Từ khi được tỉnh Hà Giang phê duyệt Đề án xây dựng Làng Văn hóa du lịch (VHDL) gắn với xây dựng NTM trên địa bàn, Phương Độ đã khoác lên mình diện mạo mới…
Cùng với triển khai đề án xây dựng Làng VHDL, nhận thức được giá trị và tầm quan trọng của văn hóa bản địa, những năm qua, xã Phương Độ đã đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng. Chính quyền và nhân dân Phương Độ đều xem đây là điểm nhấn để phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng NTM của tỉnh Hà Giang.
Thôn đổi thay, người dân đổi đời
Từ đề án và mong muốn đến thực tế, đã cho thấy phát triển du lịch cộng đồng ở Phương Độ là một trong những giải pháp đã góp phần hiệu quả trong xây dựng NTM, thúc đẩy nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Bà Nguyễn Thị Hà (thôn Hạ Thành) - một trong những hộ dân tham gia mô hình du lịch cộng đồng, chia sẻ: "Trước thu nhập của gia đình tôi rất bấp bênh, chủ yếu dựa vào sản xuất nông lâm nghiệp. Từ khi tham gia mô hình du lịch văn hóa cộng đồng, nhà tôi đầu tư sửa sang lại nhà cửa, làm dịch vụ homestay, bình quân mỗi năm gia đình đón gần 200 đoàn khách, doanh thu cũng đạt 500 triệu đồng".
Thời gian qua, xã Phương Độ tập trung đầu tư, xây dựng các điểm du lịch cộng đồng. Hai thôn Tha và Hạ Thành được xây dựng thành Làng văn hóa du lịch tiêu biểu. Các thôn này không chỉ đạt các tiêu chí của xã NTM mà còn đáp ứng 10 tiêu chí theo Tuyên bố Panhou do UBND tỉnh đưa ra (các tiêu chí này bao trùm nhiều khía cạnh của đời sống xã hội).
Đến Phương Độ bây giờ, du khách không chỉ được tìm hiểu, học hỏi, tham gia nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Tày, Dao… từ ca, múa, nhạc, đến các lễ hội, mà còn được trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của bà con các dân tộc với những nét độc đáo, hấp dẫn, riêng có.
Ông Nguyễn Văn Thiêm - Trưởng thôn Hạ Thành cho hay: Phát triển du lịch cộng đồng ở thôn không những giúp nâng cao thu nhập cho người dân mà còn giúp địa phương lưu giữ phong tục tập quán, trò chơi dân gian, nghề truyền thống...
Ông Thiêm chia sẻ, từ năm 2017, khi Hạ Thành được UBND tỉnh công nhận Làng VHDL tiêu biểu gắn với xây dựng NTM, đời sống nhân dân trong thôn đã có sự đổi thay mạnh mẽ. Toàn thôn hiện có 7 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay đạt tiêu chuẩn theo quy định. Lễ hội Lẩu Then được khôi phục và phát triển. Thôn cũng đã thành lập đội nghệ nhân dân gian và đội văn nghệ quần chúng hoạt động hiệu quả với trên 40 người tham gia.
Việc phát triển văn hóa du lịch đã tạo động lực để các mô hình làm ăn kinh tế như: Nuôi cá bỗng, vịt làng, sản xuất gạo nếp cái, đan lát, làm bún, làm bánh chưng gù… cũng ngày càng được khôi phục, phát triển và giúp người dân tăng thu nhập.
Sau một thời gian hoạt động, mô hình Làng VHDL tiêu biểu gắn với xây dựng NTM thôn Hạ Thành đã góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, thu hút hàng trăm nhân khẩu trực tiếp tham gia vào các hoạt động dịch vụ du lịch; đóng góp tỷ lệ cao lao động trực tiếp tham gia phát triển kinh tế - xã hội của xã Phương Độ.
Tăng nhận thức, tích cực hành động
Theo ông Bùi Đức Định – Chủ tịch UBND xã Phương Độ: Để có hướng đi đúng trong việc phát triển du lịch gắn với xây dựng NTM, UBND xã đã chủ động đánh giá tiềm năng, lợi thế của mình, từ đó đề ra kế hoạch phù hợp; huy động sự vào cuộc của các chuyên gia, các đơn vị lữ hành; đồng thời tập trung phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng và dịch vụ phụ trợ; tăng cường công tác truyền thông quảng bá, xây dựng hình ảnh…
"Từ khi tham gia mô hình du lịch văn hóa cộng đồng, nhà tôi đầu tư sửa sang lại nhà cửa, làm dịch vụ homestay, bình quân mỗi năm gia đình đón hơn 200 đoàn khách, doanh thu cũng đạt 500 triệu đồng"
bà Nguyễn Thị Hà (thôn Hạ Thành)
Cụ thể hơn, chính quyền và người dân đã cùng chung tay tạo lập bức tranh du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách bằng việc giữ gìn cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp; khôi phục và phát huy nghề truyền thống; nhà lưu trú được thiết kế theo kiến trúc truyền thống, đảm bảo điều kiện phục vụ khách lưu trú; hoạt động văn hóa và Hội Nghệ nhân dân gian tái hiện những nét văn hóa đặc trưng hấp dẫn; công tác đảm bảo an ninh, trật tự được giữ vững…
Không dừng lại ở đó, chính quyền xã đã cùng các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch cộng động tìm kiếm và mời gọi, hợp tác với các công ty du lịch lữ hành tại Hà Nội, TP.HCM… để đưa du khách du lịch đến với Hà Giang, đến với Phương Độ.
Nhờ làm tốt công tác xây dựng hạ tầng, sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến và kết nối làm du lịch, hàng năm lượng khách đến tham quan và lưu trú tại Phương Độ tăng đáng kể.
Việc khai thác, phát huy di sản văn hóa, sinh thái và nghề truyền thống đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, giúp người dân từng bước thay đổi nhận thức.
Điều đó góp phần hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới ở Phương Độ nói riêng và đóng góp cho công cuộc xây dựng NTM của tỉnh Hà Giang nói chung" – ông Bùi Đức Định khẳng định.