Tốt nghiệp Đại học Sư phạm (môn Sinh) năm 2004, anh Huỳnh Văn Bình được phân công về công tác tại Trường THCS Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày Bắc (tỉnh Bến Tre). Anh tích cực truyền đạt kiến thức cho học sinh cùng với những giờ thực hành sinh động.
Tranh thủ thời gian rảnh, anh Bình chịu khó chăn nuôi heo, gà vịt, cá…Đồng lương giáo viên của 2 vợ chồng anh cùng với thu nhập nhỏ từ chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ đủ trang trải chi phí cho gia đình 5 người, gồm: vợ chồng anh, nuôi cha bệnh già yếu và 2 người con ăn học.
Với quyết tâm phấn đấu làm giàu, anh Bình mài mò nghiên cứu tìm hướng phát triển kinh tế thích hợp cho gia đình.
Năm 2015, anh Bình tới Vĩnh Long mua 5.000 con lươn giống, với giá 15 triệu đồng đem về nuôi. Nhờ chăm sóc cẩn thận, đàn lươn phát triển tốt. Anh tuyển chọn những con lươn tốt để làm lươn bố mẹ, số lươn còn lại nuôi thịt.
Anh Bình phát triển đàn lươn giống và nuôi lươn thịt với diện tích hơn 3.000m2 đất tại gia đình, ấp Xóm Gò, xã Tân Thanh Tây, huyện Mỏ Cày Bắc. Anh tăng diện tích ươm lươn giống bằng hồ đất trải bạt và trong bồn oxy. Cùng lúc, anh mở rộng thị trường tiêu thụ lươn giống và lươn thịt cho khách hàng trong và ngoài tỉnh Bến Tre.
Hiện tại, anh xuất bán tại nhà cho thương lái với giá lươn thịt là hơn 170 ngàn đồng/kg đối với lươn thịt loại 1 (đạt trọng lượng từ 200g/con trở lên); lươn thịt loại 2 (trọng lượng từ 100g đến dưới 200g/con) bán giá 140 ngàn đồng/kg.
Đối với lươn con (giống) được anh Bình bán với giá từ 3 - 5 ngàn đồng/con.
Đến nay, anh Huỳnh Văn Bình là chủ của 7.000 con lươn bố mẹ và xuất bán khoảng 1 tấn lươn thịt/năm.
“Tôi chịu khó chăm sóc, nuôi lươn cẩn thận từ lúc còn trứng cho tới lúc lươn trưởng thành. Môi trường nước sạch, thức ăn vừa đủ là điều kiện cần thiết để lươn con phát triển tốt” - anh Bình chia sẻ.
Chủ tịch UBND xã Tân Thanh Tây Nguyễn Văn Thuận cho biết: “Anh Bình đã làm giàu nhờ nuôi lươn. Mô hình chăn nuôi lươn của anh được nhiều người tới tham quan, học hỏi. Tại xã, nhiều người dân mua lươn giống của anh đem về nuôi và kinh tế đã khá lên”.