Dân Việt

Củ Chi: "Đặt hàng" thí điểm xây công trình phụ trên đất nông nghiệp

Trần Đáng 23/07/2020 09:25 GMT+7
Vấn đề xây dựng công trình phụ trên đất nông nghiệp ở TP.HCM lại “nóng” tại chương trình “Lắng nghe và Trao đổi tháng 7” do HĐND thành phố tổ chức mới đây với chủ đề “Phát triển nông nghiệp đô thị TPHCM: Thực trạng và giải pháp”.

Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết đã trình UBND thành phố dự thảo hướng dẫn về xây dựng công trình phụ trợ như nhà lưới, nhà màng… phục vụ sản xuất nông nghiệp. 

Đây là vướng mắc lớn mà suốt thời gian qua, các địa phương và người dân liên tục kiến nghị thành phố tháo gỡ, mở đường cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phát triển.

2 cách tháo gỡ

Tại chương trình, nhiều ý kiến cử tri và đại biểu đặt vấn đề khó khăn hiện nay là người dân không thể xây dựng các công trình phụ trợ như nhà lưới, nhà màng… trên đất nông nghiệp. Trong khi để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tiến lên sản xuất lớn rất cần những công trình này.

Thí điểm xây công trình phụ trên đất nông nghiệp - Ảnh 1.

Nhà sơ chế ớt xuất khẩu của HTX Mặt trời đỏ (Củ Chi, TP.HCM) xây ngay trên đất nông nghiệp. Ảnh: T.Đ

Báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 1.600 trường hợp vi phạm xây dựng liên quan đến công trình phụ trên đất nông nghiệp.

Tuy nhiên, những năm qua, nông dân đã không dám đầu tư nhà màng, nhà lưới, nhà sơ chế… trên đất nông nghiệp để sản xuất. 

Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Hồng cho biết, đấy là do tính pháp lý không rõ ràng nên nông dân không yên tâm đầu tư, nhất là với vốn lớn.

Ông Dư Huy Quang - Trưởng Phòng Quản lý đất (Sở Tài nguyên và Môi trường) lý giải, quy định của Luật Đất đai cho phép xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất như nhà kính, nhà lưới nhà màng trên "đất nông nghiệp khác". 

Nhưng quá trình thực hiện đã phát sinh những vướng mắc. Cụ thể, nguyên tắc của Luật Đất đai là phải sử dụng đất đúng quy hoạch và đúng loại đất. Trong khi thực tế hiện nay, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng khó khăn, chủ yếu do quy hoạch.

Thông tin thêm việc này, ông Phạm Kim Bằng - Phó Phòng Cấp phép (Sở Xây dựng TP.HCM) cho biết, Sở đã dự thảo trình thành phố văn bản hướng dẫn xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng có hai nhóm công trình: Nhóm 1 gồm các hạng mục chủ đầu tư được thực hiện nhưng phải thông báo qua UBND xã. Trong đó sử dụng vật liệu lắp ghép dễ tháo dỡ, nhằm tạo màng tạo lưới, tạo môi trường thuận lợi cho cây trồng vật nuôi trên đất nhưng không làm thay đổi mục đích sử dụng đất. 

Chòi canh nhà vườn thì sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường như cây gỗ, tranh tre nứa lá, diện tích không quá 15m2, không thuộc "tiêu chí 3 cứng" mà Bộ Xây dựng hướng dẫn (nền cứng, khung cứng, mái cứng).

Nhóm 2 là các công trình phải được UBND xã thông qua phương án sản xuất nông nghiệp. Công trình này quy mô cấp 4, đáp ứng 3 tiêu chí là 1 tầng cao, diện tích không quá 1.000m2, chiều cao không quá 6m. Chủ đầu tư sẽ đề xuất vị trí và diện tích trên tổng mặt bằng, kèm phương án sản xuất, trình UBND huyện thông qua.

Theo đại diện Sở Xây dựng, sau khi được UBND thành phố thông qua, sẽ thực hiện thí điểm ở 3 huyện Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ. Sau đó, Sở sẽ có sơ kết đánh giá, đề xuất nhân rộng mô hình này.

Củ Chi "đặt hàng" ngành chức năng

Trước đó, trong buổi làm việc giữa đoàn công tác của UBND TP.HCM với Sở NNPTNT, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Thanh Liêm đã chỉ đạo Sở NNPTNT nhanh chóng phối hợp, hướng dẫn UBND huyện Củ Chi triển khai thí điểm xây dựng công trình phụ trên đất nông nghiệp.

Ông Lê Đình Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết, huyện sẽ "đặt hàng" cho các sở, ngành chức năng hỗ trợ xây dựng thí điểm mô hình công trình phụ trên đất nông nghiệp.

Cũng theo ông Đức, hiện huyện Củ Chi đã quyết định dành ra 3ha đất và chọn 2 hộ nông dân thực hiện thí điểm mô hình này. "Hy vọng huyện Củ Chi sẽ thành công với mô hình điểm này để thành phố nhân rộng cho các quận, huyện khác" - ông Đức chia sẻ.

Thời gian qua, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao cần phải xây dựng các công trình phụ trợ. Tuy nhiên, do vướng Luật Đất đai nên nhiều nông dân ở thành phố không thể thực hiện được mô hình nông nghiệp công nghệ cao. 

Ông Nguyễn Trung Quốc - người nuôi tôm tại xã An Thới Đông (huyện Cần Giờ) cho biết, đang muốn chuyển đổi từ nuôi quảng canh sang nuôi tôm công nghệ cao. "Để làm việc này bắt buộc tôi phải xây công trình phụ trợ, nhưng chính quyền địa phương đâu cho phép" - ông chia sẻ.