Mặc dù không phải là sản phẩm chủ lực của địa phương, nhưng nhiều năm nay, bí đỏ được bà con xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên trồng với diện tích tương đối lớn. Những vụ trước, bí đỏ có giá bán khoảng 8.000 - 9.000 đồng/kg, nhờ đó nhiều gia đình phất lên trông thấy. Thậm chí có nhiều hộ sắm ô tô nhờ được mùa bí đỏ.
Vụ năm nay, sản lượng bí đỏ ở đây chỉ đạt khoảng 300 tấn, giảm 50% so với năm trước. Bí đỏ không những mất mùa, mà còn rớt giá chưa từng có, chỉ còn khoảng 1.000 - 2.000 đồng/kg.
Ông Tạ Đăng Toàn (xóm Mỏ Đinh, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) cho biết: "Gia đình tôi đã thu hoạch và bán một phần rồi, nhưng giá rẻ lắm, chỉ từ 1.200 – 1.300 đồng/kg thôi. Còn khoảng 1 tấn quả ngoài bãi nữa, nhưng bỏ để làm phân cho tốt đất thôi. Giờ thu về không bán được, lại mất tiền thuê người hái thì lỗ vốn to. Chỗ nào đã thu hoạch mà không bán được, tôi để cho cá ăn dần, còn hơn là đổ bỏ đi".
Anh Tạ Văn Phước (xóm Thắng Lợi, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) là một trong những hộ trồng bí đỏ nhiều nhất trong vùng. Anh cho biết, năm nay gia đình anh thu hoạch được gần 30 tấn bí đỏ. Vừa rồi, anh chở đi Hà Nội gần chục tấn bán với giá 2.000 đồng/kg để người ta chăn lợn.
"Còn gần hai chục tấn nữa, rẻ cũng đành phải bán vì được ít nào hay ít đấy, ít ra còn có tiền để bù vào phần vốn đã bỏ ra", anh Phước nói.
Anh Phước cho biết thêm, những năm trước, cứ đến vụ thu hoạch là thương lái ở các tỉnh đổ xô về mua bí đỏ. Vậy nhưng năm nay, rất ít thương lái về đây thu mua bí đỏ của bà con.
Bà Thơm, một người thu mua bí đỏ lâu năm cho biết: "Giá bí đỏ năm nay quá rẻ so với mọi năm, có thể là do dịch Covid-19 nên Trung Quốc không nhập nữa. Năm ngoái, tôi thu mua được khoảng trên 100 tấn với giá cao nhất 9.200 đồng/kg, năm nay rẻ nhất chỉ có 1.000 đồng/kg. Đến thời điểm này tôi mới chỉ thu mua được khoảng 40 tấn, còn một phần vẫn chưa thu về".
Ông Phạm Việt Tiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai cho biết, ở vùng Đông Bo này, bí cô tiên là sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường nhiều năm. Tuy nhiên, bí chỉ mới được trồng ở phạm vi nhỏ, huyện chưa xác định là sản phẩm chủ lực.
Mọi năm, thương lái từ nhiều tỉnh, thành đều đến đây thu mua bí để xuất khẩu, nhưng năm nay thị trường đã bị thu hẹp lại. Ngoài ra, do nhiều tỉnh thành khác đã sản xuất được loại bí này nên giá cũng tụt so với mọi năm.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai, để các sản phẩm nông nghiệp phát triển bền vững, việc quan trọng là phải dán tem truy xuất nguồn gốc để sản phẩm có thể đi vào các siêu thị trên địa bàn cả nước. Các cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc, người dân phải cùng nhau đồng hành, tránh tình trạng mạnh ai người nấy làm.