Đầu năm 1979 - chỉ vài tuần sau khi quan hệ ngoại giao được bình thường hóa giữa Bắc Kinh và Washington - nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã tham dự một cuộc đua ngựa ở phía tây Houston (Texas) trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ, theo SCMP.
Giờ đây, sau hơn 4 thập kỷ, Houston trở thành "mục tiêu" chịu trận đầu tiên trong "cuộc chiến tranh lạnh" mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngày 22/7, Mỹ ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston đánh dấu động thái chưa có tiền lệ sau 41 năm Mỹ - Trung thiết lập quan hệ.
Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston - thành phố lớn thứ 4 của Mỹ - là cơ quan ngoại giao đầu tiên trong số 5 cơ quan ngoại giao Bắc Kinh mở ở Mỹ sau khi 2 nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1979. 4 cơ quan ngoại giao khác được Bắc Kinh mở ở San Francisco, New York, Chicago và Los Angeles.
Trong những năm gần đây, Houston, Texas trở thành mục tiêu chịu trận bởi căng thẳng Mỹ-Trung, đặc biệt là khi nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Văn Anh quá cảnh tại thành phố này vào năm 2017 và 2018 khi đến Trung Mỹ. Cũng trong năm 2017, một quan chức hàng đầu trong chương trình thám hiểm không gian của Trung Quốc đã bị từ chối cấp visa Mỹ để tham dự một hội nghị khoa học ở phía bắc Houston.
Việc đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston diễn ra khi căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington leo thang mạnh mẽ trong những tháng gần đây về các vấn đề thương mại, công nghệ và hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, với cả 2 bên đều áp đặt những hạn chế đối với các nhà ngoại giao và nhà báo của họ.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho biết, việc lệnh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston đã được đưa ra nhằm để bảo vệ tài sản trí tuệ và thông tin cá nhân của công dân Mỹ.
Cùng ngày, Bộ Tư pháp Mỹ truy tố 2 công dân Trung Quốc vì tấn công mạng các nhà thầu quốc phòng, các nghiên cứu về vắc-xin Covid-19 và các công ty khác trên toàn thế giới.
Trong khi đó, ông David Stilwell, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương tuyên bố trên New York Times hôm 22/7 rằng, lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston là "trung tâm" của các hoạt động phá hoại mà Bắc Kinh thực hiện trên đất Mỹ.
Ông nói rằng gần đây, Tổng lãnh sự Houston và hai nhà ngoại giao Trung Quốc khác bị phát hiện có những hoạt động đáng ngờ, trong đó, các nhà ngoại giao này bị phát hiện sử dụng giấy tờ sai ngày sinh tại sân bay.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio, quyền chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện cũng cáo buộc lãnh sự quán ở Houston "về cơ bản là một bình phong".
"Nó là nút thắt trung tâm của hoạt động gián điệp lớn - gián điệp thương mại, gián điệp quốc phòng". ông nói. "Họ sử dụng các doanh nhân làm bình phong để cố gắng gây ảnh hưởng đến các nghị sĩ và các lãnh đạo chính trị khác ở cấp bang và địa phương. Vì vậy, nó lẽ ra phải bị đóng từ lâu".
Trong khi đó, Huang Jing, chuyên gia về Mỹ tại Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh lại cho rằng, nguyên nhân khiến Mỹ đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston là vì Bắc Kinh đã khước từ yêu cầu cho phép Mỹ mở cơ sở ngoại giao ở miền tây nước này.
"Kể từ khi Mỹ - Trung thiết lập quan hệ, Mỹ luôn nhấn mạnh cần thành lập các cơ sở ngoại giao ở Trung Quốc dựa trên nguyên tắc có đi có lại. Nhưng trong những năm qua, Bắc Kinh đã từ chối yêu cầu của Mỹ về việc mở một lãnh sự quán ở miền tây Trung Quốc", ông Huang nhấn mạnh.
Trong nhiều thập kỷ, các nhà lập pháp và chính trị gia Mỹ đã thúc giục Bộ Ngoại giao thành lập một lãnh sự quán ở Lhasa, thủ phủ Tây Tạng, và biến nó thành điều kiện tiên quyết để thỏa mãn yêu cầu của Trung Quốc là mở cơ quan ngoại giao mới của Bắc Kinh ở Atlanta và Boston.
"Trung Quốc coi nguyên tắc có đi có lại là hai bên đều có cùng số lượng đại diện ngoại giao ở nước đối phương, nhưng đối với Mỹ, điều đó có nghĩa là tương đương về cả số lượng và địa điểm", ông Huang giải thích.
Các nhà quan sát cũng cho rằng,các quan chức Mỹ có thể đã tính toán kỹ khi chọn lãnh sự quán ở Houston vì đây là thành phố kết nghĩa với Vũ Hán. Bắc Kinh có thể đáp trả bằng cách đóng cửa lãnh sự quán tại Vũ Hán nhưng động thái sẽ chỉ mang tính biểu tượng vì Bộ Ngoại giao Mỹ đã sơ tán lãnh sự quán ở đây khi Covid-19 bùng phát ở thành phố.
Zhu Feng, chuyên gia về Mỹ tại Đại học Nam Kinh nhấn mạnh rằng trong khi lệnh đóng cửa lãnh sự quán là chưa từng có trong quan hệ Mỹ - Trung, mối quan hệ giữa hai nước khó có thể "sụp đổ toàn diện".
"Đây là một phần của những gì tôi gọi là màn trả đũa của Trump với Trung Quốc vì Covid-19", ông Zhu nhấn mạnh.