Ven dòng sông Cái, phía hữu ngạn, nơi có Dinh Trấn Biên (thủ phủ của tổng Phú Yên từ năm 1629-1832) có nhiều ngôi mộ cổ bề thế mang đậm dấu ấn văn hóa Việt xứ Đàng Trong.
Đặc biệt tại triền phía nam núi A Man (thôn Quảng Đức, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) có một di tích khảo cổ độc đáo, đó là 500 ngôi mộ cổ chứa đựng nhiều bí ẩn cần được giải mã.
500 ngôi mộ cổ có bốn dạng: loại hình yên ngựa (kiều ngựa), loại hình mai rùa, loại hình mái nhà, loại hình búp sen; trong đó loại hình yên ngựa chiếm đa số.
Trên trụ biểu nhiều ngôi mộ cổ có một số vết tích nét khắc chữ Hán, nhưng hầu hết nét chữ bị bào mòn, không nhận biết được.
Tất cả bia mộ cổ đều bị đục phá, không để cho thế hệ sau biết danh tánh những người dưới mộ.
Nhiều ngôi mộ cổ có trụ biểu, trên đó có những hoa văn trang trí tinh xảo thể hiện hình tượng tứ bình, tùng hạc, mặt trời, mây mác, hoa sen, dây lá…
Đã có nhiều ý kiến khác nhau trong cộng đồng dân cư và các nhà nghiên cứu về 500 ngôi mộ cổ này. Có người cho rằng đó là khu mộ cổ của bà con người Chăm, có người nói rằng đó là khu mộ cổ của bà con người Hoa…
Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy rằng, 500 ngôi mộ cổ này không có một yếu tố nào thuộc về văn hóa mộ táng của người Chăm và người Hoa, mà hoàn toàn là văn hóa mộ táng của người Việt. Dù kiến trúc, kết cấu, hoa văn trang trí trên các ngôi mộ cổ rất độc đáo nhưng vẫn mang đậm dấu ấn văn hóa thuần Việt từ phong thủy dân gian trong mai táng, đến hoa văn trang trí, cách thức bài trí, cách thức lập mộ…
500 ngôi mộ cổ có 4 kiểu dáng nhưng đều có hình dáng khác nhau, không ngôi mộ nào giống ngôi mộ nào, quy mô từng ngôi mộ tùy thuộc vào vị trí xã hội của người nằm dưới mộ lúc sinh thời…
Hoa văn trang trí mang đậm dấu ấn đặc trưng của những tấm bia thời chúa Nguyễn, có ảnh hưởng triết lý Phật giáo giống như bia mộ hòa thượng Liễu Quán ở Huế (mô típ dây lá, hoa sen…).
Ngoài thủ pháp chạm sâu trên nền sa thạch, hệ thống mô típ trang trí trên những tấm bia mộ cổ tạo dấu ấn đặc trưng thời các chúa Nguyễn, thể hiện sự ảnh hưởng đậm nét của triết lý Phật giáo.
Loại mô hình yên ngựa tạo điểm nhấn tạo hình, phản ánh quá trình giao lưu, giao thoa và tiếp biên văn hóa giữa người Việt và bà con người Hoa trong phong trào phản Thanh phục Minh, được chúa Nguyễn cho tị nạn định cư ở xứ Đàng Trong, trong đó có Phú Yên.
Chúng tôi cảm giác rằng, những người nằm dưới 500 ngôi mộ cổ thuộc lực lượng của chúa Nguyễn Ánh trong những trận chiến khốc liệt với nhà Tây Sơn từ năm 1793-1801.
Sau khi vua Quang Trung băng hà (1792), chúa Nguyễn Ánh tận dụng thời cơ, cử danh tướng Tôn Thất Hội đem đại quân đánh chiếm Phú Yên.
