Hiện nay, một số tỉnh phía Bắc đã có mưa, tuy nhiên, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2020 thời tiết tiếp tục có nhiều bất thường. Trong tháng 7 và tháng 8 tới có thể xảy ra từ 4 đến 5 đợt nắng nóng, có nơi nhiệt độ trên 400C, tình trạng khô hanh kéo dài, nên nguy cơ cháy rừng tại các tỉnh phía Bắc và miền Trung là rất cao.
Nguy cơ cháy rừng rất cao
Từ ngày 30/6 đến ngày 4/7, Bộ NNPTNT đã thành lập 2 đoàn công tác đến 9 tỉnh miền Trung kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Qua kiểm tra cho thấy, các tỉnh khu vực miền Trung đang trong thời kỳ cao điểm về cháy rừng, thời tiết khô hanh kéo dài, đã nhiều ngày liên tục không mưa, có ảnh hưởng của gió Lào, nguy cơ cháy rừng luôn ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm), đã có những vụ cháy rừng xảy ra ở một số nơi.
Chính vì thế, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn yêu cầu Tổng cục Lâm nghiệp, đặc biệt là lực lượng kiểm lâm chủ động, sáng tạo, linh hoạt để thích ứng với thách thức, diễn biến mới. Ngành đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này nhưng phải bám sát thực tiễn. Cục Kiểm lâm phải làm tốt hơn việc tổng hợp, thông tin, tham mưu và dự báo để không xảy ra có cháy rừng lớn.
Chưa bao giờ nắng nóng gay gắt như năm nay khiến nguy cơ cháy rừng ngày càng cao. Dự báo, trong mùa hè năm nay còn khoảng 5 - 6 đợt nắng nóng cực đoan, do vậy ngành lâm nghiệp, các địa phương phải nêu cao tinh thần cảnh giác, dự báo chính xác, tập trung nguồn lực phòng cháy chữa cháy rừng, thực hiện được mục tiêu Chính phủ giao không được để xảy ra cháy rừng với diện tích lớn.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn
Ông Trần Văn Triển, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng I cho biết, trên địa bàn 19 tỉnh phía Bắc do Chi cục quản lý có điều mừng là sau khi triển khai Luật Lâm nghiệp, phương án phóng cháy, chữa cháy của các chủ rừng, đặc biệt là các chủ rừng lớn, các Ban quản lý rừng, các khu bảo tồn thiên nhiên triển khai xây dựng các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định của Luật.
Cùng với đó, phần lớn các dự án phát triển rừng phần lớn được phê duyệt, thiết kế kỹ thuật trồng rừng đều có kinh phí đầu tư cho các công trình phòng cháy, đảm bảo cách ly các nguồn lửa. Do vậy, trong 6 tháng đầu năm 2020, diện tích rừng bị cháy vào khoảng 100ha, giảm gần 60% so với cùng cùng kỳ.
Với địa bàn phân công hoạt động là 19 tỉnh phía bắc, địa hình bị chia cắt bởi núi non hiểm trở nên ông Triển cho rằng: "Đã cháy là không thể chữa nổi. Ở các vùng kia còn có đường giao thông, các công trình xây dựng có thể ngăn lửa, rừng ở khu vực phía Bắc toàn đồi núi, đã cháy là cháy rất nguy hiểm. Do đó, công tác phòng là công tác đặc biệt quan trọng, nhất là trong vấn đề xây dựng các đường băng cản lửa, thực hiện 4 tại chỗ trong công tác chữa cháy, phòng cháy".
Vì thế, Chi cục Kiểm lâm vùng I đã tăng cường 1 tổ thường trực nằm khoảng 2 tháng ở khu vực Tây Bắc để đôn đốc công tác phòng cháy và cùng với các địa phương kiểm tra gắt gao với chủ rừng, nhất là các khu vực có nguy cơ cháy rất cao, đặc biệt là khu vực huyện Sốp Cộp, Thuận Châu (Sơn La). Những năm trước, cháy cũng tập trung ở vùng này do tập quán canh tác, đốt rẫy của người dân.
