Cụ thể, trong văn bản số 59 -2020/DC-VIFOREST, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nêu rõ, việc Tổng cục Hải quan ban hành văn bản số 4250/TB-TCHQ do ông Lưu Mạnh Tưởng, Phó Tổng cục trưởng ký ngày 24/6/2020) sản phẩm ván ghép thanh, chủ yếu sử dụng nguyên liệu gỗ keo rừng trồng và gỗ cao su, bị áp mã HS 4407 và bị coi là sản phẩm sơ chế, như gỗ xẻ thanh, bị áp thuế xuất khẩu 25% để hạn chế, thậm chí ngăn chặn xuất khẩu vì không tạo nhiều giá trị gia tăng và phải dành nguyên liệu cho công nghiệp chế biến trong nước đã khiến nhiều doanh nghiệp lao đao.
"Nhiều ngày qua, sản phẩm ván ghép thanh bị ùn tắc tại nhiều cảng và nhiều doanh nghiệp bị đối tác thương mại phạt chậm giao hàng" – ông Lập khẳng định.
Ông Lập cho rằng, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và thực hiện chủ trương của Chính phủ thúc đẩy nông dân chuyển sang trồng rừng gỗ lớn, hạn chế xuất khẩu dăm gỗ, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã đầu tư nhà máy chế biến gỗ ván ghép thanh để xuất khẩu.
Tuy nhiên, với quyết định áp mã HS 4407 và áp thuế 25%, các doanh nghiệp kinh doanh gỗ ván thanh đối diện nguy cơ vỡ nợ, phá sản.
Được biết, trước khi có văn bản của Tổng cục Hải quan, gỗ ghép thanh đã được áp mã HS 4418 (đồ mộc dùng trong xây dựng, kể cả tấm gỗ có lõi xốp, tấm lát sàn đã lắp ghép và ván lợp, thuế xuất khẩu bằng 0%).
Trước những khó khăn của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gỗ ván thanh, VIFOREST đề nghị Bộ Tài chính xem xét thông báo ngay để hải quan ở các địa phương cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ ván ghép thanh với thuế suất bằng 0%; xem xét và hủy bỏ ngay Thông báo số 4250, ngày 24/6/2020.
Bà Đào Thị Hương – Giám đốc Công ty CP chế biến gỗ mộc Cát Tường (Đồng Nai) cũng rất bức xúc trước quy định mới này của Tổng cục Hải quan. Theo bà Hương, để sản xuất được một tấm gỗ ván cao su ghép, các doanh nghiệp phải trải qua rất nhiều công đoạn và chi phí nhân công cao.
"Tôi kiến nghị Tổng cục Hải quan áp dụng lại mã HS cho sản phẩm ván ghép thanh và được hưởng thuế suất 0% để các doanh nghiệp duy trì hoạt động và có cơ hội cạnh tranh với các nước có lợi thế mạnh như Malaysia, Thái Lan, Indonesia…" – bà Hương nhấn mạnh.
Được biết, ngay sau khi có văn bản của Tổng cục Lâm nghiệp, Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính liên quan đến việc này.
Trong văn bản, Bộ NNPTNT cho rằng, việc Tổng cục Hải quan áp dụng mã hàng hóa của ván ghép thanh theo mã HS 4407 là không phù hợp.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ NNPTNT đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan không điều chỉnh mà áp mã hàng hóa xuất khẩu 4418 đối với ván ghép thanh và các sản phẩm đồ mộc có sử dụng ván ghép thanh.
Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), hiện cả nước có 146 doanh nghiệp sản xuất ván ghép thanh với công suất khoảng 570.000m3, nguyên liệu sản xuất ván ghép thanh là các loại gỗ rừng trồng trong nước như keo, cao su, bạch đàn.
Giá trị xuất khẩu ván ghép thanh năm 2019 đạt 332,7 triệu USD, chiếm 2,9% tổng giá trị xuất khẩu lâm sản.
Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu ván ghép thanh đạt 181,5 triệu USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Hiện, ván ghép thanh có giá xuất khẩu gấp 3 – 4 lần gỗ xẻ, trong khi để làm ra 1m3 ván ghép thanh cần 1,7 – 1,8m3 gỗ xẻ.
Cũng theo Tổng cục Lâm nghiệp, quy trình sản xuất ván ghép thanh phải qua hai giai đoạn. Giai đoạn 1 là tạo thanh cơ sở, gồm các công đoạn để tạo ra thanh gỗ xẻ.
Giai đoạn 2 là tạo ván ghép thanh. Giai đoạn này gồm 9 công đoạn để chế biến thanh cơ sở: Tẩm sấy, bào hai mặt, bào 4 mặt, tạo mộng ghép, ghép dọc bằng keo tạo thanh dài, bào 4 mặt thanh dài đã ghép, ghép tạo chiều rộng bằng keo, chà nhám, đánh bóng sản phẩm và sơn bảo quản hoàn thiện sản phẩm.
Trước thực tế đó, Tổng cục Lâm nghiệp kiến nghị quá trình sản xuất ván ghép thanh đã làm thay đổi hoàn toàn kết cấu của thanh gỗ xẻ cơ sở ban đầu thông qua các công đoạn chế biến sâu để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh.
"Vì vậy, việc áp dụng mã hàng hóa của ván ghép thanh theo mã HS 4407 là không phù hợp, không khuyến khích được doanh nghiệp trong nước sản xuất chế biến sâu để hạn chế nhập khẩu đối với loại ván này" – Tổng cục Lâm nghiệp nêu rõ.
Để tạo điều kiện, thúc đẩy xuất khẩu lâm sản trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị ngưng trệ, giá trị xuất khẩu lâm sản sụt giảm, Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn xem xét, ban hành văn bản đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan không điều chỉnh mà vẫn áp mã hàng xuất khẩu 4418 đối với ván ghép thanh và các sản phẩm đồ mộc có sử dụng ván ghép thanh theo đề nghị của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam.