Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của vùng hội tụ gió trên cao nên từ ngày 21/7 đến ngày 22/7, Bắc Bộ tiếp tục có mưa rào và dông; vùng núi và trung du có mưa vừa, mưa to.
Riêng các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 50-100mm/24 giờ, có nơi trên 150mm/24 giờ); trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; thời gian mưa lớn tập trung vào đêm và sáng sớm.
Nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi khu vực Bắc Bộ, đặc biệt tại các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Thái Nguyên, Bắc Giang.
Còn trên địa bàn tỉnh Hà Giang, đêm 20/7 rạng sáng ngày 21/7/2020 đã xảy ra mưa cực lớn. Lượng mưa tính đến 9h00 ngày 21/7/2020 là: Thuận Hòa, Vị Xuyên 202mm; TP Hà Giang 322mm; Thượng Sơn, Vị Xuyên 266mm; Cao Bồ Vị Xuyên 349mm, Tân Tiến, Hoàng Su Phì 96mm, Mèo Vạc 88mm; các trạm còn lại lượng mưa từ 30-50mm.
Tính đến 11h ngày 21/7, mưa lũ trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã khiến 02 người chết và 01 người bị thương; có 1 nhà bị đất đá vùi lấp của gia đình ông Lý Xuân Vinh ở thôn Cóc Nắm xã Bản Nhùng, huyện Hoàng Su Phì; 1 nhà tạm bị lũ cuốn trôi hoàn toàn tại xã Quảng Ngần- huyện Vị Xuyên; 06 nhà tại bị sạt lở đất; 24 nhà bị ngập úng. Nhiều phường của Thành phố Hà Giang cũng trong tình trạng ngập sâu.
Mưa lũ cũng làm thiệt hại nhiều diện tích hoa màu, công trình giao thông của tỉnh Hà Giang; nhiều tuyến đường tại TP.Hà Giang ngập sâu; tuyến đường liên xã Quảng Ngần Thượng Sơn bị sạt lở gây ách tắc giao thông. Sạt lở taluy dương tuyến đường xã Kim Thạch; cầu treo thôn Lèn, xã Việt Lâm; cầu Cứng thôn Chung, xã Việt Lâm bị sập...
Theo tin từ Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, trong ngày 21-22/7, vùng núi phía Bắc tiếp tục có mưa 50-100mm/24h, có nơi trên 150mm/24h; lũ thượng lưu sông Lô có khả năng đạt mức BĐ2-BĐ3, hạ lưu gần mức BĐ1.
Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ, đặc biệt tại các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất, giảm thiệt hại về người và tài sản, trong công văn khẩn gửi các địa phương, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương, ngành chức năng khẩn trương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất; triển khai ngay các lực lượng cứu hộ, di dời dân vùng bị ngập sâu.
Chỉ đạo chính quyền cơ sở và lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống nguy hiểm; khơi thông dòng chảy, nhất là trên các suối, khe cạn, các ao hồ có nguy cơ mất an toàn.
Triển khai phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn theo cấp báo động; tổ chức tuần tra canh gác, kiểm tra, rà soát việc chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện theo quy định.
Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; tuyên truyền, ngăn chặn không để người dân vớt củi trên sông, suối khi mưa lũ; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Thông báo cho các chủ đầu tư có công trình đang xây dựng trên, ven sông, suối; các chủ phương tiện vận tải thuỷ, khai thác khoáng sản biết thông tin về mưa, lũ để chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình.
Kiểm tra công tác bảo đảm an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, hồ thuỷ điện nhỏ, công trình đang thi công, sửa chữa; bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có tình huống.
Chỉ đạo đài phát thanh, truyền hình tỉnh, huyện, xã và các phương tiện thông tin của địa phương tăng cường thông tin về mưa lũ và các biện pháp phòng tránh đến được người dân tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về diễn biến mưa lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để các cơ quan có liên quan và người dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Bộ Công Thương chỉ đạo, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn hồ đập thuỷ điện, đặc biệt là các thủy điện nhỏ; kiểm tra công tác bảo đảm an toàn đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, không để xảy ra các sự cố gây thiệt hại về người.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập thủy lợi, nhất là hồ đập xung yếu, công trình đang thi công sửa chữa; không cho phép tích nước nếu hồ đập không đảm bảo an toàn.
Bộ Giao thông Vân tải chỉ đạo việc kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết khi có mưa lũ lớn; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các Quân khu, các lực lượng đóng chân trên địa bàn rà soát phương án, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả mưa lũ theo đề nghị của địa phương khi có yêu cầu.