Chơi với thú rừng
Chồn hương là loài động vật hoang dã, ăn thịt và ăn tạp cỡ nhỏ có giá trị dinh dưỡng cao. Bên cạnh đó, nó dễ nuôi, ít dịch bệnh, hiệu quả kinh tế cao và ít tốn công chăm sóc nên được nhiều nơi nhân giống.
Năm 2013, anh Nguyễn Hữu Khánh đem 3 con chồn hương non về nuôi cảnh và tự mày mò cách chăm sóc. Cứ nghĩ nuôi chơi để vui nhà vui cửa, nếu chúng chết thì coi như mình không có duyên. Tuy nhiên, hơn một năm sau, chồn con phát triển khỏe mạnh và bắt đầu sinh sản, đem lại những tín hiệu khả quan giúp anh Khánh mạnh dạn đầu tư để vươn lên làm giàu.
Anh Khánh bộc bạch: "Lúc xin lại từ người dân thì 3 con chồn hương còn rất nhỏ, tôi thấy thương nên đem về cho bú sữa bình với hy vọng cứu được chúng. Sau 2 tháng, chồn đã cứng cáp hơn nên tôi cho ăn động vật nhỏ, trái cây. Tuy chồn nuôi dễ, nhưng rất nhạy cảm với nguồn thức ăn và đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc phải khoa học. Thời điểm đó, trong vùng chưa có ai dám nuôi con vật này, nên tôi phải dò tìm khắp các trang báo, sách vở để mày mò cách nuôi chồn hương hiệu quả".
Chồn hương có đặc tính ngủ ban ngày và hoạt động kiếm ăn về đêm, nên anh Khánh thường cho chúng ăn một lần trong ngày vào khoảng 17-18h. Thức ăn là cháo gạo được nấu với đầu cá tạp rẻ tiền, ăn bổ sung chuối chín để có bộ lông mượt mà. Chính vì thế, nguồn chi phí thức ăn nuôi chồn rất rẻ, chỉ tốn 1.000 đồng/con/ngày. Tính trung bình, chồn nuôi 8 tháng, đạt trọng lượng 3kg thì xuất bán mà chỉ tốn 240.000 đồng tiền thức ăn.
Ông Nguyễn Văn Hải – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Sơn nhận xét, mô hình nuôi chồn hương và dúi của anh Nguyễn Hữu Khánh là một mô hình kinh tế điển hình ở xã Hòa Sơn. Ngoài việc làm kinh tế giỏi, anh còn nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật nuôi chồn hương cho bà con nếu ai có nhu cầu. Thời gian tới, địa phương sẽ khuyến khích nhân rộng mô hình này, để nâng cao thu nhập cho bà con…
Anh Khánh phấn khởi chia sẻ: "Chồn hương dễ nuôi, giá bán cao nhưng chi phí lại rất thấp và tiện lợi. Nó có sức đề kháng tốt nên ít khi bị bệnh, đỡ công chăm sóc. Chỉ mắc các bệnh thường gặp về đường hô hấp, đường ruột. Điển hình là bệnh tiêu chảy, khi thấy chồn có triệu chứng thì nhanh chóng tách chuồng để tránh lây lan, dùng thuốc thú y thông thường để điều trị là khỏi. Do vậy, chi phí thuốc men cũng không nhiều, chủ yếu là phải phòng bệnh tiêu chảy ngay từ nhỏ thì chồn hương sẽ sinh trưởng khỏe mạnh".
Theo anh Khánh, để chồn hương tăng đàn nhanh, đạt năng suất cao thì chuồng trại phải cao ráo, yên tĩnh, đông ấm hè mát. Anh chọn xây chuồng bằng gạch, tráng xi măng, xung quanh bao lưới chắc chắn để chồn không thoát ra ngoài. Đặc biệt, chuồng nuôi phải rộng rãi và thông thoáng, có cây gác để đàn chồn thường xuyên leo trèo, vận động. Điều này tạo môi trường tự nhiên giúp chồn phát triển khỏe, đẻ nhiều và chăm sóc con tốt hơn là nhốt trong lồng lưới nhỏ hẹp.
Lãi ròng 400 triệu đồng/năm
Năm 2017, anh Khánh quyết định nghỉ công việc quản lý ẩm thực tại một khách sạn ở Đà Nẵng, để tập trung phát triển mô hình nuôi chồn hương. Anh đầu tư 100 triệu đồng để xây 3 khu nuôi chồn với tổng đàn hơn 100 con được chia thành các khu riêng biệt, gồm: khu chồn bố mẹ sinh sản (55 con), chồn hậu bị (chồn giống), chồn con, chồn bệnh. Mỗi sáng, anh dành ra hai tiếng để vệ sinh chuồng trại và cho chồn hương ăn thêm chuối chín trước khi chúng ngủ.
"Để nhân giống chồn hương thì người nuôi phải có nhiều kinh nghiệm, nắm rõ đặc tính sinh trưởng của chúng và biết lựa chọn giống. Mỗi con chồn bố mẹ được nuôi riêng một chuồng, chỉ khi nào chồn cái đến thời kỳ động dục thì mới cho con đực vào ở chung. Sau đó phải tách chuồng trở lại nếu không chúng sẽ cắn nhau. Chồn hương cái sẽ mang thai hơn 2 tháng, sinh được 2-3 lứa/năm, mỗi lứa từ 3-5 con. Chồn con được một tháng thì tôi tách mẹ và cho bú sữa bình (khoảng 45-60 ngày) nhằm thuần hóa và tránh việc chồn mẹ cắn chết chồn con…", anh Nguyễn Hữu Khánh nói.
Chồn con nuôi 2 tháng là có thể bán giống với giá 6.000.000 đồng/cặp, chồn giống từ 3-4 tháng giá 7.000.000 đồng/cặp bao gồm cả kỹ thuật chăm sóc và giấy phép nuôi của kiểm lâm. Chồn hương thương phẩm có giá dao động từ 1,5-1,7 triệu đồng/kg.
Anh Khánh cho biết, thị trường tiêu thụ chồn hương hiện nay rất rộng và không đủ hàng để cung ứng. Khách mua chồn của anh đến từ nhiều nơi như: TP.Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Huế, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh… Đặc biệt, chồn hương giống chỗ anh được nhiều người tin tưởng về chất lượng và đến tận nhà đặt mua. Bình quân mỗi năm, sau khi trừ hết chi phí, anh thu lãi hơn 400 triệu đồng nhờ nuôi chồn hương.
Được biết, anh Nguyễn Hữu Khánh còn kết hợp nuôi 200 con dúi (chuột nứa) sinh sản, thu lời 100 triệu đồng/năm. Dúi cũng là động vật hoang dã dễ nuôi, chi phí thấp và ít rủi ro. Theo đó, dúi từ 2-3 tháng có giá 800.000 đồng/cặp, từ 5-6 tháng giá 1,2 triệu đồng/cặp, dúi hậu bị là 1,8 triệu đồng/cặp, thịt dúi thương phẩm bán 480.000 đồng/kg.
Anh Khánh phấn khởi nói: "Thời gian tới, tôi sẽ thu hẹp diện tích chuồng dúi để mở rộng quy mô nuôi chồn, nâng cao lợi nhuận. Ngoài ra, tôi luôn sẵn sàng chỉ dạy kỹ thuật nuôi và truyền đạt kinh nghiệm cho nhiều hộ trong thôn. Qua đó, hy vọng mô hình nuôi chồn hương sẽ được nhân rộng, giúp bà con vươn lên làm giàu".