Nằm trong khu vực được cảnh báo nguy cơ cháy rừng "rất cao", ông Lê Duy Hượng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng II cho biết, ngay từ đầu năm công tác phòng cháy được Cục Kiểm chỉ đạo, đơn vị đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cho các tỉnh trong khu vực.
Sau đó, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra các địa phương thực hiện các văn bản, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT, Tổng cục Lâm nghiệp đôn đốc, tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
"Trong đợt nắng nóng, phía Chi cục có các dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy từ cấp 3 trở lên, gửi cho tất cả các hạt, các chi cục có điểm báo, đồng thời chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, thường trực, ứng trực các trọng điểm.
Về sẵn sang 4 tại chỗ, Chi cục kiểm lâm vùng II tăng cường thiết bị, máy móc cho các Chi cục trọng điểm như: Quảng Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh… để chủ động trong phòng cháy, chữa cháy rừng Ngoài ra, Chi cục thành lập 2 tổ công tác (mỗi tổ 4-5 người), cùng phương tiện, máy móc thiết bị xuống các trọng điểm để hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, chỉ đạo kỹ thuật" – ông Hượng chia sẻ.
Để đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy rừng đạt hiệu quả cao, Bộ NNPTNT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép Bộ và các địa phương xây dựng dự án "tăng cường năng lực phòng cháy chữa cháy rừng giai đoạn 2021-2025".
Xác định điểm nguy cơ cháy rừng cao để đề phòng
Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho biết, công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm. Đối với bảo vệ rừng, Tổng cục Lâm nghiệp đã chỉ đạo các địa phương phát hiện những điểm nóng, tổ chức tuần tra, truy quét, thậm chí có một số nơi còn ứng dung công nghệ để bảo vệ rừng, thông qua camara 3600 và một số ứng dụng khác để phát hiện từ xa.
Về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ cung cấp thông tin hàng ngày về thời tiết. "Thậm chí, chúng tôi chúng tôi đã làm việc với Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia để cung cấp 7 ngày, đồng thời đưa ra các bản tin cảnh báo và kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện ở các địa phương" – ông Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh. Trong những ngày nắng nóng, các địa phương, chủ rừng phải thường xuyên rà soát lại phương án phòng cháy, chữa cháy rừng để chuẩn bị lực lượng, các cơ sở vật chất khác và phương tiện để chữa cháy rừng nếu có xảy ra. Đối với các chủ rừng, phải canh gác ở những nơi có nguy cơ cháy cao, chuẩn bị lực lượng, trang thiết bị chữa cháy rừng, kể cả công tác hậu cần, phối hợp với các đơn vị khi có cháy rừng xảy ra.
Các địa phương cũng phải xác định điểm nào là điểm có nguy cơ cháy cao. Khi đã xác định được những điểm có nguy cơ cháy cao thì đưa ra giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng khi cần thiết. Đặc biệt, với các địa phương phải làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân biết tác hại của lửa rừng, các nguy cơ có thể xảy ra, rồi các biện pháp phòng cháy.
"Tôi lấy ví dụ vụ cháy rừng ở Hà Tĩnh vừa qua là do thắp hương ở nghĩa trang, gần với rừng - nơi có vật liệu cháy rừng nhiều. Chính vì vậy, nó đã cháy cách đó khoảng 50m mà vẫn kéo một đường lan từ khu mộ thắp hương lên tới rừng. Do vậy, trách nhiệm của người sử dụng lửa rừng ở cạnh rừng là một trong những điều rất quan tâm, lưu tâm trong việc phòng cháy, chữa cháy rừng" – ông Trị lưu ý.
Theo Bộ NNPTNT, trong 6 tháng đầu năm 2020, cả nước đã xảy ra 109 vụ cháy rừng với diện tích bị thiệt hại trên 260 ha, giảm 35% về số vụ và giảm 75% diện tích bị thiệt hại so với cùng kỳ năm 2019. Vừa qua, do nắng nóng kéo dài nên một số vụ cháy rừng đã xảy ra ở một số tỉnh miền Trung, tuy nhiên thiệt hại không lớn do đã được phát hiện và vào cuộc kịp thời.