Lão nông tiếc của đời
Năm 2013, nhiều vùng trồng bí đao ở xã Đại Đồng rơi vào cảnh rớt giá thê thảm, thương lái không thu mua, thậm chí nông dân bỏ khô giàn bí và không thèm thu hái.
Nhìn thấy điệp khúc "được mùa mất giá" của nhà nông, ông Nguyễn Văn Xướng (58 tuổi, trú thôn Hà Thanh, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) đã có ý tưởng chế biến bí đao xanh thành trà bí đao để phát triển kinh tế.
Hai năm đầu khởi nghiệp, ông Xướng đi xin những trái bí đao bị “bỏ mặc” ngoài ruộng để về thử nghiệm sấy khô làm trà. Đồng thời tích cực học hỏi kỹ thuật chế biến an toàn, đảm bảo chất lượng. Tuy liên tục thất bại và gặp nhiều khó khăn nhưng sau một thời gian, sản phẩm trà bí đao cũng dần được hoàn thiện.
Ông Xướng hào hứng nói: “Nhà tôi cũng trồng bí đao nên nhìn nhiều ruộng bí đến mùa thu hoạch bị rớt giá, không ai thèm hái để hư thối, tôi tiếc lắm. Cùng lúc đó, tôi biết đến công dụng giảm cân của trà bí đao nên làm vài mẻ bí khô để con gái uống thử nghiệm và giảm được hơn 10kg. Bước đầu thành công này đã thôi thúc tôi đầu tư sản xuất trà bí đao với số lượng lớn”.
Ban đầu, vợ chồng ông Xướng hái bí đao tại vườn nhà để phơi sấy khô theo cách thủ công: cắt bí lát mỏng, phơi nắng, rang lại cho khô hoàn toàn và đóng gói. Nhưng vì thiếu kiến thức và kinh nghiệm chế biến nên họ nhiều lần gặp thất bại. Từ nguyên liệu bí đao tươi không đạt chuẩn, đến độ khô không đảm bảo, phương thức bảo quản chưa phù hợp khiến nhiều mẻ bí đã phải bỏ đi.
Sau khi đặt mua máy sấy bí khô và sấy chín từ Hà Nội mang về, sản phẩm trà bí đao của gia đình trông đẹp mắt hơn, bảo quản được lâu và giảm bớt sức lao động. Nhưng khi trà bí đao đã cơ bản hoàn thiện về chất lượng, thì thị trường tiêu thụ lại manh mún, bấp bênh.
“Cả tấn trà bí đao chất đống đem đi đốt vì không bán được hoặc quá hạn sử dụng. Khi ấy, dù ôm lỗ gần 200 triệu đồng nhưng vợ chồng tôi vẫn duy trì sản xuất, đẩy mạnh tìm kiếm thị trường tiêu thụ bền vững và nâng cao chất lượng, thương hiệu cho sản phẩm trà bí đao”, bà Trần Thị Phương (vợ ông Xướng) cho hay.
Lãi hơn 100 triệu/năm
Theo ông Xướng, chế biến trà bí đao quan trọng nhất là công đoạn sấy bí. Nếu nhiệt độ và thời gian sấy không đúng thì sản phẩm không đạt chất lượng và không đảm bảo chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, giống bí đao dùng để chế biến cũng quan trọng không kém. Chỉ giống bí truyền thống tại địa phương mới cho ra hương trà thơm dịu, vị ngọt tự nhiên, tinh khiết.
Mỗi năm, người dân xã Đại Đồng trồng hai vụ bí đao, mỗi vụ ba tháng. Để có đủ nguồn nguyên liệu chế biến và dự trữ sản xuất quanh năm, vợ chồng ông Xướng đã thu gom bí đao của nhiều hộ dân trong thôn và những vùng lân cận với giá cố định là 4.000 đồng/kg. Trung bình mỗi năm, cơ sở sản xuất trà bí đao Phương Vân chế biến 60 tấn bí tươi, cho ra 2,4 tấn trà bí đao.
Bí đao xanh là loại quả tốt cho sức khỏe nên khi chế biến thành trà sẽ có nhiều công dụng: thanh nhiệt, giảm mỡ, giải độc gan, làm đẹp da… Năm 2016, ông Xướng mạnh dạn đầu tư bao bì, nhãn mác, mã vạch cho sản phẩm trà bí đao và đăng ký cơ sở sản xuất trà bí đao Phương Vân.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động quảng bá và bán hàng qua các hội chợ xúc tiến thương mại hoặc các kênh bán hàng online. Sau 7 năm, sản phẩm trà bí đao Phương Vân đã có sức cạnh tranh mạnh và có chỗ đứng trên thị trường tiêu thụ.
“Vì là trà bí đao 100% tự nhiên nên thị trường ngày càng ưa chuộng, bán giá 700.000 đồng/kg. Rất nhiều khách hàng đến tận nhà để quan sát quy trình chế biến trà bí đao sấy khô, đặt mua với đơn hàng lớn. Hiện trà bí đao Phương Vân đã vào được siêu thị với thị trường tiêu thụ chính là Đà Nẵng, Hà Nội. Nhờ đó mà tôi thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm, kinh tế gia đình khá giả hơn và hướng đến mở rộng quy mô nhà xưởng, sân phơi, đầu tư thêm máy móc hiện đại đổi mới sản phẩm”. Ông Xướng chia sẻ.
Sản phẩm trà bí đao Phương Vân của hộ ông Nguyễn Văn Xướng đã được chọn tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Quảng Nam năm 2020.