Kinh tế gia đình khó khăn, anh Nguyễn Văn Chiến (SN 1972, ở xóm 8, xã Nam Anh, huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An) khăn gói vào vào Đắk Lắk làm công nhân cho một Công ty cà phê. Dù công việc đang ổn định, bỗng dưng anh Chiến bỏ về quê trồng mít Thái.
Thời gian sinh sống ở Đắk Lắk, anh nhận thấy giống mít Thái cho năng suất, giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương. Năm 2012, anh Chiến quyết định về quê thầu 5 sào đất ở địa phương để trồng hơn 200 gốc mít Thái và nhiều cây ăn quả khác.
Anh Nguyễn Văn Chiến chia sẻ: "Sống lâu năm ở nơi đất khách, tôi cũng muốn về quê để được gần gia đình, ổn định cuộc sống. Khi còn ở Đắk Lắk, tôi thấy bà con trồng cây mít Thái rất hiệu quả, cho thu nhập ổn định".
"Khi có ý định về quê trồng mít Thái, nhiều người cho tôi là kẻ gàn dở vì ở địa phương đã có rất nhiều người trồng mít, mà hiệu quả mang lại cũng chẳng cao. Bỏ qua những lời bán tán, tôi vẫn quyết tâm và có lòng tin rằng giống mít Thái này sẽ phát triển, cho hiệu quả kinh tế cao ở địa phương"- anh Chiến tâm sự với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Hiện nay, trên diện tích 5 sào đất mà gia đình anh thuê lại của địa phương trồng 200 gốc mít Thái, 200 gốc táo, 200 gốc ổi lê Đài Loan đều phát triển xanh tốt, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
200 gốc mít Thái được gia đình anh Chiến trồng là giống mít có quả sớm, ra quả quanh năm, múi mít có thịt màu vàng đậm, ăn rất giòn, ít xơ có vị ngọt và thơm mát nên được khách hàng đón nhận nhiệt tình.
Mỗi năm, cây mít Thái cho ra rất nhiều quả, nhưng anh Chiến chỉ giữ lại từ 8-10 quả/cây để giúp quả đạt chất lượng, cây phát triển tốt. Mỗi quả đạt trọng lượng từ 10-15kg, được thương lái mua với giá từ 13.000-15000 đồng/kg, trừ chi phí, gia đình anh lãi hơn 200 triệu/năm.
"Mít Thái cho ra quả quanh năm, nhưng quả nhiều, đạt chất lượng từ tháng 5 đến tháng 8. Vào mùa mưa, cây mít thường xuyên bị côn trùng hút nhựa cây tạo thành những vết thương trên bề mặt thân cây tạo điều kiện thuận lợi để nấm xâm nhập vào gây bị thối gốc, chảy nhựa ở cây mít. Trước khi vào mùa mưa, tôi thường phun thuốc phòng nấm, chú ý xem phần nào của cây có dấu hiệu bị chảy nhựa thì nhanh chóng khoét bỏ, làm sạch không lây lan ra cả cây" – anh Chiến bật mí.
Với 200 gốc táo giống từ Viện nghiên cứu cây trồng Trung Ương, được anh chiến trồng năm 2015, mỗi năm gia đình anh bỏ túi hơn 100 triệu/năm.
Ngoài ra, gia đình anh Chiến còn trồng thêm 200 gốc ổi lê Đài Loan đang bắt đầu cho thu hoạch. Theo ước tính của anh Chiến thì mỗi năm ổi lê Đài Loan cho thu hoạch 4-5 lứa quả cho năng suất 25-30kg/cây, giá bán 25.000 – 30.000 đồng/kg, trừ chi phí, gia đình anh Chiến thu về gần 100 triệu/năm.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Hồ Viết Sỹ - Chủ tịch UBND xã Nam Anh cho biết: "Diện tích mà anh Chiến thuê để làm trang trại trước đây đất xấu, khô cằn, chỉ trồng được một vụ khoai lang. Tuy nhiên, nhờ siêng năng, cần cù, chịu khó anh Chiến đã cải tạo thành vườn cây trĩu quả, là một trong những mô hình làm kinh tế giỏi ở địa phương. Sắp tới, xã sẽ có phương án, nhân rộng mô hình của anh Chiến cho các gia đình khác trong xã học tập làm theo".