Trong lúc "dầu sôi, lửa bỏng" đối với các sĩ tử, Việt Nam lại đang "căng mình" chống lại dịch Covid-19 vừa trở lại và đang có những diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành. Mới đây, có không ít ý kiến từ các địa phương bùng phát dịch Covid-19 như Đà Nẵng, Quảng Nam đề xuất ngừng tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2020, chỉ xét tốt nghiệp và để các trường đại học tự chủ xét tuyển.
Mới kết thúc năm học cuối cùng của đời học sinh, em Đỗ Duy Khoa (Trường THPT Cầu Giấy, Hà Nội) đang tập trung hết sức mình cho kỳ thi sắp tới. Lịch học của Khoa gần như kín ngày, bắt đầu từ 5h sáng cho tới khoảng 10h đêm.
Khoa tâm sự: "Năm nay là một năm học rất đặc biệt đối với học sinh chúng em, buộc phải nghỉ học gián đoạn trong năm học, rồi học online, cuối cùng là kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng bị lùi thời gian và còn chưa biết sẽ tiếp tục tổ chức hay không. Trong lúc chờ thông tin chính thức từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, em và các bạn trong lớp vẫn tiếp tục động viên nhau tập trung ôn thi, bỏ ngoài tai những thông tin chưa chính thức để tránh phân tâm hoặc có tâm lý không tốt. Em không quá tập trung ôn thi để tốt nghiệp, mà đích tới của em là thi vào Đại học Bách Khoa. Vì vậy nếu không thi tốt nghiệ, mà các trường đại học chỉ xét học bạ hoặc xét vào trường bằng cách nào đó thì sẽ rất thiệt thòi cho chúng em, những học sinh đã tập trung ôn thi để xét tuyển vào đại học".
Thực tế, nhiều học sinh cấp 3 không có học bạ "đẹp" trong 3 năm học. Có em tới giữa năm lớp 11 mới thực sự dồn nhiều công sức cho việc học tập. Một cô giáo dạy cấp 3 tại Hà Nội chia sẻ có học sinh khi lên cấp 3 vẫn giữ tâm lý "xả hơi", vì vậy học bạ của các em trong năm lớp 10 thường không tốt. "Tuy nhiên khi xác định được mục tiêu, các em lại bứt phá rất nhanh ở những năm học sau, tập trung ôn thi để vào các trường đại học mong muốn. Nếu bỏ thi tốt nghiệp THPT 2020, tôi nghĩ nhóm học sinh này phải chịu nhiều thiệt thòi so với các học sinh khác. Bên cạnh đó, nếu chỉ quan tâm tới những rủi ro thì cũng cần ghi nhận là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những chỉ đạo sát sao, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của Covid-19 đến kỳ thi", giáo viên này nhận định.
Thầy giáo Trần Mạnh Tùng - giáo viên dạy môn Toán tại Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) bày tỏ quan điểm: "Chúng ta có 63 tỉnh, thành và tình hình đang được kiểm soát tương đối tốt, đặc biệt có những tỉnh chưa có ca nhiễm. Những tỉnh đó, nếu đề nghị dừng tổ chức thi, sẽ thiếu công bằng và không đảm bảo được yếu tố xét vào đại học thuận lợi cho các trường. Vì vậy, những tỉnh chưa có diễn biến phức tạp, kiểm soát được tình hình, vẫn có thể đảm bảo tổ chức kỳ thi an toàn thì nên tiến hành thi".
Ông Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng trong bối cảnh dịch Covid-19 đang trở lại như hiện nay, ngành giáo dục có thể tính tới phương án lùi kỳ thi 1 - 2 tuần để theo dõi. Nếu dịch tiếp tục biến chuyển phức tạp, sẽ tính tới phương án hủy bỏ kỳ thi. Còn nếu gược lại, thì kỳ thi nên tiếp tục được tổ chức như bình thường.