Theo thông tin từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã: HSG), mới đây đã Quy y Tam Bảo.
Cụ thể, ngày 9/7 vừa qua, tại Tổ đình Viên Minh, ông Vũ đã tới đảnh lễ Đức Đệ Tam Pháp Chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Phổ Tuệ và thực hiện nghi lễ Quy y Tam bảo. Buổi lễ này có sự chứng minh truyền thọ của Đức Hòa thượng Đệ Tam Pháp Chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam và cùng sự có mặt của đông đảo Chư tôn đức Tăng.
Ông Lê Phước Vũ khởi nghiệp từ một cơ sở bán lẻ tôn nhỏ vào năm 1994. Sau 7 năm tích lũy vốn và kinh nghiệm, đến năm 2001, ông Lê Phước Vũ sáng lập Công ty Cổ phần Hoa Sen (tiền thân của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen hiện nay) với số vốn điều lệ ban đầu là 30 tỷ đồng.
Sau 19 năm, hiện Tập đoàn Hoa Sen có vốn điều lệ là hơn 4.234 tỷ đồng nhưng thời gian gần đây ông Vũ điều hành hoạt động của công ty thông qua điện thoại và 1 tháng chỉ ghé Hoa Sen 2 lần, mỗi lần 2 tiếng.
Lý do khiến ông Lê Phước Vũ ít có mặt tại Hoa Sen chính là vì hiên tại Hoa Sen đã có một ban lãnh đạo đã có sự va chạm, sự mài dũa và đạt độ chín nhất định. Chính vì vậy, ông Vũ đã tìm cho mình một cuộc sống tao nhã hơn đó là "ẩn mình" trên núi.
Tại ĐHĐCĐ diễn ra vào đầu năm nay, ông Lê Phước Vũ cho hay: Nếu đang làm Cà Ná thì phải đứng công trường từ sáng đến tối ròng rã 1 tháng 30 ngày. Vì không làm Cà Ná nên giờ tôi ở trên núi, 3 giờ sáng dậy tập công phu đến 5-6 giờ, cuộc sống an lành và vui lắm, tâm an thì trí sáng, quý vị nào thích lên tắm suối, suối của tôi tuyệt vời".
Chủ tịch Hoa Sen cũng cho biết thêm, mặc dù ở xa nhưng bản thân vẫn nắm hết công việc, bởi không thể Chủ tịch hai mươi mấy năm nay đi đòi nợ, đi bán hàng, đi kiểm kê kho, đi xuống công trường,.. đến lúc cũng phải được nghỉ ngơi.
Điều đáng nói, tại thời điểm lên núi "ở ẩn", hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Hoa Sen lại khá ảm đạm. Từ vị thế "vua tôn", Hoa Sen rơi vào thế "chúa chổm", nợ nần.
Đơn cử như tại niên độ tài chính 2017-2018, tập đoàn Hoa Sen của đại gia Lê Phước Vũ sụt giảm gần 70% lợi nhuận, thậm chí lỗ 100 tỷ trong quý IV/2018. Cũng phải nói thêm rằng, lợi nhuận kinh doanh "bết bát" của Hoa Sen 1 phần nguyên nhân còn đến từ con số nợ vay "khổng lồ" của tập đoàn này. Tại thời điểm 30/9/2018, tổng vay nợ của Hoa Sen là hơn 14.300 tỷ đồng, tăng gần 2.500 tỷ đồng (21%) so với niên độ tài chính trước.
Niên độ tài chính 2018-2019 cũng không khá hơn khi HSG đạt 28.034 tỷ đồng doanh thu, giảm 19% và 361 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, giảm 12% so với niên độ tài chính 2017 - 2018.
Thế nhưng, mới đây, Tập đoàn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ đã công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý III niên độ tài chính 2019-2020 (1/4-30/6) với không ít bất ngờ.
Cụ thể, theo văn bản vừa gửi tới Sở Giao dịch Chứng khoán .HCM (HOSE), doanh thu thuần của Tập đoàn Hoa Sen trong quý đạt 6.825 tỷ đồng, và nhuận sau thuế 307 tỷ đồn, tăng trưởng tới 91% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm niên độ tài chính 2019-2020(1/10-30/6), Tập đoàn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ ước đạt 19.189 tỷ đồng doanh thu, giảm so với mức 21.685 tỷ. Ngược lại, lợi nhuận ước tính gần gấp 2,5 lần so với cùng kỳ. Với kết quả đó, HSG thực hiện được 69% chỉ tiêu doanh thu và vượt 72% kế hoạch lợi nhuận trong cả niên độ chỉ sau 3 quý.
Hòa cùng với những kết quả kinh doanh tích cực được công bố thời gian gần đây là diễn biến ấn tượng của cổ phiếu HSG. Cổ phiếu này đã tăng giá gần 140% kể từ đầu tháng 4 trở lại đây.
Mới đây, HSG cũng lên kế hoạch tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường nhằm thông qua chủ trương phát hành cổ phần cho đối tác chiến lược. Theo chia sẻ của đại diện Công ty, giá phát hành dự kiến sẽ căn cứ vào giá thị trường và giá trị sổ sách thời điểm chào bán chứ không chào bán với thị giá khoảng 12,000 đồng/cp của hiện tại.
Tại Hoa Sen, ông Vũ nắm giữ gần 12% cổ phần HSG tính đến cuối năm 2019. Đáng chú ý, sau tuyên bố "lên núi ở ẩn", đại gia Lê Phước Vũ vẫn chi "đậm" mua sắm cổ phiếu trong tháng 6 vừa qua. Đến nay, trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, ông Lê Phước Vũ đang đứng ở vị trí số 77, với khối tài sản hơn 855 tỷ đồng.