Ông Trần Văn Hường (chủ con thuyền 25CV) cho biết: "Mùa sứa biển-mùa lộc biển bắt đầu từ tháng giêng, kéo dài đến tháng 6 âm lịch. Bình thường thì hai anh em chúng tôi dậy từ lúc 3 giờ sáng chuẩn bị thuyền lưới đến 4 giờ là bắt đầu ra khơi cách bờ khoảng 1 hải lý. Thế nhưng thời điểm này nắng nóng gay gắt, nóng hầm hập nên chúng tôi phải dậy sớm hơn, ra khơi sớm hơn và trở về từ 4h sáng".
Ông Hường chia sẻ thêm: "Ngoài cá, ghẹ, chúng tôi đánh bắt thêm những nụ sứa, mỗi mẻ lưới quăng xuống biển hơn 1 tiếng kéo lên được khoảng chục nụ. Hôm được nhiều có thể đánh được cả trăm nụ sứa, ít cũng được dăm bảy trăm nghìn . Chuyến này anh em chúng tôi được hơn 20 nụ, thu về hơn triệu đồng".
"Những năm trước còn ít người ăn sứa nên giá bán rất thấp, thậm chí sứa tự dạt vào bờ người dân ai ăn thì ra cắt lấy chân sứa về làm nộm chứ không nghĩ tới việc bán cho các nhà máy, doanh nghiệp. Thế nhưng những năm gần đây, món nộm sứa lại là món đặc sản được các nhà hàng, khách sạn thu mua nhiều...", bà Trần Thị Hoa, một ngư dân ở xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) cho biết.
Theo bà Trần Thị Hoa, các doanh nghiệp sản xuất sứa đóng gói xuất khẩu, nên giá sứa cũng tăng cao. Có những thời điểm chúng tôi bán 70.000 đồng/kg. Chính vụ thì 40.000 đồng đến 50.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, tại huyện Nghi Xuân, sau dịch Covid-19 các đầu nậu thu mua sứa cũng đã hoạt động trở lại nên tàu thuyền đánh bắt nhiều hơn. Trung bình mỗi ngày, ngoài các hải sản khác ngư dân Trần Văn Thanh xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) thu nhập khoảng 1 triệu đồng từ sứa biển.
Anh Thanh chia sẻ: "Năm nay sứa được nhiều hơn và được giá hơn những năm trước. Các chủ thua mua sứa vừa hoạt động trở lại nên thời chúng tôi sẽ tập trung đánh bắt sứa đến hết vụ mùa".
Ngoài các chủ thuyền đánh bắt, nghề thu mua và chế biến sứa biển cũng trở thành nghề ăn theo "hái ra tiền" cho rất nhiều người dân vùng này.
Ông Trần Văn Thái, chủ cơ sở thu mua sứa biển Long Thái (Nghi Xuân) cho biết: "Mỗi ngày cơ sở tôi thu mua gần 10 tấn sứa về chế biến bán cho các nhà hàng hoặc thương lái Trung Quốc...".
Theo ông Thái, vì trọng lượng của sứa chủ yếu là nước, sau khi chế biến xong tỷ lệ chỉ còn 1/10 nên giá thành phẩm cao hơn gấp nhiều lần sứa nguyên con. Trừ chi phí, mỗi mùa sứa gia đình tôi thu về gần 200 triệu đồng.
Bà Lê Thị Phương (Lộc Hà), là một thương lái buôn lẻ, mỗi ngày bà Phương cùng một số người dân lập thành một tổ rồi chia nhau công việc, người đi thu mua, người chế biến và người đi bán. Số tiền thu được sẽ chia đều cho tất cả mọi người trong tổ.
"Tổ chúng tôi có 4 người cùng chung nhau làm. Năm nay thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài nên sứa được mùa và cũng dễ tiêu thụ hơn. Bình quân mỗi ngày tôi kiếm được 1 triệu đồng, những ngày trúng được nhiều thì có thể lên đến 2 triệu đồng", bà Phương phấn khởi.
Đến nay thị trường nước ngoài lớn nhất đối với con sứa đánh bắt ở biển Hà Tĩnh vẫn là Trung Quốc, thị trường nội địa chỉ tiêu thụ khoảng 20%. Theo ông Nguyễn Công Trình, Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc, mỗi năm sản lượng sứa được người dân đánh bắt lên đến hàng trăm tấn, chủ yếu là các tàu thuyền nhỏ, đánh bắt gần bờ. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sứa vẫn còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.