Trong suốt cả buổi sáng trò chuyện cùng các CCB đồng đội của Nguyễn Văn Hiệu, tôi để ý có một người đàn ông trạc hơn 60 tuổi, tầm thước và nhỏ nhẹ, đôi mắt đượm buồn, cứ ngồi lặng lẽ lắng nghe, tay run run nắm chặt tay người con trai của ông Hiệu.
Thì ra ông là Thẩm Hồng Lăng, người cuối cùng rời khỏi tàu 645, người lính cuối cùng mà ông Hiệu vĩnh biệt trước khi hy sinh.
Ông Lăng người quê Nam Định, sinh năm 1947, là lái tàu chính của tàu 645. Cuộc "sinh tử biệt ly" của ông Lăng với người Chính trị viên của mình, nghe ông kể lại, thật kỳ vĩ và cảm động.
Tàu 645 do Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu và Thuyền trưởng Lê Hà (quê Bà Rịa - Vũng Tàu) chỉ huy, trên tàu có tất cả 21 cán bộ, chiến sĩ. Tàu đã 2 lần nhổ neo ra đi, song bị tàu địch kèm chặt, nên đành quay lại.
Tối ngày 12/4/1972, tàu ra khơi lần thứ 3. Sau nhiều ngày đêm vượt qua sóng to gió lớn, vòng lên vùng biển phía trên đảo Hải Nam, rồi vòng xa ra thuộc hải phận quốc tế ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ, từ đó xuôi vào phía Nam Việt Nam.
Ngày 22 và 23/4/1972, tàu 645 tới vùng biển Phú Quốc, sau đó lại chuyển hướng về bến phía đảo Cô Công (Campuchia), cách Phú Quốc chừng 60 hải lý với ý định chờ tối sẽ vào.
14h ngày 23/4, tàu nhận được điện của Sở chỉ huy báo cho biết, đêm nay sẽ có thuyền đón ở mũi Cà Mau. Nhưng 17h lại điện: "Bến động". Tàu quay ra hải phận quốc tế. 19h ngày 23/4, xuất hiện một tàu khu trục địch từ Vịnh Thái Lan đi tới. Nó rọi đèn pha sáng rực, đánh tín hiệu hỏi tàu từ đâu đến và đi đâu.
Tàu 645 trả lời: "Tàu từ Trung Quốc xuống, bị lạc". Địch phát tín hiệu dừng tàu. Tàu 645 lập tức tăng tốc nhằm chạy ra hướng biển Đông thoát khỏi tầm truy đuổi của địch. Lập tức địch gọi máy bay bắn pháo sáng. Trong ánh pháo sáng chói lòa, tàu 645 đã nhìn rõ phía trước có 3 tàu địch.
Tàu 645 vẫn giữ tốc độ đi ra vùng biển quốc tế. Chiếc khu trục 04 của Mỹ - ngụy bám rất sát tàu ta. Ý đồ của địch là bắt sống tàu 645. Đôi bên vờn nhau đến 5 giờ sáng ngày 24/4. 7h45, trời biển sáng rõ, quan sát bằng mắt, địch đã xác định được rằng đây là tàu "Bắc Việt giả dạng", chúng lập tức dùng loa dụ hàng.
Anh em ta trên tàu lờ đi, như thể không rõ chúng nói gì. Thấy gọi hàng không kết quả, địch nổ súng bắn uy hiếp, đạn các cỡ chi chít rơi trước mũi tàu 645. Vẫn không ép được tàu 645 dừng lại, địch bắt đầu bắn nhiều loạt đạn liên thanh 14 ly 5 thẳng vào tàu ta, gây thương vong cho một số thủy thủ. Rồi một số quả đạn pháo lớn của địch bắn làm tàu ta thủng lỗ chỗ.
Trước tình thế đó, Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu quyết định nổ súng chống trả quyết liệt. Các loại súng B40, B41, 12 ly 8 của ta hướng nòng về phía tàu địch đồng loạt nhả đạn... Lúc này địch tập trung hỏa lực đánh trả rất ác liệt. Các thủy thủ San, Lân, Giang, Thẻ lần lượt trúng đạn và hy sinh. Một số anh em khác bị thương. 9h sáng ngày 24/4, tàu ta vừa cơ động ra xa, vừa đánh trả quyết liệt.
