Đây là quan điểm được nhiều doanh nghiệp tán đồng, tại Hội thảo "Lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định Quy định chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EVFTA, để được hưởng ưu đãi hạn ngạch". Hội thảo được tổ chức tại TP.HCM ngày 30/7.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh, lần góp ý này có thể xem là cuối cùng, trước khi gửi Bộ Tư pháp thống nhất để trình Chính phủ, vì tính chất khẩn trương và quan trọng đối với ngành gạo trong nước.
Theo hạn ngạch mà EU cấp cho Việt Nam trong hiệp định EVFTA, trong 80.000 tấn gạo, chỉ có 30.000 tấn gạo thơm (được quy định tại điểm 8, tiểu mục 1, mục Phụ 2-A) mới cần chứng nhận đúng chủng loại.
Điểm c, khoản 1, điều 4, chương 2 của Dự thảo Nghị định có nội dung: "Trong vòng 20 ngày trước khi thu hoạch, tổ chức, cá nhân xuất khẩu gạo thơm gửi thông báo tới tổ chức kiểm tra để được kiểm tra đồng ruộng 1 lần theo mẫu quy định".
Việc kiểm tra độ thuần của giống được thực hiện theo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp kiểm định ruộng giống, đối với cấp giống lúa xác nhận. Độ thuần của giống (% số cây) phải đảm bảo không nhỏ hơn 95%.
Về điểm này, đã có doanh nghiệp nêu ý kiến nên giảm mức độ thuần giống lúa xuống còn 90%.
Ông Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho rằng, nên giữ nguyên % độ thuần theo dự thảo Nghị định.
Theo ông, 30.000 tấn gạo thơm thực tế là con số nhỏ bé, so với khả năng sản xuất và cung ứng từ phía Việt Nam. Nhiều năm qua, các doanh nghiệp đã xuất khẩu gạo thơm với nhiều loại khác nhau. Bản thân Trung An vẫn thường xuất với độ thuần từ 95-98%.
Ông Bình cho rằng, ý kiến đưa độ thuần xuống 90% là không hợp lý. Qua nhiều khó khăn, hiệp định EVFTA mới được ký kết. EU đã cho phép hạt gạo Việt đi vào thị trường khó tính này thì Việt Nam cũng phải chứng minh được cho họ thấy chất lượng gạo trong nước như thế nào.
"Việc hạ % độ thuần xuống dễ khiến người ta suy nghĩ khác về năng lực làm gạo thơm trong nước. Chỉ có 30.000 tấn mà đánh đổi suy nghĩ của EU là không nên", ông Bình nói.
Ông Bình cũng đề xuất, Nghị định phải có biện pháp giám sát chặt chẽ, vì 30.000 tấn là quá ít. Sẽ khó tránh khỏi trường hợp có doanh nghiệp lấy hàng từ nguồn gốc không rõ ràng về bán với giá rẻ. Nguyên nhân là họ chỉ cần hạn ngạch, sẵn sàng bỏ qua lợi nhuận.
Đồng tình, ông Lê Xuân Minh – Trưởng ban Kinh tế đối ngoại (Công ty Lương thực miền Bắc )- cho rằng: Hạn ngạch lúa thơm lần này khá ít, nên các doanh nghiệp không nên phung phí cơ hội bằng những hành vi cạnh tranh không lành mạnh về giá.
Đây là lần đầu tiên EU cho phép nhập khẩu ưu đãi thuế quan với hạt gạo Việt nên cần phải có bàn tay nhà nước điều phối, đảm bảo danh tiếng chung của gạo Việt.
"Cộng đồng doanh nghiệp đừng vì lợi ích cá nhân, cạnh tranh không lành mạnh để rồi thua thiệt. Chúng ta cần hướng đến "miếng bánh" lớn hơn trong thị trường EVFTA", ông Minh nói.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết: Để ký được EVFTA, 2 bên đã trải qua một quá trình kiên trì dài lâu. Mấu chốt của góp ý dự thảo lần này là khẩn trương chốt lại Nghị định để doanh nghiệp sớm có cơ sở triển khai vì ngày hiệu lực đã cận kề. Nhiều nội dung sẽ còn được tiếp tục bổ sung cập nhật cho phù hợp thực tế.
30.000 tấn lúa thơm là quá ít so với năng lực sản xuất trong nước. Tiêu chuẩn độ thuần giống lúa 95% là phù hợp và doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được.
"Hạn ngạch lần này chỉ mới là bước đầu để chúng ta chứng minh với EU và thế giới về chất lượng gạo Việt, năng lực doanh nghiệp Việt. Cộng động doanh nghiệp cần nỗ lực, chủ động và đoàn kết để hướng đến những mục tiêu lớn hơn nữa", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị.