Chặn đứng dịch bệnh nguy hiểm
Theo ông Nguyễn Văn Long – Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT), một trong những thành quả nổi bật nhất của ngành thú y trong suốt 70 năm hình thành và phát triển là đã cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; đã thanh toán và loại trừ hoàn toàn được bệnh dịch tả trâu bò vào năm 1978; đặc biệt đã kiểm soát và ngăn chặn được nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm, lây lan sang người như bệnh nhiệt thán, cúm gia cầm, dại, liên cầu khuẩn, lao bò…; kiểm soát tốt các bệnh đỏ ở lợn như dịch tả lợn cổ điển, bệnh tai xanh…
Cùng với đó, ngành thú ý đã tổ chức xây dựng thành công hơn 2.000 chuỗi, vùng chăn nuôi với hàng chục triệu gia súc, gia cầm an toàn dịch bệnh. Trong nuôi trồng thủy sản đã chủ động tổ chức giám sát và xây dựng các chuỗi, vùng nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh, tạo thuận lợi cho thủy sản phát triển mạnh (nhất là tôm và cá tra).
Để công tác kiểm dịch đạt hiệu quả, không gây phiền hà cho doanh nghiệp, Cục Thú y đã ứng dụng công nghệ thông tin có hiệu quả trong việc đăng ký và giải quyết thủ tục kiểm dịch trên hệ thống hải quan một cửa quốc gia; góp phần giảm thiểu các thủ tục hành chính, thúc đẩy xuất, nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật và được các bộ ngành đánh giá rất cao; tổ chức có hiệu quả công tác phòng chống buôn lậu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới, giúp kiểm soát, ngăn chặn được nhiều loại mầm bệnh nguy hiểm xâm nhiễm vào Việt Nam như bò điên, cúm H7N9, Ebola, Nepa…
Để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, công tác quản lý giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đã được đẩy mạnh, cả nước đã có trên 430 cơ sở giết mổ, chế biến tập trung, không để xảy ra tình trạng mất an toàn, ngộ độc thực phẩm có nguồn gốc độc vật trong những năm gần đây; các sản phẩm chăn nuôi không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước, mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước.
Bước tiến trong nghiên cứu vaccine
Với những thành tích và có đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của đất nước, ngành thú y đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước như: Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Kháng chiến; danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân...
Theo ông Nguyễn Văn Long, một trong những nỗ lực lớn của ngành thú y trong thời gian qua là phối hợp cùng các địa phương xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, được Tổ chức Thú y thế giới (OIE) đánh giá cao.
"Kết quả này đã giúp đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam sang các nước trên thế giới, với tổng giá trị gần 1 tỷ USD/năm. Hiện, chúng ta đã xuất khẩu thịt gà chế biến sang Nhật Bản; xuất khẩu sản phẩm sữa sang Trung Quốc; xuất khẩu thịt lợn đông lạnh các loại, thịt gà chế biến, thịt lợn chế biến, trứng gia cầm các loại và tổ yến sang Hongkong, Myanmar... Hiện nay ngành thú ý đang hướng dẫn, hỗ trợ nhiều địa phương, doanh nghiệp tổ chức xây dựng các chuỗi chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để xuất khẩu" - ông Long nói.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, việc phát triển nghiên cứu các loại vaccine phòng dịch bệnh động vật cũng là một thành công của ngành thú y trong những năm qua. "Ngành đã nghiên cứu, sản xuất được các loại vaccine phòng bệnh cúm gia cầm, nghiên cứu thành công giống gốc và lần đầu tiên sản xuất thành công vaccine phòng bệnh lở mồm long móng type O và type A. Ngoài ra, ngành thú y còn sản xuất được các loại vaccine phòng bệnh tai xanh ở lợn..." - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Trong bối cảnh dịch bệnh trên động vật ngày càng diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm như dịch tả lợn châu Phi, cúm lợn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị ngành thú y tiếp tục quyết liệt đổi mới, đoàn kết thống nhất, trách nhiệm, hiệu quả và chủ động hội nhập, đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.