Mưa lũ lớn chưa từng có khiến đập Tam Hiệp vừa phải mở thêm một cửa xả lũ, gây áp lực lũ lụt lên các vùng hạ du của Trung Quốc. Trên quan điểm của một chuyên gia về đập lớn, ông nghĩ sao về độ an toàn của con đập thủy điện lớn nhất thế giới này?
- Vừa rồi trên mạng xã hội xuất hiện các thông tin gây hoang mang dư luận như đập Tam Hiệp đã vượt đỉnh lũ tới 2m. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, con số này cũng là bình thường.
Đập Tam Hiệp được thiết kế với độ cao 175m, thời điểm đầu vụ chiều cao đỉnh lũ là 144m thì việc cao hơn 2m so với thiết kế là vẫn trong tầm kiểm soát.
Còn việc họ phải mở thêm một cửa xả lũ trên đập Tam Hiệp cũng là việc bất khả kháng khi mực nước trong hồ chứa lên cao. Bất kỳ hồ thủy điện nào khi đối diện với áp lực mực nước tại hồ chứa thì đều phải mở cửa xả lũ và vùng hạ du bị ảnh hưởng ngập lụt là khó tránh khỏi.
Lũ lụt tại Trung Quốc đã khiến hơn 20 triệu người bị ảnh hưởng và hơn 1,76 triệu người phải di dời.
Theo đại diện công ty vận hành đập Tam Hiệp, trong trận lụt này, hồ chứa Tam Hiệp đã phát huy các chức năng giữ nước và giảm đỉnh lũ, ngăn nước vượt qua mức an toàn tại hồ Động Đình và hồ Bà Dương.
Với dung tích cắt lũ ở mức 22 tỷ mét khối, con đập đã trữ bớt nước đổ về từ thượng nguồn, giảm bớt phần lớn áp lực phòng chống lũ lụt ở trung lưu và hạ lưu sông Dương Tử, nếu không có dự án Tam Hiệp, tình hình sẽ nghiêm trọng hơn nhiều.
Hiện trên nhiều trang mạng xã hội xuất hiện các thông tin lo ngại về sự an toàn của đập Tam Hiệp, quan điểm của ông về những thông tin này như thế nào?
- Về chuyên môn sâu bên trong con đập do chúng ta không có nhiều thông tin nên tôi không bình luận.
Nhưng có thể khẳng định, khoa học công nghệ về xây dựng đập thủy điện của Trung Quốc rất phát triển, hiện đập Tam Hiệp vẫn đang trong tầm kiểm soát, chưa cảm thấy nguy cơ về vỡ đập.
Còn nhiều thông tin trên mạng thì tôi cho rằng không đúng hoặc chỉ đúng một nửa để gây hoang mang dư luận.
Nếu chỉ căn cứ trên ảnh mây vệ tinh thì có vẻ như đập Tam Hiệp đang vỡ đến nơi nhưng thực tế không có chuyện đó.
Từ tình hình mưa lũ phức tạp ở Trung Quốc, theo ông, diễn biến thời tiết cực đoan này có mối liên hệ với Việt Nam?
- Nguồn nước sông Trường Giang Dương Tử cách Việt Nam khá xa nên tình hình lũ lụt ở Trung Quốc hiện không ảnh hưởng gì đến Việt Nam.
Ngay cả tại Trung Quốc, thực tế, thời điểm này thường là vào mùa lũ trên lưu vực sông Dương Tử, nhưng cực đoan, kéo dài như năm nay thì hiếm gặp.
Cơ quan dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cũng đã đưa ra dự báo năm nay không thừa nước nhưng vẫn phải đề phòng những trận mưa lũ cực đoan. Thực tế, ở miền Bắc đã từng xảy ra mưa lũ cực đoan, gây lũ lụt nghiêm trọng ở những năm 1969, 1971.
Xin cảm ơn ông!
Trả lời Thời báo Hoàn cầu, đại diện công ty vận hành đập Tam Hiệp cho biết, con đập này đã hoạt động tốt giúp giảm bớt áp lực phòng chống lũ lụt ở khu vực trung lưu và hạ lưu sông Dương Tử.Người này cũng bác bỏ những tin đồn và cáo buộc thường xuyên từ truyền thông nước ngoài về tình trạng của con đập, chẳng hạn như méo hoặc không có khả năng giảm lũ.
Tuyên truyền của phương Tây về việc “đập Tam Hiệp bị biến dạng” cũng được Công ty quản lý đập coi là phóng đại. Họ cho rằng hiện tại, đập Tam Hiệp đang chạy an toàn trong tình trạng tốt. Trong vài năm qua, không có cái gọi là biến dạng xảy ra, hoặc bất kỳ rủi ro đáng chú ý nào khác.
Vào lúc 8 giờ sáng ngày 18/7, hồ chứa Tam Hiệp đã chứng kiến lưu lượng chảy vào 61.000 mét khối mỗi giây và lưu lượng chảy ra 33.000 mét khối mỗi giây, như vậy đập đã ngăn chặn 45% nước thoát xuống hạ lưu. Mực nước đã đạt 160,17 mét.
Trong khi đó, thủy điện Tam Hiệp đã hoạt động hết công suất với công suất phát điện kết hợp là 22,5 triệu kilowatt.
(Nguồn: Thời báo Hoàn Cầu)