiều chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư nên đa dạng hóa danh mục đầu tư, chú ý giữ tiền mặt với tỷ trọng lớn để sẵn sàng đón cơ hội kinh tế phục hồi, thay vì nôn nóng rót vốn vào các kênh đầu tư rủi ro.
Thị trường vàng cũng đang "nóng" trở lại khi giá vàng liên tục tăng, vượt 50 triệu đồng/lượng. Dù giá tăng nóng nhưng nhu cầu về kim loại quý trên thị trường vẫn "nguội", người dân không còn hào hứng với việc lướt sóng giá vàng. Thậm chí, người dân tranh thủ khi giá vàng cao bán vàng kiếm lời. Giới chuyên gia cho rằng, mặc dù giá vàng tăng, song đầu tư vàng là một kênh đầu tư rất nhiều rủi ro. Vì vậy, rút tiền tiết kiệm đầu tư vàng là không khôn ngoan.