Dân Việt

Hơn 30 dư chấn sau trận động đất ở Sơn La: Làm rõ phạm vi ảnh hưởng để chủ động ứng phó

Khương Lực 30/07/2020 06:00 GMT+7
Trận động đất với độ lớn 5.3 tại Mộc Châu, Sơn La ngày 27/7 đã tạo ra hơn 30 dư chấn, trong đó có 16 trận dư chấn lớn (trên 2.5).

Dự báo, trong vài ngày tới sẽ tiếp tục xảy ra dư chấn và sẽ giảm dần. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm rõ phạm vi ảnh hưởng từ vùng tâm chấn động đất để có biện pháp rà soát, đánh giá và đưa ra giải pháp ứng phó phù hợp.

Ngày 29/7, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã họp bàn với các bộ, ngành liên quan về vấn đề đảm bảo an toàn hồ đập và các công trình sau trận động đất với độ lớn 5.3 tại Mộc Châu, Sơn La ngày 27/7.

Làm rõ phạm vi ảnh hưởng

Hơn 30 dư chấn sau trận động đất ở Sơn La: Làm rõ phạm vi ảnh hưởng để chủ động ứng phó - Ảnh 1.

Hơn 30 dư chấn sau trận động đất ở Sơn La: Làm rõ phạm vi ảnh hưởng để chủ động ứng phó - Ảnh 2.

Động đất gây hư hại nhà dân ở Mộc Châu, Sơn La. Ảnh: T.L

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ đầu tháng 8 có một đợt mưa lớn ở khu vực miền núi phía Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên. Trên Biển Đông cũng đang xuất hiện tình huống nguy hiểm, có thể hình thành áp thấp nhiệt đới ở khu vực gần Philippines. Và Lào cũng đang có hình thái gây mưa lớn, có thể tác động đến dòng chảy phía Việt Nam.

Ông Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết: Sau trận động đất, Viện Vật lý địa cầu đã quan trắc hiện tượng và thấy xảy ra 16 trận dư chấn lớn hơn 2.5 và 10-15 dư chấn nhỏ hơn 2.5. "Với trận động đất như vậy, trong vài ngày tới sẽ tiếp tục có những trận dư chấn và sẽ giảm dần. Đây là việc bình thường" - ông Anh nói.

Trận động đất lớn 5.3 với mức độ rủi ro thiên tai cấp 4 này có khả năng gây thiệt hại với các công trình xây dựng kém và tại Hà Nội người dân có thể cảm nhận được. Theo ông Anh, tại Tây Bắc, trên đới đứt gãy Sông Mã cũng đã từng xảy ra động đất với cường độ mạnh, đặc biệt là trận động đất tại Điện Biên năm 1935 và Tuần Giáo năm 1983 với độ lớn 6.7 - 6.8. Vì thế, đối với khu vực này, rất cần thiết có kế hoạch căn cơ, lâu dài để phòng chống động đất.

"Động đất là hiện tượng phức tạp, có nhiều tính chất phi tuyến nên cần tiếp tục theo dõi và có gì bất thường sẽ phối hợp với các cơ quan ban ngành để xử lý. "Đối với khu vực xảy ra động đất, đặc biệt khu vực Tây Bắc, đầu tiên phải rà soát những công trình kháng chấn yếu thì phải được gia cố. Trong tương lai, đối với khu vực đó phải rà soát công tác kháng chấn cho những công trình để có những trận động đất mạnh xảy ra thì có thể gây ảnh hưởng thì thực hiện tốt công tác kháng chấn cho công trình" - ông Anh lưu ý.

Hơn 30 dư chấn sau trận động đất ở Sơn La: Làm rõ phạm vi ảnh hưởng để chủ động ứng phó - Ảnh 4.

Tính đến 16 giờ ngày 28/7, theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La, động đất đã gây thiệt hại 4 trụ sở làm việc của UBND xã, 8 nhà văn hóa, 3 trạm y tế, 1 trụ sở làm việc công an xã và 288 nhà dân bị lún, nứt tường.

Tính đến 16 giờ ngày 28/7, theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La, động đất đã gây thiệt hại 4 trụ sở làm việc của UBND xã, 8 nhà văn hóa, 3 trạm y tế, 1 trụ sở làm việc công an xã và 288 nhà dân bị lún, nứt tường.

Nói về ảnh hưởng của trận động đất, ông Vũ Xuân Thành – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho rằng, trận động đất với độ lớn 5.3 ở Mộc Châu là trận động đất lớn nhất khu vực này từ trước đến nay. Trước đó, khu vực này đã có 2 lần xảy ra động đất vào năm 1943 độ lớn là 4.8 và năm 1993 độ lớn là 4.2.

Tuy nhiên, vấn đề ông Thành quan tâm là phạm vi ảnh hưởng nguy hiểm từ vùng tâm chấn. Vì thế, ông mong trong thời gian tới, Viện Vật lý địa cầu có thể cung cấp dữ liệu về vấn đề này.

Hồ đập, công trình lớn vẫn an toàn

Theo Bộ Công Thương, đến nay các công trình công nghiệp, hầm mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn các tỉnh Sơn La, Hòa Bình và Điện Biên không có thiệt hại nghiêm trọng gì và vẫn tổ chức vận hành hoạt động bình thường.

Ông Ngô Sơn - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, các Công ty điện lực Hòa Bình, Sơn La, Bản Trát, Lai Châu đã kiểm tra các công trình hồ đập, các công trình chính và cập nhật thông tin cho ban thường trực của Tập đoàn. Các công trình trên vẫn đảm bảo an toàn và vận hành bình thường. "Thời gian tới chúng tôi tiếp tục phân tích các số liệu quan trắc và thuê các đơn vị tư vấn chuyên ngành để đánh giá kỹ hơn" - ông Hải nói.

Liên quan tới vấn đề này, ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết: "Các hồ chứa mà nhà nước đầu tư trong những năm qua như hồ Hòa Bình, hồ Sơn La được thiết kế chống chịu động đất ở mức cao hơn rất nhiều so với các trận động đất đã từng xảy ra tại Việt Nam. Do đó, chúng ta hoàn toàn yên tâm về độ an toàn của các công trình này. Tuy nhiên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn cần phối hợp với các đơn vị liên quan để đánh giá lại chất lượng các công trình đặc biệt quan trọng này".

Đối với các hồ chứa thủy lợi, theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT), trong phạm vi ảnh hưởng của trận động đất ngày 27/7 có 560 hồ chứa, các hồ chứa vẫn đang hoạt động bình thường, với dung tích trữ nước thấp. Chỉ có một số hồ ở Tuyên Quang như Bài Sơn, Hầu Lầy... đang tích nước đạt dung tích 100%. Tổng cục Thủy lợi đã chỉ đạo các đơn vị khai thác công trình chủ động xả nước để đảm bảo tuyệt đối cho công trình.

Để chủ động ứng phó với với tác động của trận động đất, ông Trần Quang Hoài chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các địa phương bị ảnh hưởng nặng đến tận nơi kiểm tra, nhất là các công trình trường học, trụ sở và nhà dân đã bị lún, nứt để đảm bảo an toàn.

TS Nguyễn Xuân Anh -Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu: Rất khó dự báo thời điểm xảy ra động đất

Trên đới đứt gãy sông Đà, động đất lớn nhất dự báo là mạnh 5.5. Vừa rồi xảy ra trận động đất tại Mộc Châu, Sơn La với độ lớn 5.3, như vậy vẫn nằm trong mức dự báo đã được đưa ra.

Về khả năng dự báo thời điểm xảy ra động đất là rất khó, bởi ngay cả Nhật Bản hoặc các nước tiên tiến cũng không thể dự báo được. Dù vậy, với công nghệ mới nhất hiện nay, tùy vào khoảng cách mà chúng ta có thể dự báo trước được mấy chục giây hoặc vài giây.

Với vài giây đó, Nhật Bản họ dùng để dừng hoạt động metro, hoặc dừng các công trình kỹ thuật, cảnh báo cho người dân trước vài giây như vậy, thì người dân sẽ chủ động phòng tránh...

Trong lúc động đất cần làm gì?

Nếu động đất xảy ra trong lúc trong nhà nên chui xuống gầm bàn. Tìm góc phòng để đứng. Tránh cửa kính. Tránh xa những vật có thể rơi xuống. Che mặt và đầu bằng sách, báo để khỏi bị các mảnh vụn trúng.

Trong các tòa nhà cao tầng: Tuyệt đối không được dùng thang máy vì khi có động đất thì hay kèm theo mất điện và nếu dùng thang máy thì sẽ bị kẹt. Cũng không được dùng thang bộ. Nên tránh xa các khu vực có cửa kính, đèn điện treo.

Ngoài đường: Tránh xa các tòa nhà và dây điện. Tìm chỗ trống để đứng.