Tháng 3/1794, vua Cảnh Thịnh (nối nghiệp vua Quang Trung) cử Thái úy Nguyễn Văn Hưng chỉ huy 4 vạn quân đánh lấy lại Phú Yên và hợp quân với danh tướng Trần Quang Diệu đánh thành Diên Khánh. Chỉ 2 tháng sau (5/1794), chúa Nguyễn Ánh huy động lực lượng hùng mạnh chiếm đóng cửa biển Xuân Đài và chiếm giữ Phú Yên.
6 tháng sau (tháng 11/1794), quân Tây Sơn do Tổng quản Trần Quang Diệu và Tư lệ Lê Trung chỉ huy đã quét sạch quân chúa Nguyễn ở Phú Yên và truy kích đến thành Diên Khánh. 3 năm sau, tháng 3/1797, chúa Nguyễn Ánh huy động đại binh đánh Phú Yên và Quy Nhơn. Tháng 5/1799, chúa Nguyễn Ánh cử danh tướng Nguyễn Văn Thành đem quân chiếm Phú Yên và tháng 7/1799 chiếm được thành Quy Nhơn, đổi tên là thành Bình Định.
Đầu năm 1800, hai danh tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng đánh lấy lại thành Bình Định. Hàng tướng Phạm Văn Điềm (tướng cũ Tây Sơn) đem Phú Yên về với Tây Sơn, đặt Phú Yên trong thế tử chiến chống lại quân Nguyễn Ánh.
Tháng 6/1800, chúa Nguyễn Ánh cử tướng Nguyễn Đức Xuyên đem quân đánh Phú Yên. Danh tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu cử Đại đô đốc Đào Cổng Giản đem quân hổ hầu (tinh nhuệ nhất) vào Phú Yên hợp với tướng Phạm Văn Điềm phòng thủ Phú Yên.
Chúa Nguyễn Ánh huy động tinh binh mãnh tướng tiến công Phú Yên, thế trận giằng co rất ác liệt. Tháng 3 và tháng 4/1801, Tham đốc Tây Sơn Phạm Văn Điềm phản công, làm chủ đất Phú Yên. Tháng 7/1801, chúa Nguyễn Ánh huy động đại quân từ Phú Xuân tiếp cứu Nguyễn Văn Thành ở Phú Yên, đánh bại quân Tây Sơn, hoàn toàn làm chủ đất Phú Yên.
Trong 8 năm (1793-1801), Phú Yên là chiến trường khốc liệt nhất trong cuộc tương tranh giữa hai lực lượng Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Chiến trường trọng tâm là cửa biển Xuân Đài, dọc dòng sông Cái và Bảo (đồn đắp bằng đất) LaThai (La Hai).
Phú Yên thay ngôi đổi chủ liên tục giữa hai lực lượng tương tranh. Trong các trận chiến khốc liệt đó, các tướng tá của chúa Nguyễn Ánh tử trận được bí mật chôn cất trên núi A Man soi xuống dòng sông Cái, đầu hướng về nam để vọng về nhà vua và căn cứ địa ở Gia Định, Diên Khánh.
Đại bộ phận tướng tá bỏ mình được xây mộ hình yên ngựa là phương thức cách điệu da ngựa bọc thây ở sa trường. Đây cũng chỉ là giả thuyết có những luận cứ đáng tin cậy.
Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Phú Yên đang trình cấp có thẩm quyền mời các nhà khoa học của Cục Di sản văn hóa, Viện Khảo cổ, Viện Dân tộc học, Viện Lịch sử, Viện Hán Nôm và Hội Khoa học lịch sử… về khu mộ cổ lớn nhất Việt Nam để khảo sát và có kết luận khoa học để giải mã đầy đủ những thông tin về 500 ngôi mộ cổ này.
Trước mắt cần tu tảo các ngôi mộ, tạo một điểm hấp dẫn cho du khách và bà con địa phương đến chiêm bái một di tích văn hóa, lịch sử và tâm linh độc đáo của Phú Yên.
