Hoạt động dệt lụa tại xưởng dệt của ông Trần Hữu Phương (thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).
Đau đáu nhìn cơ nghiệp hàng trăm năm của làng nghề tơ lụa Mã Châu sụp đổ, ông Trần Hữu Phương (50 tuổi, trú khối phố Châu Hiệp, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), khi ấy là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) ươm dệt thị trấn Nam Phước (từ năm 2007-2017), đã tìm tòi học hỏi, cải tiến, cố gắng bám trụ với mong muốn vực dậy một làng nghề đã "chết".
"Con tằm" cô đơn
Làng nghề dệt lụa Mã Châu phát triển rực rỡ nhất vào khoảng thế kỷ XVII-XIX với hàng nghìn lao động trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ. Bến đò sông Thu Bồn thuở ấy xanh ngắt những nương dâu, sặc sỡ những sắc màu lụa mới. Đến năm 1978, HTX ươm dệt thị trấn Nam Phước được thành lập với hơn 300 thành viên và 400 công nhân ươm tơ, dệt lụa.
Từ năm 2000 đến năm 2017, HTX rơi vào cảnh bế tắc trước sự thay đổi của cơ chế thị trường và sự phát triển của nền công nghiệp hóa. Sản phẩm lụa dệt thủ công mẫu mã chưa đa dạng, giá thành cao, thị trường tiêu thụ hạn hẹp, thậm chí không bán được, không cạnh tranh lại với các mặt hàng lụa công nghiệp, lụa Trung Quốc.
Chạnh lòng nhìn lụa Mã Châu chết dần, ông Phương cố gắng mày mò, nghiên cứu kỹ thuật cải tiến máy dệt sợi công nghiệp thành máy dệt tơ tằm, nâng cao chất lượng và đa dạng mẫu mã lụa truyền thống. Giữa năm 2017, ông thuyết phục 4 xã viên khác tiếp tục cùng mình gây dựng lại nghề dệt truyền thống, thành lập nên Công ty TNHH Lụa Mã Châu.
Ông Trần Hữu Phương, Giám đốc Công ty TNHH Lụa Mã Châu bộc bạch: "Thời điểm làng dệt Mã Châu lụi tàn, ngày nào tôi cũng hì hục ở xưởng dệt của HTX. Ngày đêm tìm tòi, nghiên cứu, chế tạo máy dệt phế liệu với hi vọng cứu được sản phẩm lụa tơ tằm truyền thống. Lúc đó, ai cũng nghĩ tôi vô công rỗi nghề hoặc không bình thường nên mới làm việc đó, vì dân làng đã bỏ nghề dệt từ lâu, thậm chí chẳng mấy ai nhớ đến cái tên lụa Mã Châu nữa rồi".
Suốt nhiều năm dày công cải tiến máy móc, ông Trần Hữu Phương đã cơ giới hóa được quy trình sản xuất lụa tơ tằm, giảm công lao động, đa dạng mẫu mã sản phẩm nhưng vẫn giữ được đặc trưng của lụa truyền thống. Ngoài ra, ông nhập sợi tơ từ Bảo Lộc (Lâm Đồng) để đảm bảo nguồn nguyên liệu dệt lụa. Từ đó, mở ra cơ hội hồi sinh làng nghề dệt lụa Mã Châu, làm sống lại những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông.
Sợi tơ dùng để dệt lụa không qua khâu sơ chế, không sử dụng phương pháp hóa học nên vẫn giữ được đặc trưng của tơ tằm tự nhiên. Điều này, giúp sản phẩm lụa Mã Châu truyền thống khẳng định được chất lượng cao, giữ được ưu điểm vượt trội: bền đẹp, mềm mịn, chống độc, hút ẩm tốt, thoáng mát…
Hồi sinh một thuở vàng son
Ông Phương cho biết, khi các công đoạn dệt lụa đã cơ giới hóa được một phần, hoạt động có hệ thống, thì bài toán đầu ra cho sản phẩm trở thành thách thức lớn. Lụa tơ tằm Mã Châu tuy nổi danh trong Nam ngoài Bắc, nhưng tiếng tăm đã im ắng suốt một thời gian dài. Dẫn đến thương hiệu bị mai một, thị trường tiêu thụ hạn hẹp và không có sự tin tưởng của khách hàng.
Nhìn thấy được tâm huyết của cha dành cho lụa Mã Châu, hai người con là Trần Thị Yến (28 tuổi) và Trần Hoàng Anh (25 tuổi) đã ra sức ủng hộ, phụ giúp ông Phương trong công tác quảng bá, giới thiệu và xây dựng lại thương hiệu, thị trường cho sản phẩm lụa tơ tằm.
Chị Trần Thị Yến, Phó giám đốc Công ty TNHH Lụa Mã Châu tâm sự: "Tôi nhớ lúc nhỏ, ở đâu trong làng cũng nghe tiếng thoi đưa, dệt lụa rộn ràng ngày đêm. Sau này, nghề dệt lụa Mã Châu mai một, nhìn cha ngày nào cũng cặm cụi chế tạo máy móc, cải tiến sản phẩm mà trong lòng cũng nhiều trăn trở. Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp Đại học, tôi quyết định về quê phụ giúp cha tìm hướng đi mới cho lụa Mã Châu, xây dựng lại thương hiệu và tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng".
Nhờ sự cố gắng không ngừng nghĩ của ông Trần Hữu Phương, mà lụa Mã Châu đã hồi sinh sau một thời gian ấp ủ. Hiện tại, xưởng có hơn 10 máy dệt hoạt động thường xuyên với công suất khoảng 3000 mét vải/ngày (cao gấp 6 lần so với trước), giải quyết việc làm cho 12 lao động với mức lương từ 5.000.000-6.000.000 đồng/người/tháng. Bình quân mỗi tháng, công ty sản xuất được 90.000 mét vải, doanh thu đạt hơn 22 tỉ đồng, trừ đi chi phí sản xuất còn lãi khoảng 1 tỉ đồng.
Tháng 12/2019, sản phẩm khăn lụa Mã Châu đạt chứng nhận 3 sao OCOP thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm của tỉnh Quảng Nam. Từ niềm vui đó, "con tằm" Trần Hữu Phương mạnh dạn đầu tư 600 triệu đồng mua máy dệt công nghệ cao, tạo hoa văn cho lụa bằng máy vi tính. Ngoài ra, tiến đến phát triển hoạt động du lịch gắn liền với dây chuyền sản xuất khép kín tại chỗ, đưa sản phẩm lụa truyền thống đi khắp nơi trong và ngoài nước.
Sản phẩm lụa tơ tằm thân thiện với môi trường, có hàng trăm mẫu mã và chủng loại khác nhau. Giá bán khoảng 250.000 đồng/mét lụa, điển hình lụa sa tanh có giá từ 600.000-700.00 đồng/mét, vải lụa may veston 1.000.000 đồng/mét, lụa may áo dài 130.000-150.000 đồng/mét…
"Lúc trước, ai cũng nghĩ lụa Mã Châu không thể hồi sinh, ông Phương bị "khùng" mới mua máy phế liệu về cải tiến. Vậy mà bằng quyết tâm và niềm đam mê với sợi tơ, ông gây dựng lại nghề dệt truyền thống. Rồi đây, làng nghề dệt lụa Mã Châu sẽ sớm nhộn nhịp như xưa và trở lại một thời vàng son…", bà Trần Thị Mớn (64 tuổi) - công nhân quay tơ tại xưởng dệt vui vẻ nói.