Dân Việt

Về đích sớm mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, Việt Nam trở thành hình mẫu về xóa đói giảm nghèo

Thu Hà 17/07/2020 14:03 GMT+7
Tín dụng chính sách xã hội là một trụ cột quan trọng của chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Nhờ trụ cột này, giai đoạn 2014-2019, số hộ nghèo cả nước giảm nhanh, trong đó có 1,7 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều.

Nhờ trụ cột này, giai đoạn 2014-2019, số hộ nghèo giảm nhanh, trong đó tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011-2015 giảm từ 14,2% xuống 4,25%, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm từ 9,88% (2015) xuống 5,23% (2018), 1,7 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo.

Đánh giá và những con số ấn tượng này được nêu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 (Chỉ thị 40) của Ban Bí thư khoá XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tổ chức ngày 15/7.

Xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay

Tín dụng chính sách - trụ cột quan trọng để giảm nghèo - Ảnh 1.

Đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao bằng khen cho các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn. Ảnh: Thu Hà

"Phải giáo dục với ý nghĩa chính trị cao nhất để người cán bộ tín dụng chính sách phải khác biệt, không giống như các ngân hàng khác, đó chính là gần dân, sát dân, tiếp xúc với dân; đó phải là hình ảnh của Đảng và Nhà nước…".

Ông Trần Quốc Vượng - Thường trực

Ban Bí thư

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư nhấn mạnh, quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng ta là phát triển kinh tế phải đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. 

Nhờ những chủ trương và chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước đối với các đối tượng chính sách trong quá trình phát triển kinh tế, công tác xóa đói giảm nghèo ở nước ta trong thời gian qua đạt được những kết quả nổi bật. 

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm xuống chỉ còn dưới 3% vào năm 2020. Việt Nam đã sớm hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, trở thành hình mẫu cho các quốc gia đang phát triển về xóa đói giảm nghèo.

Trưởng Ban Kinh tế T.Ư khẳng định, Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và thông qua đó, tiếp tục khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách.

Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình cho rằng, kết quả sơ kết tình hình thực hiện Chỉ thị số 40 ở các địa phương cho thấy, địa phương nào có các cấp ủy Đảng, chính quyền nhận thức đúng đắn, đầy đủ về nội hàm tính "sáng tạo" và "nhân văn" và thực sự quan tâm trong triển khai các nhiệm vụ đã nêu tại chỉ thị, thì tại địa phương đó đạt kết quả rất tích cực; đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay trong triển khai thực hiện chỉ thị quan trọng này của Đảng.

Phát biểu tham luận tại hội nghị, ông Dương Quyết Thắng - Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội khẳng định: Chỉ thị số 40 đã thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội đối với tín dụng chính sách xã hội.

Tín dụng chính sách - trụ cột quan trọng để giảm nghèo - Ảnh 3.

Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước xem trưng bày giới thiệu các kết quả thực hiện tín dụng chính sách 5 năm qua. Ảnh: T.H

Đến 30/6/2020, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 219.565 tỷ đồng, với trên 6,5 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Doanh số cho vay từ khi triển khai Chỉ thị số 40 đến nay đạt 336.944 tỷ đồng cho trên 12 triệu lượt hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác được vay vốn.

Nâng cao chất lượng sử dụng vốn tín dụng

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, sau hơn 5 năm thực hiện Chỉ thị 40 đã thu về nhiều kết quả tích cực với cách làm mới, sáng tạo. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã được triển khai khá sâu rộng đến các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. 

Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách, nguồn vốn ngân sách của địa phương ủy thác để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã tăng trưởng cao hơn nhiều so với trước khi có Chỉ thị 40.

