Thiên tai năm 2020 khốc liệt, khó lường
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, năm 2020, được nhận định là một trong những năm nóng hơn trung bình, kéo dài số năm nóng nhất liên tiếp thêm ít nhất 1 năm nữa. Nhiệt độ tăng cao sẽ kéo theo tính bất ổn định cao của khí quyển trên quy mô toàn cầu, khu vực. Đây là dấu hiệu cho thấy khả năng thiên tai KTTV năm 2020 sẽ khốc liệt, phức tạp, khó lường.
Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường chia sẻ cơ sở dữ liệu về cơ sở hạ tầng, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, địa chất, quy hoạch… để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo tác động của thiên tai, đặc biệt lũ quét, sạt lở đất.
"Đài KTTV khu vực đồng bằng Bắc Bộ chủ động phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.Hà Nội nắm bắt và tổng hợp nhu cầu sử dụng thông tin dự báo, cảnh báo KTTV; từ đó, xây dựng và phát hành các bản tin dự báo, cảnh báo chuyên đề đáp ứng được nhu cầu sử dụng thông tin dự báo KTTV".
Ông Phạm Văn Hanh - Trưởng phòng
Mạng lưới trạm và Thông tin KTTV
Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV - ông Trần Hồng Thái cho biết, từ cuối tháng 3/2020, Tổng cục KTTV đã chủ động có Công văn số 391 gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị sẵn sàng cung cấp bổ sung thông tin dự báo, cảnh báo chi tiết cho các khu vực đặc thù, nhất là các dự báo sớm, chi tiết cho địa bàn cụ thể cùng các yếu tố KTTV cần dự báo, phục vụ chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, phòng chống dịch bệnh.
Triển khai thi hành Nghị định số 48/2020 sửa đổi, bổ sung quy định chi tiết một số điều của Luật KTTV và các văn bản quan trọng do Thủ tướng Chính phủ mới ban hành liên quan tới công tác dự báo KTTV phục vụ phòng chống thiên tai, Tổng cục KTTV cũng khẩn trương phối hợp với các cơ quan, đơn vị của các ngành, lĩnh vực liên quan rà soát, xây dựng kế hoạch xác định các phân vùng rủi ro thiên tai tại các khu vực có tuyến đường cao tốc đi qua; đánh giá, xác định và hoàn thiện hệ thống trạm thủy văn theo cấp báo động lũ và mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ…
Chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác dự báo
Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều vấn đề mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, xu thế hợp tác quốc tế hội nhập, quy mô tăng trưởng, phát triển kinh tế của quốc gia đã và đang đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác KTTV.
Vì vậy, để tăng cường công tác KTTV phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong công tác phòng chống thiên tai, Tổng cục KTTV kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin số liệu về cơ sở hạ tầng, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo tác động của thiên tai.
"Khoa học cũng như thực tiễn cho thấy, muốn dự báo được, ngoài những thông tin KTTV thì cần thiết phải có nhiều thông tin về địa chất, quy hoạch giao thông vận tải, xây dựng, dân cư, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội có liên quan, tác động tới điều kiện KTTV" - ông Trần Hồng Thái cho hay.
Tổng cục KTTV cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng quy mô, phương thức và loại hình xã hội hóa hoạt động KTTV, từ đầu tư trạm quan trắc, thu hút tư nhân tham gia dự báo KTTV phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, mạnh dạn cho phép thí điểm hợp tác công - tư để khai thác hiệu quả cơ sở vật chất hiện ngành KTTV đang được quản lý, sử dụng.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương trong quá trình hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ cần lưu ý xem xét có đầu mối kiêm nhiệm, bố trí cán bộ có hiểu biết, kinh nghiệm về KTTV của đơn vị để theo dõi, đánh giá và tích hợp các vấn đề về thông tin, dữ liệu KTTV trong quá trình xây dựng, điều hành chính sách, chiến lược, quy hoạch đối với ngành, lĩnh vực.