Câu chuyện mà phóng viên ghi nhận ở quê lúa Thái Bình, Hà Nam, hay xứ "hoa vàng cỏ xanh" Phú Yên là những minh chứng sống động cho điều đó.
Quê lúa Thái Bình đẹp từ nhà ra đồng
Năm nay 77 tuổi, ông Vũ Viết Tiễu (thôn Nam, xã Đông Phương, huyện Đông Hưng) đã chứng kiến sự thay đổi của quê hương, nhất là từ khi triển khai xây dựng NTM, Đông Phương từ một xã thuần nông, lúa là cây trồng chủ yếu thì nay trên địa bàn đã "mọc" lên nhiều công ty, doanh nghiệp, rút dần lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Năm 2018, thu nhập bình quân của người dân địa phương trên 55 triệu đồng.
Ông Vũ Viết Tiễu chia sẻ, 5 năm trở lại đây xã Đông Phương như được "thay da đổi thịt", đường sá rộng rãi, nhiều gia đình khá giả hơn rất nhiều. Ngay từ con đường ra cánh đồng cũng được bêtông hóa, do vậy việc sản xuất của bà con cũng thuận lợi hơn trước.
Hay như ở xã Thanh Tân (huyện Kiến Xương) - mô hình tiêu biểu, điển hình của tỉnh Thái Bình trong xây dựng NTM và được công nhận đạt chuẩn từ năm 2013, bức tranh NTM ở đây hiện hữu ngay trên những con đường thôn, xóm tới việc vệ sinh ngăn nắp trong các hộ gia đình. Trong 4 năm (2009 - 2013), nhân dân toàn xã đã hiến 5.300m2 đất để mở đường giao thông, thu dỡ trên 3.000m tường xây, 90 cổng, 27 bếp, 6 nhà…
Xã vận động mỗi khẩu góp 18m2 đất làm đường ra đồng ruộng, tổng toàn xã đã góp 9,9ha đất nông nghiệp để mở rộng đường giao thông. Tổng giá trị quy thành tiền từ hiến đất trong làng và ngoài đồng lên tới hơn 20 tỷ đồng.
Còn tại xã Quốc Tuấn (huyện Kiến Xương), để giữ được nét đẹp của làng quê, tránh tình trạng bị “bê tông hóa” quá mức, xã còn cải tạo lại ao hồ, sông ngòi, trồng hoa, cây cảnh, tô điểm thêm cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, tỉnh đã khái quát 19 tiêu chí xây dựng NTM trong 20 chữ: “Sản xuất phát triển, đời sống sung túc, diện mạo sạch sẽ, thôn xã văn minh, quản lý dân chủ” và quán triệt quan điểm “xây dựng nông thôn mới bằng mọi cách nhưng không phải bằng mọi giá”.
Sau hơn 9 năm triển khai xây dựng NTM, diện mạo các vùng nông thôn tỉnh Thái Bình đã có nhiều khởi sắc, với 237/264 xã hoàn thành 19 tiêu chí và 1 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Chuyện phá thế "độc đạo" ở xứ chiêm trũng Hà Nam
Cùng nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng như Thái Bình, nhưng trước đây muốn đến Hà Nam hầu như các phương tiện giao thông chỉ có một lựa chọn, đó là đi qua Quốc lộ 1A. Nếu chẳng may xảy ra tai nạn tắc đường hoặc những dịp lễ, Tết di chuyển rất mất thời gian.
Nhưng nay đã có nhiều tuyến đường mới chạy qua địa phận Hà Nam được xây dựng như: Tuyến tránh Quốc lộ 1A, tuyến tránh Quốc lộ 38, đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Cầu Giẽ - Ninh Bình...
Theo Sở NNPTNT tỉnh Thái Bình, tỉnh đã khái quát
19 tiêu chí xây dựng NTM trong 20 chữ: "Sản xuất phát triển, đời sống sung túc, diện mạo sạch sẽ, thôn xã văn minh, quản lý dân chủ" và quán triệt quan điểm "xây dựng NTM bằng mọi cách nhưng không phải bằng mọi giá".
Cùng với trục quốc lộ, tỉnh lộ, thời gian qua, tỉnh Hà Nam đã dành nhiều nguồn lực nâng cấp, làm mới hàng nghìn km đường trục xã, đường làng, ngõ xóm, đường ra đồng… coi đây là một trong những nhiệm vụ then chốt để thay đổi diện mạo và thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.
