Mùa vải thiều ngọt
Dù được dự đoán sẽ gặp nhiều khó khăn khi thị trường xuất chính là Trung Quốc siết chặt các biện pháp kiểm dịch do lo ngại dịch Covid-19 nhưng trái vải thiều vẫn chinh phục nhiều thị trường mới một cách ngoạn mục.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, gần 50 tấn vải thiều đã được xuất khẩu sang thị trường Singapore từ cảng Hải Phòng trong tháng 6/2020.
Năm 2020 cũng là năm đầu tiên vải thiều có thương hiệu, được xử lý đóng gói qua kênh nhập khẩu chính thức của Tập đoàn bán lẻ FairPrice đã được đưa vào thị trường Singapore với quy mô lớn.
Việt Nam cũng đã xuất khẩu thành công vải thiều sang Nhật Bản, kể cả lô vải thiều xuất khẩu bằng đường biển. Việc xuất khẩu thành công sang thị trường khó tính như Nhật Bản sẽ mở ra cơ hội cho vải thiều của Việt Nam xuất khẩu sang nhiều thị trường khác trên thế giới.
Vải thiều xuất khẩu thành công đến một số thị trường khó tính đã giúp giá trị thu nhập từ vải thiều của tỉnh Bắc Giang tăng đáng kể. Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, toàn tỉnh đã tiêu thụ được 164.700 tấn vải thiều (tăng khoảng 15.000 tấn so với vụ 2019).
Thị trường tiêu thụ có sự dịch chuyển theo hướng tích cực, đó là tăng thị phần trong nước. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ nội địa chiếm 52,5%; thị trường xuất khẩu là 47,5%.
Giá bán vải thiều năm nay bình quân đạt 31.200 đồng/kg (thấp hơn vụ vải 2019) nhưng bù lại sản lượng tăng (15.000 tấn), vì thế, tổng giá trị thu được từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ đạt khoảng 6.900 tỷ đồng, tăng 600 tỷ đồng so với vụ vải năm 2019.
Năm nay cũng là năm đầu tiên tỉnh Bắc Giang chủ động phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều quy mô lớn với 63 điểm cầu trên cả nước và 4 điểm cầu ở 2 tỉnh Vân Nam, Quảng Châu (Trung Quốc).
Bên cạnh đó, các cửa khẩu ở Lạng Sơn, Lào Cai đã dành đường ưu tiên cho xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc.
Tận dụng ưu thế trái cây nhiệt đới
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng rau quả tháng 6/2020 đạt 257,3 triệu USD, giảm 7,1% so với tháng 6/2019.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, trị giá xuất khẩu hàng rau quả đạt 1,76 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh, trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 1,04 tỷ USD, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm 2019, thì xuất khẩu sang các thị trường khác lại tăng rất mạnh.
Cụ thể, xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường Hàn Quốc đạt 81,7 triệu USD, tăng 25,2%; Thái Lan đạt 79,4 triệu USD, tăng 234,2%; Hoa Kỳ đạt 77 triệu USD, tăng 9,8%; Nhật Bản đạt 68,2 triệu USD, tăng 13,1%; Đài Loan đạt 43 triệu USD, tăng 86,8%...
Tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường này chiếm 40,6% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả, vẫn thấp hơn tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, vì vậy mức tăng mạnh từ các thị trường này vẫn chưa bù đắp được mức giảm từ thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên đây cũng là tín hiệu khả quan khi thị trường xuất khẩu truyền thống đối với mặt hàng rau quả của Việt Nam là Trung Quốc đang giảm nhập khẩu mặt hàng này.
Ngoài ra, còn có những tín hiệu khả quan từ các thị trường nhập khẩu hàng rau quả của Việt Nam. Trong đó, Thái Lan là thị trường xuất khẩu hàng rau quả lớn, nhưng Thái Lan cũng được xem như là trung tâm chế biến của khu vực Đông Nam Á.
Vì vậy, nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả của Thái Lan rất lớn để đa dạng hóa nguồn nguyên liệu chế biến, trong đó Việt Nam là thị trường rau quả mà Thái Lan đang rất quan tâm.
Còn theo Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, quy mô thị trường rộng lớn và nhu cầu theo mùa của EU chính là thị trường hấp dẫn cho các nhà cung cấp ở các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, họ thường tìm kiếm các nhà cung cấp đáng tin cậy trong các khu vực chiến lược để có thể cung cấp trái cây và rau quả cho người tiêu dùng bất kỳ lúc nào trong năm. Những loại trái cây nhiệt đới và mới lạ sẽ thu hút người tiêu dùng EU. Điều này sẽ là một thế mạnh cho các nhà xuất khẩu từ các quốc gia có khí hậu phù hợp, trong đó có Việt Nam.