Dân Việt

Vụ giáo viên sang Lào dạy 3 năm nhận thông báo "đắng lòng" khi trở về: Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị lên tiếng

Ngọc Vũ 20/07/2020 16:27 GMT+7
Ông Võ Văn Hưng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã nêu ý kiến cá nhân về vụ giáo viên sang Lào dạy tình nguyện 3 năm và nhận thông báo "đắng lòng" khi trở về.

Chiều 20/7, trả lời PV Dân Việt, ông Võ Văn Hưng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, đã chỉ đạo Sở GDĐT và Sở Nội vụ họp bàn phương án, trình UBND tỉnh quyết định, xử lý việc các giáo viên tình nguyện dạy 3 năm ở Lào trở về gặp vướng mắc, chưa được đặc cách tuyển dụng.

Vụ giáo viên sang Lào dạy 3 năm nhận thông báo "đắng lòng" khi trở về: Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị lên tiếng - Ảnh 1.

Ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, phải thực hiện cam kết trước đây (QĐ 10 - PV) của chính quyền địa phương với các giáo viên.

Theo ông Hưng, việc xử lý cụ thể như thế nào, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ có ý kiến kết luận bằng văn bản.

"Quan điểm cá nhân của tôi là phải tạo điều kiện tốt nhất, ưu tiên bảo đảm chế độ, quyền lợi cho các giáo viên đã dạy 3 năm ở Lào về. Phải thực hiện cam kết trước đây của chính quyền với các giáo viên" – ông Hưng nói.

Ông Hưng cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở GDĐT và Sở Nội vụ tham mưu, xử lý dứt điểm vụ việc trong tuần này.

Như Dân Việt đã đưa tin, nhiều giáo viên tình nguyện qua Lào dạy học, chấp nhận hy sinh tuổi thanh xuân, lên đường với niềm tin, khi trở về, họ sẽ được xét tuyển đặc cách theo quyết định số 10/2014/QĐ-UBND tỉnh Quảng Trị ký ngày 27/2/2014 (gọi là QĐ 10).

Vụ giáo viên sang Lào dạy 3 năm nhận thông báo "đắng lòng" khi trở về: Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị lên tiếng - Ảnh 2.

Các giáo viên dạy tình nguyện 3 năm ở Lào trở về lo lắng khi biết QĐ 31 đã bãi bỏ QĐ 10. Theo QĐ 31, họ sẽ không được đặc cách tuyển dụng.

Tại khoản 1, điều 16, QĐ 10 quy định: Đối tượng được xét tuyển đặc cách là người được UBND tỉnh cử và đã hoàn thành nghĩa vụ giảng dạy ít nhất 3 năm ở nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về nước.

Tuy nhiên, ngày 9/7/2019, UBND tỉnh Quảng Trị ra quyết định số 31/2019/QĐ-UBND (gọi là QĐ 31) để bãi bỏ QĐ 10. Theo QĐ 31, các giáo viên dù đã hoàn thành nghĩa vụ giảng dạy 3 năm ở nước Lào, nhưng không được xét tuyển đặc cách.

Luật sư Trần Tuấn Anh - Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật quy định: "Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó có hiệu lực".

Điều này có nghĩa, những giáo viên đã hoàn thành chương trình giảng dạy trước đó hoàn toàn có quyền được hưởng chế độ đặc cách khi xét tuyển theo QĐ 10. Việc bãi bỏ chính sách đặc cách xét tuyển này chỉ có hiệu lực áp dụng đối với những trường hợp giáo viên tự nguyện giảng dạy tại Lào sau khi QĐ 31 có hiệu lực.

Trong trường hợp bị từ chối thực hiện việc đặc cách với lý do áp dụng quy định tại QĐ 31 của UBND tỉnh, những giáo viên này có thể khiếu nại, hoặc khởi kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của các cơ quan, đơn vị có liên quan đến việc tiếp nhận này để yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền bố trí, sắp xếp công việc theo đúng nội dung QĐ 10.

Trong trường hợp không thể sắp xếp, bố trí công việc, phải có cơ chế bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, trong QĐ 31 có thiếu sót khá lớn khi thiếu quy định về điều khoản chuyển tiếp trong một văn bản quy phạm pháp luật. Điều khoản chuyển tiếp này rất quan trọng để quy định, giải quyết quyền lợi đối với những người đã hoàn thành việc thực hiện chính sách khi QĐ 10 có hiệu lực. Thiếu đi điều khoản này sẽ dễ dẫn đến việc những cá nhân, tổ chức có liên quan khi thi hành chính sách hiểu sai về việc thực hiện chính sách pháp luật.