Như Dân Việt thông tin, hàng loạt cây xanh lâu năm bị bỏ mặc dẫn đến tình trạng chết khô, héo úa sau khi Công ty Cổ phần Beepro chuyển từ đường Kim Mã để thực hiện dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội.
Dân Việt phát hiện địa chỉ Công ty Cổ phần Beepro cung cấp trong hợp đồng là địa chỉ "ma", còn văn phòng Công ty đặt ở thùng container tại địa chỉ 99 Phạm Hùng.
Mòn mỏi chờ di dời cây, trả tiền
Trước đó, ông Nguyễn Văn Hưng (1966, trú tại Đông Dư, Gia Lâm, Hà Nội) phản ánh về việc Công ty Cổ phần Beepro (gọi tắt là Công ty Beepro) là đơn vị thực hiện di dời 106 cây xanh trong dự án Nhổn - Ga Hà Nội "biến mất", chưa trả tiền thuê đất và không chăm sóc hơn 100 cây xanh trong nhiều năm.
Tháng 10/2016, Công ty Cổ phẩn Beepro thực hiện đánh chuyển 106 cây xanh vướng vào mặt bằng thi công dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội về vườn ươm xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm, Hà Nội).
Đến nay, sau gần 4 năm hơn 20 cây nhiều năm tuổi đã chết khô, chỉ còn lại khoảng 80 cây.
Mới đây trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Văn Hưng cho biết, sau khi báo Dân Việt phản ánh, có một người tên Lương (nhận là người của BQL đường sắt đô thị Hà Nội) về nói chuyện và hứa hẹn sẽ báo cáo sự việc, xin ý kiến lãnh đạo và xử lý sớm vấn đề chỗ cây xanh, nhưng đến nay vẫn không thấy ý kiến gì việc đánh chuyển cây.
"Khi báo Dân Việt đăng tải bài viết, BQL có liên hệ trao đổi với tôi để giải quyết những vấn đề xung quanh cây xanh tại Đa Tốn. Ông Lương cũng hứa trong tháng 6 sẽ thông tin lại với tôi về hướng giải quyết đối với số cây xanh này, nhưng đến nay đã chưa có thông tin gì", ông Hưng bức xúc.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Hưng cũng mong muốn UBND TP Hà Nội, cùng các đơn vị liên quan vào cuộc di chuyển cây, trả tiền cho gia đình ông.
"Tôi mong mỏi sự việc được giải quyết từng ngày, nếu cứ để bên này rồi bên kia báo cáo qua lại, chưa biết chừng số cây xanh còn lại có thể chết như những cây trước đó", ông Hưng nói.
Báo điện tử Dân Việt nhận được thêm thông tin từ người dân về việc phải bán nhà, trốn nợ vì nhận đánh chuyển hơn 100 cây xanh phục vụ thi công dự án Nhổn - ga Hà Nội.
Cụ thể, anh Trương Văn Đức (34 tuổi trú tại Văn Giang, Hưng Yên) cũng kêu cứu vì khoản nợ gần 1 tỷ đồng cho việc đánh chuyển hơn 100 cây xanh tại Kim Mã về Đa Tốn chưa được công ty Beepro thanh toán. Khoản nợ này khiến anh và gia đình lao đao, lâm cảnh khốn cùng.
Trách nhiệm của cơ quan chức năng ở đâu?
Để rộng đường dư luận, phóng viên Dân Việt đã liên hệ làm việc với BQL đường sắt đô thị Hà Nội, muốn được trao đổi để rõ hơn vấn đề.
Sau khi gửi câu hỏi, đến ngày 15/6 Dân Việt nhận được thông cáo báo chí từ phía BQL liên quan đến vấn đề cây xanh.
Do cảm thấy chưa thỏa đáng và muốn xác minh thêm thông tin, phóng viên Dân Việt một lần nữa yêu cầu được gặp gỡ trao đổi trực tiếp với ông Nguyễn Cao Minh - Trưởng Ban BQL đường sắt đô thị Hà Nội, tuy nhiên ông Minh đề nghị phóng viên trao đổi lại với bộ phận truyền thông.
Thông cáo báo chí gửi Báo Dân Việt có nêu: "Thời gian qua, Ban đã tổ chức các cuộc họp liên ngành với Sở Xây Dựng và Công ty Beepro để thống nhất phương án giải quyết các vướng mắc và báo cáo UBND Thành phố trong thời gian tới đề xuất giao cho đơn vị chuyên ngành dịch chuyển các cây về trồng và chăm sóc tại địa điểm thích hợp".
Bên cạnh đó, trong văn bản này cũng nêu những khó khăn vướng mắc trong quá trình xử lý.
Thứ nhất là do các loại cây tại vườn ươm không thuộc chủng loại cây xanh đô thị, thứ hai là do đây là công tác thí điểm, lần đầu tiên thực hiện nên không có định mức, đơn giá nên dẫn đến việc hoàn thiện thủ tục thanh toán theo quy định gặp nhiều khó khăn.
Mới đây, theo thông tin từ ông Minh, BQL đường sắt đô thị Hà Nội vẫn đang làm việc với Sở Xây dựng để xem số cây này đánh chuyển đi đâu.
"Anh đang bàn xem phương án là chuyển nó (cây xanh - PV) đi đâu cho phù hợp. Những cây này hiện nay không nằm trong danh mục cây xanh đô thi. Còn để trồng ở đâu thì thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng Hà Nội", ông Minh nói.
Phóng viên Dân Việt tiếp tục liên hệ với ông Nguyễn Nguyên Trà - Phó Phòng Hạ tầng - Kỹ thuật Sở Xây dựng để hỏi về việc đánh chuyển hơn 100 cây xanh tại Đa Tốn, ông Trà nói: "Bên anh đang phối hợp với bên họ. Bên anh không liên quan đến Đa Tốn". Ngay sau đó, ông Trà cho biết không làm việc qua điện thoại và tắt máy.
Sáng 10/9, trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: "Anh đã giao cho Sở Xây dựng và BQL đường sắt đô thị Hà Nội, em làm việc với họ".
Báo điện tử Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.