Nhằm tăng thu nhập cho người trồng rau, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất rau an toàn tại Hà Nam, Trung tâm Khuyến nông Hà Nam đã phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện dự án "Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn GlobalGAP và theo hướng VietGAP tại Hà Nam".
Tập huấn, đào tạo nông dân trồng rau đạt chuẩn
Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nam, dự án trên đã đưa vào sản xuất 3 loại rau với tổng diện tích 30ha, trong đó: Mô hình trồng cà chua áp dụng quy trình sản xuất theo hướng VietGAP được trồng ở vụ xuân (10ha); rau cải ăn lá (cải canh và cải ngồng) áp dụng quy trình VietGAP, trồng trong vụ hè thu (10ha); cây rau bắp cải sản xuất theo hướng GlobalGAP xuất khẩu sang Nhật Bản, trồng vào vụ đông và vụ đông xuân (10ha).
Đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Hà Nam đánh giá, tại các mô hình, việc sử dụng phân hữu cơ bằng chế phẩm trichoderma đã hỗ trợ tích cực trong quá trình ủ phân hữu cơ, giúp phân hữu cơ hoai mục nhanh, góp phần cải tạo đất chăm bón cho cây trồng được hiệu quả hơn. Hệ thống tưới nước được áp dụng cho hiệu quả cao, giúp tiết kiệm nước, tiết kiệm công lao động tưới...
Để mô hình của dự án triển khai thành công, Trung tâm Khuyến nông Hà Nam đã tổ chức tập huấn, đào tạo gắn với các mô hình cho 150 cán bộ kỹ thuật viên, khuyến nông viên cơ sở và nông dân tham gia dự án; tổ chức hội thảo khoa học, hội nghị đầu bờ, hội nghị kết nối giữa người mua và người sản xuất.
Từ mục tiêu trên, mô hình đã áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật thuật, mỗi điểm triển khai dự án đều thực hiện việc chuyển giao và tiếp nhận được các quy trình công nghệ áp dụng trong vùng dự án như: Áp dụng toàn bộ diện tích trong vùng dự án để xử lý đất bằng nhiệt mặt trời; ủ 200 tấn phân bón hữu cơ bằng chế phẩm trichoderma (40 tấn phân hữu cơ/điểm triển khai) và cho ra khoảng 120 tấn phân hữu cơ hoai mục; lắp đặt vận hành hệ thống tưới mỗi vùng dự án 3.000m2…
Mỗi điểm 1ha sử dụng vòm che nylon và 4.000m2 sử dụng vải không dệt; xây dựng mối liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ rau an toàn theo hướng VietGAP.
Qua khảo sát và đánh giá nhu cầu điều kiện thực tế các vùng sản xuất rau, dự án đã lựa chọn được 5 điểm ở các huyện Bình Lục, Lý Nhân, Kim Bảng triển khai từ tháng 9/2019 - tháng 12/2020; đã tổ chức 22 lớp tập huấn kỹ thuật tại các điểm triển khai.
Tạo đà thúc đẩy sản xuất hàng hóa
Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nam, thành công nhất phải kể tới mô hình sản xuất bắp cải theo tiêu chuẩn GlobalGAP triển khai từ tháng 10/2019 - tháng 2/2020 ở hai điểm HTX Dịch vụ Đức Huy (Lý Nhân) và HTX Nông sản an toàn Liên Hiệp (Thi Sơn, Kim Bảng) với diện tích 5ha, sử dụng giống bắp cải No70.
Theo đó mô hình đã tiến hành lựa chọn đơn vị cấp giấy chứng nhận và giám định GlobalGAP cho cây bắp cải. Tư vấn đánh giá hiện trạng sản xuất, đánh giá các mối nguy hại để khắc phục, ngăn chặn. Tích cực kiểm tra đánh giá về lịch sử và quản lý nông trại, công tác vệ sinh, quản lý, tái chế và tái sử dụng chất thải, chất gây ô nhiễm… và lấy mẫu sản phẩm phân tích chất lượng.
Nhờ vậy, 2 điểm của mô hình đều đạt yêu cầu và đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận GlobalGAP trên cây bắp cải với thời hạn hiệu lực từ ngày 9/12/2019 đến hết ngày 8/12/2020.
Trong suốt quá trình sản xuất, mô hình đã áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, trồng giống bắp cải No70 là giống có hàm lượng cao, ăn giòn, độ cuốn bắp chặt, khả năng sinh trưởng và chống chịu tốt, phù hợp với thị hiếu sử dụng của người Nhật và đã được doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Mô hình này sản xuất với sự giám sát của tổ chức đánh giá, chứng nhận GlobalGAP và được đánh giá cao về tình hình sinh trưởng, phát triển của bắp cải với bộ lá dầy, khỏe, bộ rễ phát triển mạnh, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất đạt trung bình 43 tấn/ha.
Qua quá trình triển khai sản xuất bắp cải theo tiêu chuẩn GlobalGAP gắn với xuất khẩu, nông dân tại các điểm sản xuất rất phấn khởi và yên tâm đầu tư sản xuất, được tiếp cận với cách thức tổ chức sản xuất khoa học, có kế hoạch và tuân thủ nghiêm ngặt, tự giác áp dụng quy trình kỹ thuật để tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, từng bước tiếp cận với sản xuất nông nghiệp theo cơ chế thị trường.
Đây là hạt nhân thúc đẩy việc tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao trong những năm tiếp theo.
Đối với mô hình sản xuất cà chua theo hướng VietGAP được triển khai tại 5 điểm ở 3 huyện Bình Lục, Lý Nhân, Kim Bảng từ tháng 2 đến tháng 6/2020. Dự án đã chọn sử dụng giống cà chua chịu nhiệt HT109 có khả năng chịu nhiệt tốt, chống chịu sâu bệnh khá và cho năng suất cao.
Mặc dù thời gian qua, nắng nóng kéo dài, cà chua trong mô hình vẫn chống chịu thích nghi với nhiệt độ cao và cho năng suất thu hoạch cao, cung cấp cho thị trường. Tại các điểm kiểm tra, cà chua thời điểm rộ mùa thu hoạch, năng suất ước đạt 30 tấn/ha.