Khoảng 11h, một quả đạn lớn trúng vào xích lái, tàu ta không còn điều khiển được, bắt đầu chạy vòng tròn. Khi biết tàu hỏng lái không thể cơ động được nữa, Nguyễn Văn Hiệu đề nghị Thuyền trưởng Lê Hà và ra lệnh cho anh em khoác áo phao nhảy xuống biển bơi vào bờ nhằm bảo toàn lực lượng, còn anh xin ở lại điểm hỏa bộc phá hủy tàu phi tang vũ khí hàng hóa (chuyến ấy tàu 645 chở 70 tấn đạn cối cá nhân và 1 tấn thuốc nổ TNT cùng hàng hóa khác).
Lái tàu Thẩm Hồng Lăng và Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu có ý sẽ rời tàu cuối cùng. Khi anh em đã xuống nước, hai anh còn nán lại thu tập tài liệu để hủy. Khi 2 anh đã khoác áo phao định xuống nước, thì phát hiện một tình huống vô cùng nguy hiểm: phía dưới biển gần tàu, anh em thủy thủ phần lớn đều bị thương, nên phải cụm lại một khối dìu nhau mà bơi, tất cả là 15 người, trừ 4 người đã hy sinh nằm lại trên tàu.
Chiếc tàu thì mất lái, cứ chạy vòng tròn, do vậy có lúc gần anh em thủy thủ, lúc lại ở xa. Chính vì vậy Nguyễn Văn Hiệu quyết định không rời tàu. Anh sợ khi tàu gần anh em rồi nổ, tính mạng 16 người sẽ hết sức nguy hiểm. Phải cho tàu nổ lúc ở vị trí xa đồng đội của mình nhất! Dưới biển, anh em đang cố nán lại đợi Hiệu.
Trên tàu, Thẩm Hồng Lăng cũng nấn ná, đòi cùng ở lại điểm hỏa với Hiệu. Ánh mắt người chính trị viên vốn bình thường đầy nghiêm khắc, sao lúc này bỗng dịu dàng thân thương đến lạ kỳ.
Anh nói với Lăng, nửa như ra lệnh, nửa như khẩn khoản: "Em còn trẻ, còn cống hiến được lâu, được nhiều hơn anh... Với lại, anh đã có vợ con, em thì chưa kịp có người yêu, thôi Lăng nhảy xuống biển bơi cùng anh em đi...".
Ứa nước mắt thương người anh, người chính trị viên của mình, nhưng Lăng vẫn quyết không rời tàu, không muốn để anh Hiệu một mình ra đi, vẫn vờ như không nghe thấy, cứ lúi húi ngồi đốt hủy tài liệu trên boong tàu. Nói nhỏ không được, anh Hiệu quát to: "Đồng chí về báo cáo với Đoàn là tôi đã hoàn thành nhiệm vụ và cho tôi gửi tới anh em lời chào chiến thắng", rồi bất ngờ anh lao tới đẩy Lăng xuống biển.
Chới với giây lát, từ dưới biển nhìn lên, Lăng vẫn thấy rõ anh Hiệu đang quay lưng lại, chậm rãi bước về phía cột cờ, nơi cao nhất của con tàu, nơi để đoạn dây điện nối với kíp điểm hỏa bộc phá. Khi Lăng đã nhập được vào gần tốp anh em bơi trên biển, khi vị trí con tàu ở xa đồng đội nhất, Nguyễn Văn Hiệu cho nổ tàu.
Một ánh chớp lóe lên, kế đó là một tiếng nổ cực mạnh, một cột lửa đỏ cùng với cột sóng cao hàng chục mét dựng lên giữa biển xanh. Những mảnh vỡ của con tàu văng tung tóe sang cả chiếc khu trục của địch đang hằm hè gần đó làm bọn địch trên tàu kinh hồn bạt vía. Tàu 645 và người Trung úy Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu đã ra đi như thế.
Lúc đó là 11h30 ngày 24/4/1972. Thẩm Hồng Lăng cùng 15 thủy thủ còn lại của tàu 645 sau đó đều bị địch dùng trực thăng và tàu quây bắt trên biển, rồi người thì bị đưa về Sài Gòn giam ở Chí Hòa, người thì bị giam ngay tại nhà tù Phú Quốc. Năm 1973, sau Hiệp định Paris, 16 anh được trao trả.
Chia tay những người đồng đội của Nguyễn Văn Hiệu, tôi bỗng dưng không muốn trở lại phố phường ồn ã náo nhiệt mà muốn ra với biển. Người chở tôi ra biển chiều nay là Tuấn, cháu gọi liệt sĩ Nguyễn Văn Hiệu là ông ngoại. Tuấn mới gần 30 tuổi, cao ráo đẹp trai, ăn nói lễ phép, một vợ một con, tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội, giờ về Hải Phòng làm doanh nghiệp cùng bố mẹ vợ. Nói chung Tuấn là một thanh niên thành đạt.
Vừa lái xe, Tuấn vừa kể cho tôi nghe về cuộc tìm kiếm hài cốt ông ngoại hồi tháng 3 vừa rồi. Tuấn bảo có lẽ ông cháu phù hộ cho cháu lắm, nên chính cháu đã gặp được các cô chú ở Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA ở Hà Nội, rồi được các nhà ngoại cảm ở đấy chỉ dẫn, tìm đến tận nơi xác ông cháu theo gió mùa Tây Nam năm ấy trôi dạt vào bờ đảo Phú Quốc, tấp vào một gốc cây dương ngay bãi cát ven bờ biển.
Xác ông cháu nằm lại dưới gốc dương đó suốt 37 năm, cát vùi lấp năm này qua năm khác sâu tới gần 6 mét. "Tàu nổ tung, sao còn xác hả Tuấn?" - tôi lục vấn. Tuấn bảo: "Không, không phải xác, cháu dùng sai từ, mà là hài cốt chú ạ. Mà cũng chỉ có một số phần xương thôi, gồm xương sọ một ít, xương vai một ít, nhiều nhất là đoạn xương hông...".
"Làm sao biết đó là hài cốt của ông cháu?". "Cháu đã nhờ giám định xương cẩn thận rồi, cả theo cách khoa học và theo mẹo tâm linh, lại được các chú bên Vùng 5 Hải quân giúp đỡ gia đình cháu vô cùng chu đáo trong việc đào bới tìm hài cốt, trong việc chuyển hài cốt đưa về nghĩa trang liệt sĩ ngoài Hải Phòng này. Có ngày cả một đại đội hải quân Vùng 5 cùng máy xúc làm việc cật lực bên bãi cát chú ạ. Công phu lắm, tận tình lắm, "nghĩa tử nghĩa tận" là thế chú nhỉ?".
Tôi khẽ khàng với Tuấn: "Tình đồng đội nữa cháu ạ...". Tôi không nỡ tranh luận nhiều với Tuấn. Cháu còn quá trẻ. Khi ông cháu ra trận và hy sinh, cháu còn chưa ra đời. Trọn vẹn một thế hệ đã qua rồi. Nhanh như cánh hải âu vụt liệng qua bến cảng...
Ngược chiều với xe chúng tôi, thỉnh thoảng lướt qua dăm ba chiếc xe "siêu hạng" bóng lộn chở những "tay chơi" từ Casino Đồ Sơn trở về sau một cuộc đỏ đen. Tiếng chát xình rốc ráp mê tan từ xe ngược chiều mở hết cỡ át cả tiếng CD "Có một bài ca không bao giờ quên" trên xe Tuấn. Họ vừa thắng hay thua trên casino, nào ai hay?!
Liệu họ có biết, ngay dưới chân ngọn núi có sòng bạc ấy, ngay nơi bãi biển Đồ Sơn đó, 50 năm trước, là bến xuất quân của Đoàn tàu không số, là nơi ra đi và mãi mãi không về của Nguyễn Văn Hiệu và hàng trăm đồng đội của anh.
Mà sao Hải Phòng không đặt tên họ cho những con đường ven biển Đồ Sơn này nhỉ? Và cả trong Quảng Nam quê anh nữa chứ? Nếu có, chắc chắn sẽ có con đường mang tên Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Phan Vinh và những anh hùng liệt sĩ khác đã từ bãi biển này ra khơi để đi vào bất tử?
Chiều nay mưa vẫn nặng hạt, biển vì thế vắng tanh vắng ngắt. Bến Nghiêng ngoài bãi 2 Đồ Sơn không một bóng người, như thâm nghiêm hơn, hùng vĩ hơn, như là để sừng sững hơn bên doi cát đằng kia, tấm bia tưởng niệm, bức tượng đài ghi công những người thủy thủ anh hùng của đoàn tàu không số.
Chợt nhớ lời chiến sĩ lái tàu 645 Thẩm Hồng Lăng lúc chia tay tôi: "Làm sao quên được phút vĩnh biệt người đồng đội, người chỉ huy của mình. Tôi nhớ lắm bóng hình anh Hiệu, dáng cao gầy mảnh dẻ, vời vợi trên boong tàu giữa trùng khơi, hai tay nắm chặt 2 đầu đoạn dây điện kết nối với khối thuốc nổ hơn 70 tấn chở trên tàu và cho chập nổ con tàu để khỏi rơi vào tay giặc...".
Lại nhớ lời người thủy thủ thương binh Lưu Công Hào nói với tôi lúc ở Hải Phòng: "Tôi bị thương khi tàu số 43 của chúng tôi đụng tàu địch ở vùng biển Quảng Ngãi tháng 2/1968. Cuộc chiến không cân sức với tàu Hạm đội 7, chúng tôi đành cho tàu nổ. Tôi bơi 5km vào bờ, rồi được du kích vớt lên, đưa về điều trị tại chính Trạm xá của chị Đặng Thùy Trâm tại Đức Phổ suốt trọn một tháng. Cả tháng ấy, bác sĩ Trâm trực tiếp điều trị cho tôi. Khi ấy tôi 21 tuổi, kém chị Trâm 4 tuổi".
Có những buổi trưa, chị ôm Hào vỗ về như với thằng em trai, Hào gục đầu vào vai chị, nghe chị hát những bản tình ca của các cô gái thời ấy thường ưa thích, cho dịu đi nỗi đau vết thương chiến tranh. Chị Trâm còn muốn "làm mối" Hào cho em gái chị nữa.
Giữa bom rơi đạn réo, giữa gian khổ hiểm nguy, người con gái Hà Nội ấy, người bác sĩ trẻ ấy vẫn hát tình ca, vẫn ghi nhật ký, vẫn học ngoại ngữ, vẫn mong kết nối những mối tình ngoài việc chữa lành những vết thương...
Giống như Nguyễn Văn Hiệu, như chị Đặng Thuỳ Trâm, bao người lính khác trong cuộc chiến tranh giữ nước đã đối diện với cái chết sao mà bình thản, đã dám hy sinh sao mà nhẹ nhàng đến thế. Họ không chỉ là những anh hùng, họ là những vị thánh anh ạ...".
Đã hoàng hôn của một ngày. Biển lại dâng thủy triều. Dưới ngọn thủy triều kia là những con sóng ngầm, dưới những con sóng ngầm là đáy biển, là cát, dưới lớp cát trắng phau kia có những trái tim thắm đỏ đã hóa ngọc của bao liệt sĩ còn nằm dưới đó mãi không về.
Họ đã hóa trầm tích giữa biển khơi, hay đã hóa rong rêu huyền thoại?
Không, họ vẫn mãi là NGỌN HẢI ĐĂNG, sừng sững rọi soi mọi cuộc chinh chiến, mọi cuộc bể dâu của đất nước này...