Dân Việt

Sự trùng hợp bất ngờ tháng 7 trong quan hệ Việt - Mỹ

Mỹ Hằng thực hiện 31/07/2020 15:45 GMT+7
Đại sứ Hà Huy Thông - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, nguyên Tham tán Công sứ, Phó trưởng Cơ quan Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, nhìn nhận lại những mốc lớn trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, không chỉ 25 năm qua, mà từ sâu hơn trong lịch sử.

Thưa Đại sứ, nhìn lại quan hệ Việt - Mỹ 25 năm qua, ông thấy có điều gì thú vị?

- Nhân kỷ niệm 25 năm lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ, vừa qua có nhiều bài báo nêu nhiều điều thú vị trong quan hệ hai nước. Nhưng tôi thấy, nhìn lại quan hệ hai nước không chỉ trong 25 năm, mà trong gần 250 năm qua (kể từ khi thành lập nước Mỹ năm 1776), có một điều rất thú vị là rất nhiều sự kiện lớn với quan hệ hai nước đều diễn ra trong tháng 7.

Từ năm 1776, Mỹ tuyên bố độc lập ngày 4/7, trong đó bản Tuyên ngôn độc lập Mỹ do Thomas Jefferson (sau này làm Tổng thống thứ 3 của Mỹ) viết và về sau được Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn trong Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (2/9/1945).

Ông Bùi Viện được Vua Tự Đức cử sang Mỹ, mà có sử gia xem như là "sứ giả đầu tiên của Việt Nam tới Mỹ" cũng là vào tháng 7/1873. 

Tháng 7/1945, lần đầu tiên Bác Hồ thăm dò qua nhóm tình báo Con Nai thuộc Cơ quan Tình báo chiến lược Mỹ (OSS), tiền thân CIA, về khả năng Pháp trao trả độc lập hoàn toàn cho Việt Nam. Nhóm này đã nhảy dù xuống Tân Trào và có những hợp tác với Chủ tịch Hồ Chí Minh để chống Nhật.

Sau này, Hiệp định Geneva ký kết vào ngày 20/7/1954.

Rồi trong cuộc đàm phán lịch sử (1968-1973) Hiệp định Paris, đến tháng 7/1972, hai bên bắt đầu đi vào thực chất. Từ đó mới dẫn đến đạt thỏa thuận ngày 20/10/1972 chuẩn bị để hoàn tất và ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh, khôi phục lại hòa bình ở Việt Nam (ngày 27/1/1973). 

Sau khi cuộc chiến tranh kết thúc (30/4/1975), Quốc hội Việt Nam đã quyết định thống nhất hai miền Bắc - Nam (mồng 2/7/1976).

Sau chiến tranh, cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa đại diện của Mỹ và nước Việt Nam thống nhất diễn ra tại Paris vào ngày 10/7/1976.

Cuộc chiến tranh ở Việt Nam (1954-1975) là "Chương đen tối nhất trong quan hệ Mỹ - Việt", để lại nhiều hậu quả nặng nề đối với cả Mỹ và Việt Nam, mà đến nay chưa giải quyết xong. Tháng 7/1980, Ủy ban điều tra tội ác của Mỹ trong chiến tranh ở Việt Nam được thành lập.

Từ nửa cuối những năm 1980, quan hệ hai nước từng bước được cải thiện, trước hết từ việc hai bên nỗ lực giải quyết vấn đề nhân đạo do chiến tranh để lại.

Từ đó, nhiều mốc quan trọng trong quan hệ Việt - Mỹ diễn ra trong tháng 7.

Ngày 2/7/1993, Mỹ tuyên bố không phản đối Việt Nam giải quyết nợ cũ của chính quyền ở miền Nam trước năm 1975 tại Câu lạc bộ Paris - là diễn đàn giải quyết nợ giữa các chính phủ, mở đường cho Việt Nam vay tín dụng quốc tế từ các thiết chế tài chính quốc tế như Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF)...

Nhưng có lẽ mốc quan trọng nhất là hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 12/7/1995, và sau đấy không lâu, ngày 5/8/1995 là ngày mở đại sứ quán tại mỗi nước, mà chỉ còn vài hôm nữa là sẽ tới dịp kỷ niệm 25 năm. 

Sự trùng hợp bất ngờ trong quan hệ Việt – Mỹ - Ảnh 2.

Ảnh chụp tại lễ khai trương Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, ngày 5/8/1995, ông Hà Huy Thông đứng ngoài cùng bên phải hàng trên. Ảnh: Tư liệu của nhân vật

5 năm sau, cũng vào tháng 7, ngày 13/7/2000, hai nước ký hiệp định thương mại song phương (BTA). Đây còn được coi là một trong những mốc quan trọng nhất của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

6 năm sau đó, cũng vào tháng 7/2006, Việt Nam ký Nghị định thư gia nhập WTO với sự ủng hộ của Mỹ là thành viên có tổng thương mại lớn nhất WTO và thế giới.

Trong quá trình cải thiện quan hệ Việt - Mỹ, nhiều chuyến thăm cấp cao chính thức lẫn nhau giữa hai nước diễn ra trong tháng 7, như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Mỹ và tuyên bố lập Quan hệ Đối tác toàn diện Việt - Mỹ (25/7/2013). Đặc biệt là chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - chuyến thăm lần đầu tiên của Tổng Bí thư của một Đảng Cộng sản mà chưa có chức danh Nhà nước, từ ngày 6-10/7/2015, đúng dịp hai nước kỷ niệm 20 năm lập quan hệ ngoại giao.

Là một nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh với hàng triệu thương binh và liệt sĩ, Việt Nam luôn ghi công và tri ân họ, đặc biệt vào Ngày thương binh - liệt sĩ 27/7 hàng năm.

Ngày 27/7 vừa qua, phía Mỹ đưa tin lần đầu tiên Tùy viên quân sự Mỹ tại Việt Nam đã đến đặt hoa tại đài tưởng niệm liệt sĩ Việt Nam.

Sự trùng hợp bất ngờ trong quan hệ Việt – Mỹ - Ảnh 3.

Tùy viên quân sự Mỹ đặt hoa tại Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Bắc Sơn. Ảnh: ĐSQ Mỹ

Và cũng trong tháng 7 mới đây, Bộ Tài chính Mỹ công bố Việt Nam đã trả hết nợ cũ theo Thỏa thuận giữa hai nước năm 1997, sau khi Mỹ không phản đối Việt Nam trả nợ cũ trước 1975.

Sự trùng hợp các sự kiện quan trọng này vừa mang tính ngẫu nhiên, vừa mang tính tất nhiên do kết quả và hội tụ của những nỗ lực to lớn của cả hai bên nhiều năm trước đó.

Trong số các sự kiện lớn trong quan hệ Việt - Mỹ mà ông nêu trên, ngày 2/7/1993, Mỹ không phản đối Việt Nam trả nợ cũ của chính quyền miền Nam Việt Nam trước năm 1975, việc đó có ý nghĩa như thế nào?

-  Tháng 5-7/1993, tôi đang thực tập tại Trung tâm Quốc tế về Chính sách Phát triển (ICDP - International Center for Development Policy) tại Washington D.C, Mỹ.  Trung tâm này đóng góp rất to lớn cho việc  tăng cường hiểu biết giữa hai nước và vận động bỏ cấm vận, bình thường hóa hai nước.

Trong mấy tháng, ICDP đã thu xếp cho tôi tiếp xúc đại diện nhiều Bộ, ngành và cơ quan Quốc hội, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ Mỹ để hiểu hơn chính sách và quan điểm phía Mỹ với Việt Nam, đồng thời trao đổi những vấn đề liên quan Việt Nam mà phía Mỹ quan tâm.

Vợ chồng bà Virginia Foote (sau là Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam) lúc đó làm tại ICDP đã giúp chúng tôi nhiều, cho đến cả năm 1994 sau đó, khi tôi ngày đầu tiên đến Mỹ giữa tháng 12/1994 làm Trưởng đoàn đi mở Cơ quan liên lạc tại Mỹ (1994-1995), rồi được  nâng lên Đại sứ quán từ khi hai nước lập quan hệ ngoại giao (12/7/1995).

Khi nhận được văn bản phía Mỹ thông báo không phản đối Việt Nam trả nợ cũ của chính quyền miền Nam trước 1975, chúng tôi hiểu đây là quyết định rất quan trọng, một bước tiếp theo trong quá trình Mỹ nới cấm vận với Việt Nam, mở đường cho ta đàm phán tại Câu lạc bộ Paris (Diễn đàn giải quyết nợ giữa các chính phủ) để tiếp cận tín dụng, vay các thiết chế tài chính quốc tế (IFIs) tại các thể chế đa phương mà Mỹ là thành viên sáng lập và cổ đông lớn nhất như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)... Vì thế chúng tôi đã báo cáo và gửi ngay cùng ngày 2/7/1993 về các cơ quan liên quan trong nước.

Kể từ năm 1993 đến nay, cùng với quan hệ với các đối tác song phương và đa phương khác, ta đã vay dài hạn được gần 90 tỷ USD với thời gian ân hạn dài, lãi suất thấp, trở thành một trong những nguồn vốn quốc tế quan trọng nhất để ta phục vụ sự nghiệp phát triển như xóa đói giảm nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng, giáo dục..., góp phần đổi mới tư duy về hội nhập kinh tế quốc tế - vấn đề lần đầu tiên được đưa vào văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VIII (1996).

Trong bối cảnh thế giới hiện nay, có những lo ngại rằng quan hệ Việt - Mỹ tốt đẹp có thể ảnh hưởng đến quan hệ Việt - Trung. Ông có chia sẻ lo ngại đó không?