Theo đó, nguồn vốn đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn được tỉnh Hà Nam phân cấp rõ ràng.
Đối với các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường trục xã chủ yếu là vốn đầu tư từ ngân sách; đường thôn, xóm huy động nguồn vốn đóng góp của nhân dân, các cơ quan Nhà nước chỉ hỗ trợ kích cầu và định hướng, chỉ đạo về quy mô cũng như chất lượng công trình, bảo đảm thi công xây dựng theo đúng quy định.
Việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn xi măng hỗ trợ ở hầu hết các xã, thị trấn bảo đảm đúng mục đích, không có thất thoát và có sự giám sát chặt chẽ của nhân dân trên tinh thần "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra và dân hưởng lợi". Khi triển khai xây dựng công trình được bàn bạc dân chủ công khai về tài chính và phát huy tối đa vai trò giám sát của nhân dân, nâng cao trách nhiệm của thôn, xóm, tổ dân cư làm chủ đầu tư xây dựng.
Với cách làm đó, từ năm 2011 đến nay, các địa phương trong tỉnh Hà Nam đã đầu tư trên 1.000 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn, trong đó nhân dân đóng góp khoảng 60 - 70%. Nhiều hộ dân đã tự nguyện tháo dỡ cả nhà ngang, nhà bếp, công trình phụ… với tổng diện tích hơn 300.000m2 đất để mở rộng đường sá, đi lại thuận lợi.
6 bài học ở xứ “hoa vàng cỏ xanh”
Một gương mặt điển hình trong phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn ở miền Trung, phải kể đến tỉnh Phú Yên. Là tỉnh còn nhiều khó khăn, khi triển khai xây dựng nông thôn mới tỉnh chỉ có khoảng 28% các tuyến đường giao thông nông thôn được nhựa hóa và bê-tông hóa nên tỉnh này luôn hướng tới phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Trong đó, Nhà nước hỗ trợ xi măng, ống cống, chi phí vận chuyển và quản lý, với kinh phí chiếm khoảng 40% dự toán công trình; còn lại 60% do nhân dân tự nguyện tổ chức giải phóng mặt bằng, đóng góp vật liệu, sức lao động, máy móc thiết bị để thi công xây dựng.
Các địa phương thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và hướng dẫn, chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các xã thành lập ban xây dựng đường bê tông của xã; các thôn, xóm, bản, tổ nhân dân thành lập ban quản lý, ban giám sát cộng đồng để thực hiện.
Ngay năm đầu thực hiện, tỉnh đề ra mục tiêu hoàn thành 500km, trong khi các địa phương đăng ký thực hiện 712,8 km, Uỷ ban nhân dân tỉnh phải yêu cầu rà soát, cắt giảm 30% km đã đăng ký, để bảo đảm nguồn lực thực hiện.
Kết quả chỉ sau 3 năm triển khai Đề án bê tông giao thông nông thôn, tỉnh Phú Yên đã cung cấp trên 150.000 tấn xi măng cho các địa phương hoàn thành trên 1.000 km đường giao thông nông thôn, trong đó riêng phần đóng góp của nhân dân trị giá trên 200 tỷ đồng.
Trong quá trình này, Phú Yên đã đúc rút 6 bài học kinh nghiệm: Một là việc xây dựng các chương trình, đề án phải lấy người dân làm trung tâm. Hai là, phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân. Mọi khoản đóng góp, quyền lợi và nghĩa vụ phải được công khai, minh bạch.
Ba là làm tốt công tác vận động, tuyên truyền trong nhân dân, bảo đảm sự đoàn kết thống nhất, từ đó tham gia đóng góp tích cực vào chương trình.
Bốn là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền phải thực sự quyết liệt, sáng tạo, sâu sắc, gắn trách nhiệm của người đứng đầu.
Năm là, công tác kiểm tra nắm tình hình ở cơ sở phải tiến hành thường xuyên. Cuối cùng việc xây dựng các công trình cần bảo đảm tiêu chí của đề án, gắn với quy hoạch hệ thống đường giao thông theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
"Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông về xây dựng nông thôn mới năm 2020 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông".