Trưa 27/7, trao đổi với PV Dân Việt, TS Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) cho biết, tại Việt Nam vừa xảy ra trận động đất liên tiếp tại tỉnh Sơn La với cường độ lớn.
Cụ thể, trận động đất có độ lớn 5.3 độ richter xảy ra vào lúc 12h14 ngày 27/7, tại tọa độ 20.83N-104.65E; độ sâu chấn tiêu khoảng 14km; cấp độ rủi ro thiên tai của trận động đất này được xếp vào cấp 4 ở vùng chấn tâm.
Cùng đó, vào lúc 12h39, một trận động đất có độ lớn 3.0 độ richter cũng xảy ra ở Mộc Châu (Sơn La) tại tọa độ 20.907N-104683E với độ sâu khoảng 10km.
"Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu) vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này" - TS Nguyễn Xuân Anh thông tin thêm.
Trong một diễn biến liên quan, tại tỉnh Hòa Bình, vào khoảng 12h20 ngày 27/7 cũng đã xảy ra động đất mạnh 5.3 độ, rung chấn lan đến Hà Nội khiến những nhà cao tầng rung lắc trong khoảng 10 giây.
Lãnh đạo Viện Vật lý địa cầu cho biết, tâm chấn cách trung tâm Hà Nội 60-70 km. Đơn vị đang xác định độ sâu chấn tiêu và ghi nhận rung chấn tiếp theo.
Trước đó, tại Mường Tè (Lai Châu) cũng liên tiếp xảy ra nhiều trận động đất, trong đó trận động đất vào 13h12 phút 26 giây ngày 16/6/2020 có độ lớn 4,9 độ khiến Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần phát cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 quanh khu vực tâm chấn và cấp 3 tại khu vực lân cận.
Trước tình hình trên, TS Nguyễn Xuân Anh cho hay, Viện Vật lý địa cầu đã nghiên cứu các hoạt động động đất ở Việt Nam. Các nghiên cứu cho thấy, tại khu vực Tây Bắc hoạt động động đất mạnh nhất ở Việt Nam và thường xuyên xảy ra động đất. Do đó việc xảy ra động đất liên tục như vừa rồi là bình thường khi tích lũy năng lượng đủ lớn".
"Trong những nghiên cứu của chúng tôi đánh giá, trong tương lai khu vực Tây Bắc vẫn có thể xảy ra những trận động đất có độ lớn tương tự và những rung động trên nền xảy ra ở những khu vực tâm chấn có thể ở cấp 8, cấp 9" - TS Nguyễn Xuân Anh nói.
Theo TS Nguyễn Xuân Anh, trong các động đất có cường độ cấp 8, cấp 9, người dân rất dễ dàng cảm nhận rung lắc và sợ hãi.
"Nếu xảy ra động đất cấp 8, cấp 9 thì các công trình xây dựng ở các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc mặc dù kháng chấn thì vẫn có thể bị thiệt hại và mức độ ảnh hưởng tương đối nặng... Động đất cấp 9 sẽ gây hư hại hoàn toàn nhà cửa, nền đất có thể bị nứt rộng 10cm, còn cấp 8 sẽ phá hoại nhà cửa..." - ông Xuân Anh thông tin.
Được biết, trong lịch sử khu vực Tây Bắc đã xảy ra một trận động đất mạnh. Hai trận động đất tại Điện Biên năm 1935 mạnh 6.7 độ richter, Tuần Giáo năm 1983 mạnh 6.8 độ richter đã gây ra những rung động trên bề mặt biên độ cấp 8, cấp 9.
Để chủ động phòng ngừa, ứng phó, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu đề nghị các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc phải thực hiện đúng các quy chế kháng chấn, quy chế phòng chống động đất của Chính phủ. Hàng năm phải rà soát lại các công trình xây dựng nhà cửa cũng như phải học các cách phòng chống động đất...
"Chúng ta cần phải chủ động phòng chống, vì trong quá khứ đã từng xảy ra trường hợp tương tự rồi. Đặc biệt, khu vực Đông Bắc, Tây Bắc phải thực hiện đúng các quy chế chính phủ ban hành và quy chế để phòng chống động đất" - ông Xuân Anh nhấn mạnh.