Dân Việt

Đinh lăng Ngọc Hân - thứ rượu được coi là "nhân sâm" đất Việt

Ngô Chuẩn 02/08/2020 19:08 GMT+7
Được ví như “nhân sâm Việt Nam”, củ đinh lăng chứa nhiều thành phần, dưỡng chất quý. Củ đinh lăng khi ngâm rượu, nếu uống lượng vừa phải, điều độ sẽ giúp tăng cường sức khỏe.

Được ví như “nhân sâm Việt Nam”, củ đinh lăng chứa nhiều thành phần, dưỡng chất quý. Củ đinh lăng khi ngâm rượu, nếu uống lượng vừa phải, điều độ sẽ giúp tăng cường sức khỏe. Với việc tham gia Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh An Giang, sản phẩm rượu đinh lăng Ngọc Hân có cơ hội trở thành thành đặc sản An Giang, món quà được ưa chuộng của du khách gần xa.

Đinh lăng Ngọc Hân - thứ rượu được coi là "nhân sâm"  đất Việt - Ảnh 1.

Nhiều cây đinh lăng trong vườn có thời gian sinh trưởng lâu, bộ rễ khá to

Vườn đinh lăng nơi xứ rẫy

Ở ấp Bình Hưng (xã Bình Long, Châu Phú), đa phần các hộ dân sống bằng nghề canh tác hoa màu liên vụ. Nhờ đất đai màu mỡ, cây phát triển tốt nên giá đất nông nghiệp vùng này khá cao. Giữa những đám rẫy xanh mơn mởn, bỗng mọc lên vườn đinh lăng cao vút, cây lá xen nhau trông rất nổi bật. Người “chơi lạ” là vợ chồng anh Trần Văn Hân và chị Huỳnh Thị Hoàng, chủ Cơ sở rượu đinh lăng Ngọc Hân.

“Thấy chúng tôi trồng đinh lăng, nhiều người trong xóm lời ra tiếng vào, có người còn nói vợ chồng tôi khùng, đất rẫy tốt vậy mà đem trồng loại cây… tào lao. Đến khi thu hoạch củ, thấy được giá trị cây đinh lăng, người ta mới đồng ý là có hiệu quả” - chị Huỳnh Thị Hoàng nhớ lại.

Ở vùng Bình Hưng này, anh Trần Văn Hân là người nấu rượu có tiếng lâu đời, chủ yếu là giao rượu trắng cho các quán nhậu, cửa hàng tạp hóa, đại lý bán lẻ. Tuy nhiên, do áp lực cạnh tranh từ những cơ sở làm rượu không rõ nguồn gốc, cung cấp rượu giá rẻ nên nghề nấu rượu trắng không còn lời nhiều. Năm 2006, thấy phong trào ngâm rượu đinh lăng phát triển, sẵn có người em ở huyện Tịnh Biên có nguồn cung cấp củ đinh lăng, chị Hoàng cùng chồng thử ngâm rượu đinh lăng bán.

“Đầu tiên bán lẻ tại nhà, giao cho các cửa hàng ở gần. Thấy nhu cầu thị trường lớn, vợ chồng tôi quyết định chuyển 600m2 đất sau nhà sang trồng đinh lăng để có nguồn củ tại chỗ. Cơ sở rượu đinh lăng Ngọc Hân cũng ra đời, được đăng ký nhãn hiệu ở Cục Sở hữu trí tuệ, đăng ký và công bố tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định” - chị Hoàng chia sẻ.

Chủ Cơ sở rượu đinh lăng Ngọc Hân cho biết, với cây đinh lăng, khoảng 3-4 năm là đã có thể khai thác củ nhỏ, 7-10 năm là khai thác được củ lớn. Trong vườn nhà chị Hoàng có những cây đinh lăng 20 năm tuổi, bộ rễ nặng đến vài chục kg. Nhờ trồng xen canh nhiều kích cỡ nên gần như cơ sở có nguồn củ đinh lăng thu hoạch quanh năm. Tận dụng 300m2 sau lò rượu, vợ chồng anh Hân, chị Hoàng trồng bon-sai, cây kiểng kết hợp gieo hom cây đinh lăng. Đó là những nhánh cây được chiết từ vườn đinh lăng nhà, bao đất cho cây bén rễ. Khoảng 2 năm sau, khi rễ cây đã lớn, anh chị mang qua vườn trồng lại. “Ai đặt mua cây đinh lăng giống mình cũng bán luôn. Nhờ chiết nhánh cây lớn nên khi đặt xuống đất, bộ rễ phát triển rất nhanh” - chị Hoàng thông tin.

Đinh lăng Ngọc Hân - thứ rượu được coi là "nhân sâm"  đất Việt - Ảnh 2.

Xây dựng thành đặc sản

Hiện nay, mỗi ngày Cơ sở rượu đinh lăng Ngọc Hân cung cấp ra thị trường khoảng 100 lít rượu, trong đó có 70-80 lít rượu đinh lăng, còn lại là rượu chuối, rượu trắng. Ngoài bán lẻ, giao đại lý, tiệm tạp hóa, các quán trong khu vực, sản phẩm rượu đinh lăng Ngọc Hân còn được cung ứng cho các nhà hàng ở TP. Long Xuyên, Tri Tôn, Tịnh Biên.

Do rượu nấu nhà, đinh lăng trồng tại chỗ nên nguồn gốc sản phẩm được kiểm soát tốt. Chị Huỳnh Thị Hoàng đã thuê công ty ở TP. Hồ Chí Minh thiết kế và in nhãn mác; đặt mua chai thủy tinh cũng ở TP. Hồ Chí Minh và tự đóng nắp tại cơ sở nhà. Sản phẩm rượu đinh lăng Ngọc Hân được đưa đi kiểm nghiệm tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (QUATES3), công nhận không chứa chất độc hại. Rượu đinh lăng Ngọc Hân được chứng nhận là Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh An Giang năm 2014.

Chị Huỳnh Thị Hoàng cho biết, thời gian tới, Cơ sở rượu đinh lăng Ngọc Hân sẽ tăng cường cung ứng sản phẩm ra thị trường, đồng thời xây dựng các kênh bán hàng qua mạng xã hội zalo, facebook, các trang thương mại điện tử. Mới đây, sản phẩm rượu đinh lăng Ngọc Hân đã được Hội đồng đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP huyện Châu Phú thẩm định, chấm điểm đạt yêu cầu tiêu chuẩn sản phẩm OCOP. Hiện nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú đang hỗ trợ Cơ sở rượu đinh lăng Ngọc Hân hoàn tất các thủ tục để trình Hội đồng đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP tỉnh An Giang đánh giá, xếp loại sản phẩm rượu đinh lăng Ngọc Hân.

“Nếu được công nhận là sản phẩm OCOP tỉnh An Giang, cơ sở sẽ cho thiết kế lại nhãn mác, chèn logo OCOP vào. Chúng tôi hy vọng sản phẩm rượu đinh lăng Ngọc Hân sẽ trở thành đặc sản của An Giang, món quà cho du khách đặt chân đến tỉnh”- chị Hoàng mong muốn.