Tín dụng chính sách xã hội đã trở thành một trong những trụ cột quan trọng của chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Đây cũng là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn cho người nghèo. Nhờ đó, giai đoạn 2014-2019, số hộ nghèo đã giảm nhanh, góp phần ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tín dụng đen, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Theo Thường trực Ban Bí thư, qua 5 năm thực hiện, có thể khẳng định Chỉ thị 40 đã đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân và ngày càng đi vào cuộc sống. Đó là một trong những đòn bẩy kinh tế góp phần phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị để thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố thêm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Thường trực Ban Bí thư yêu cầu cần tiếp tục quán triệt sâu sắc thực hiện ngày càng tốt hơn chủ trương của Chỉ thị 40, tiến hành các giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc phù hợp thực tiễn của Việt Nam về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

"Xác định lãnh đạo chỉ đạo thực hiện tín dụng chính sách là 1 trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch hàng năm, hàng tháng của mình và cần coi đây là giải pháp thiết thực, hiệu quả góp phần đổi mới nội dung hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp. Sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể rất quan trọng, đổi mới và tăng cường hiệu quả hoạt động đi sâu đi sát hội viên, nâng cao hơn nữa chất lượng sử dụng vốn, hoạt động cho vay vốn, giúp sử dụng vốn hiệu quả nhất đồng thời tập hợp lực lượng đẩy mạnh tuyên truyền về tín dụng chính sách với các tầng lớp nhân dân" - ông Trần Quốc Vượng nêu rõ. 

Chuyên mục có sự phối hợp của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo

Giúp giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo

Trong 5 năm qua, TP.Hà Nội luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm của thành phố. Tính đến ngày 30/6/2020, nguồn vốn ngân sách địa phươngng ủy thác sang Ngân hàng CSXH TP.Hà Nội đạt 4.047 tỷ đồng, riêng trong 5 năm qua, bổ sung 2.950 tỷ đồng, tăng gấp 3,7 lần so với trước khi thực hiện chỉ thị.

Vốn tín dụng chính sách ưu đãi đã được triển khai thực hiện đến 30/30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn với trên 604.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng CSXH Hà Nội. Những kết quả trên đã đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của thành phố.

Tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội giảm từ 3,64% (đầu 2016) xuống còn 0,42% (cuối 2019), phấn đấu đến cuối năm 2020 cơ bản không còn hộ nghèo. Tỷ lệ cấp nước sạch nông thôn đạt 75%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 92,2% (356/386 xã)...

Bà Ngô Thị Thanh Hằng – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội

Động lực cho đồng bào vượt khó

Xã Ea Đrông có 21 thôn buôn, trong đó 14 thôn buôn của đồng bào dân tộc Ê Đê, đời sống người dân còn rất khó khăn. Thời điểm 2001-2005, việc tiếp cận vốn Ngân hàng Chính sách xã hội còn khó khăn, chủ yếu dựa vào kênh Hội Phụ nữ, mỗi hộ chỉ được vay 2 triệu đồng. Sau khi có Chỉ thị 40, mỗi hộ được vay từ 30-100 triệu đồng, vừa thuận lợi và lãi suất thấp.

Đến nay tổng dư nợ toàn xã là 77,7 tỷ đồng với 1.779 người dân được vay vốn. Có vốn, nhiều gia đình đã lập trang trại nuôi dê, bò, lợn, gà, cá… đạt hiệu quả kinh tế cao. Nhờ có Chỉ thị 40 mà người dân yên tâm lao động sản xuất, gắn bó với buôn làng, đời sống dần được nâng cao, trật tự xã hội được đảm bảo tốt hơn...

Ông Trần Hậu Hương – Bí thư Đảng ủy xã Ea Đrông, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đăk Lăk

Đề nghị kéo dài thời gian thụ hưởng chính sách

Hàng năm mặc dù ngân sách địa phương gặp nhiều khó khăn nhưng Đảng và chính quyền địa phương vẫn quan tâm ưu tiên chuyển vốn ngân sách địa phương cho Ngân hàng Chính sách xã hội huyện từ 200 đến 400 triệu đồng/năm để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Hiện dư nợ tín dụng chính sách toàn huyện là 336 tỷ đồng, số khách hàng có dư nợ là trên 10.000 hộ, chất lượng tín dụng tốt và ổn định. Với nguồn vốn lớn và mạng lưới phục vụ sâu rộng, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tích cực trong việc giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Nhân Hội nghị này, tôi đề nghị Chính phủ xem xét cho phép tiếp tục thực hiện chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo khi hết thời gian quy định (ngày 31/12/2020), đồng thời kéo dài thời gian được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo kể từ khi thoát nghèo tối đa 5 năm...

Ông Nguyễn Hữu Vũ – Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam

Đức Thịnh (ghi)