- Trung Quốc và Mỹ là hai nước lớn và hai nền kinh tế lớn thứ nhất và nhì trên thế giới, hiện đều là đối tác hàng đầu của Việt Nam.

Quan hệ Việt - Trung và Việt - Mỹ có đặc điểm riêng và đã trải qua những bước thăng trầm khác nhau, hiện đều có những cơ hội để phát triển và thách thức cần xử lý khác nhau.

Từ khi đổi mới và sau Chiến tranh lạnh, Việt Nam chủ trương thi hành đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, hợp tác và phát triển, hội nhập quốc tế, hiện đã bình thường hóa quan hệ với cả Trung Quốc và Mỹ.

Hiện, chúng ta đang sống trong thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, nên quan hệ giữa các nước liên quan và tác động với nhau là điều có thể hiểu được, nhưng tác động thế nào còn tùy lĩnh vực và thời điểm.

Tôi không nghĩ việc Việt Nam thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc hay Mỹ là điều đáng lo ngại với nước kia hay nước khác muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam vì Việt Nam độc lập, tự chủ và muốn làm bạn với tất cả các nước vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

Trân trọng cảm ơn Đại sứ.

Các sự kiện tháng 7 trong quan hệ Việt - Mỹ

1) Ngày 4/7/1776: Mỹ tuyên bố độc lập.

2) Tháng 7/1787: Công sứ Mỹ tại Pháp Thomas Jefferson (người viết bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ ngày 4/7/1776, sau này làm Tổng thống thứ 3 của Mỹ, 1801-1809) báo cáo Thủ đô quan tâm và quyết tâm nhập 6 loại gạo từ Việt Nam, được coi là thể hiện đầu tiên về lợi ích của Mỹ ở Việt Nam.

3) Tháng 7/1873: Vua Tự Đức cử Bùi Viện sang Mỹ.

4) Ngày 25/7/1945: Hồ Chí Minh nhờ Cơ quan tình báo Mỹ ở Đông Dương OSS (tiền thân của CIA) lần đầu tiên thăm dò Pháp trao trả độc lập cho Việt Nam trong vòng sớm nhất là 5 năm và chậm nhất trong vòng 10 năm.

4) Ngày 27/7/1947: Ngày thương binh liệt sĩ, ghi công và tri ân hàng triệu người bị hy sinh và bị thương do chiến tranh.

5) Ngày 20/7/1954: Hiệp định Geneva về Đông Dương được ký kết, Mỹ không ký, bắt đầu can thiệp gây chiến ở Việt Nam.

6) Hội nghị TW-6 (Khoá II) từ tháng 5-7/1954 xác định "Mỹ đang trở thành kẻ thù chính là trực tiếp của nhân dân Đông Dương"

7) Tháng 7/1968: Đàm phán Việt Nam - Mỹ tại Hội nghị Paris về khôi phục hoà bình ở VN bước vào giai đoạn thực chất.

8) Ngày 2/7/1976: Quốc hội Việt Nam khóa 6 lấy tên nước là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam - một đất nước thống nhất hai miền Bắc - Nam

9) Ngày 10/7/1976: Đại diện nước Việt Nam thống nhất và Mỹ tiếp xúc lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh kết thúc (30/4/1975) tại Đại sứ quán VN tại Paris, Pháp.

10) Tháng 7/1980: Nghị định 136/CP thành lập Ủy ban liên Bộ về điều tra tội ác Mỹ trong chiến tranh ở Việt Nam do Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Y tế đứng đầu, tập trung điều tra hậu quả chất da cam, dioxin của Mỹ.

11) Ngày 1/7/1993: Mỹ không phản đối Việt Nam giải quyết nợ cũ của chính quyền miền Nam Việt Nam trước năm 1975, mở đường cho Việt Nam tiếp cận vay tín dụng của các Tổ chức tài chính quốc tế (như Ngân hàng thế giới WB và Quỹ tiền tệ quốc tế IMF...)

Và đến tháng 7/2020, Bộ Tài chính Mỹ thông báo Việt Nam đã trả hết nợ của cơ quan miền Nam trước năm 1975.

12) Ngày 12/7/1995: Việt Nam và Mỹ tuyên bố lập Quan hệ ngoại giao.

13) Ngày 13/7/2000: Việt Nam và Mỹ ký Hiệp định thương mại song phương.

14) Tháng 7/2006: Việt Nam ký Nghị định thư gia nhập WTO với sự ủng hộ của Mỹ là thành viên có tổng thương mại lớn nhất thế giới.

15) 25/7/2013: Việt Nam và Mỹ tuyên bố thiết lập Quan hệ Đối tác toàn diện nhân dịp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Mỹ.

16) Từ ngày 6-10/7/2015: Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ.

17) Ngày 27/7/2020: Lần đầu tiên Tùy viên quân sự Mỹ tại Việt Nam viếng mộ các liệt sĩ Việt Nam.