Đây là di tích khảo cổ về văn minh mộ táng của tiền nhân có giá trị độc đáo về văn hóa, lịch sử, kiến trúc, đặc biệt là văn hóa tâm linh. 500 ngôi mộ cổ này tập trung phía sau chùa Châu Lâm, liền kề với Minh bia hòa thượng Liễu Quán (1667-1742) vị cao tăng người làng Quảng Đức mở ra thiền phái phật giáo xứ Đàng Trong (từ Quảng Bình trở vào) thế kỷ XVIII.
Quần thể di tích lịch sử - văn hóa - kiến trúc - tâm linh khu vực chùa Châu Lâm bao gồm chùa cổ Châu Lâm, Minh bia hòa thượng Liễu Quán và 500 ngôi mộ cổ có giá trị đặc biệt trong tiến trình lịch sử hơn 400 năm của Phú Yên.
Sau ngày tái lập tỉnh, nhà nghiên cứu Phan Đình Phùng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Phú Yên cùng GS Trần Quốc Vượng đã dày công nghiên cứu các ngôi mộ cổ trên núi A Man.
Các nhà nghiên cứu tại Phú Yên đã kế tục thành quả này và tiến hành nghiên cứu trong nhiều năm, đã công bố thành quả nghiên cứu bước đầu trong “Địa chí Phú Yên”, “Lịch sử huyện Tuy An”, “Đặc trưng văn hóa đá Phú Yên”… Tháng 4/2017, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV8) phối hợp với Hội Khoa học lịch sử tỉnh Phú Yên thực hiện phóng sự “Bí ẩn những ngôi mộ cổ” trên núi A Man (thôn Quảng Đức, xã An Thạch).
Sau khi Đài Truyền hình Việt Nam và Báo Phú Yên thông tin về 500 ngôi mộ cổ trong khu vực chùa Châu Lâm, các bậc chân tu và ni sư trụ trì chùa Châu Lâm cùng nhiều tấm lòng hậu thế có nguyện vọng lập một đàn tràng cúng tế các vị tiền nhân yên nghỉ dưới chân núi A Man, sau lưng chùa Châu Lâm đã nhiều thế kỷ mộ phần bị bỏ hoang.
Một số bà con gồm ông Phan Văn Khánh (thôn Ngọc Phước 1, xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa) - người tiên phong cùng bà con xã Bình Ngọc trùng tu đình làng Ngọc Lãng và 3 ngôi miếu cổ Tây Lý, Trung Lý, Đông Lý… ở xã Bình Ngọc), Đặng Đức Nghĩa (phường 5, TP Tuy Hòa), Ủy viên thường trực Đặng tộc Việt Nam, Chủ tịch Đặng tộc Phú Yên - người có 15 năm đóng góp nhiều tâm sức tài lực cho Đặng tộc Phú Yên và cả nước; Trương Tấn Hổ (thôn Phước Lộc 2, xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa), Đặng Duy Tân (phường 5, TP Tuy Hòa) phát tâm thiện nguyện đề nghị Hội Khoa học lịch sử Phú Yên cùng chùa Châu Lâm tổ chức lễ cúng tiền nhân yên nghỉ ở núi A Man vào ngày chủ nhật 25/6/2017 (mùng hai tháng sáu âm lịch).
Được sự cho phép của chính quyền địa phương, Hội Khoa học lịch sử tỉnh Phú Yên cùng 4 vị phát tâm tri ân tiền nhân đã cung nghinh 21 vị cao tăng của Phú Yên (trong đó có ba vị hòa thượng chủ trì) lập đại lễ trai đàn kỳ an, kỳ siêu, bạc độ chẩn tế âm linh nhằm tri ân tiền nhân, nguyện cầu quốc thái dân an, nối ngàn xưa với ngàn sau. Đồng thời tiến hành tu tảo 500 ngôi mộ đã nhiều thế kỷ chưa được chăm sóc.
Bảo tồn, tôn tạo và cả trùng tu khu mộ cổ lớn nhất nước ở núi A Man là một trong những việc làm thiêng liêng, thiết thực để lưu giữ ký ức quan trọng của tiến trình lịch sử Phú Yên.
(Bài viết đã đăng trên báo Phú Yên Online ngày 30/06/2017)