Mày mò làm tăng giá trị mỗi tổ yến
Lúc đầu, Ngọc Hân tận dụng mảnh đất trống của bà ngoại cho ở cù lao xã Tân Quới, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp để xây dựng nhà nuôi chim yến. Diện tích nhà nuôi chim yến khoảng 200m2, được thiết kế hệ thống phun sương nước và các ô cửa cho chim yến bay ra vào dễ dàng.
"Tới đây, cơ sở sẽ tìm kiếm các khách hàng là siêu thị, cửa hàng giới thiệu sản phẩm, nông sản sạch đặc trưng vùng miền. Đối với mình, doanh thu của cơ sở hiện nay tương đối ổn định, nhưng với tiềm năng rộng mở của ngành yến, mình hy vọng sẽ được các cơ quan, ban ngành hỗ trợ nhiều hơn để cùng bà con xã Phú Thọ phát triển nghề nuôi yến, hướng tới xuất khẩu".
Chị Nguyễn Thị Ngọc Hân
Chị Ngọc Hân cho biết: Nuôi chim yến không tốn thức ăn. Từ lúc bắt đầu nuôi đến khi thu hoạch tổ yến sớm nhất là 24 tháng. Giá bán tổ yến thô dao động từ 17 - 22 triệu đồng/kg.
"Nếu cứ bán yến thô với giá 17, 18, 20 triệu đồng/kg thì chưa phải là mong muốn của mình, vì thế mình đã tìm tòi để nâng cao giá trị thương phẩm từ tổ yến thô sang tổ yến sạch lông, xây dựng thương hiệu, theo đó làm tăng giá trị thương phẩm của tổ yến" - chị Hân chia sẻ.
Với suy nghĩ đó, chị Hân đã mạnh dạn đầu tư mở cơ sở sản xuất các loại sản phẩm nước yến chưng sẵn, yến tinh chế thành phẩm, yến tươi… và đăng ký nhãn hiệu Yến sào Đại Thành PT. Nhờ kiên trì tiếp thị, giới thiệu sản phẩm và mở cửa cho nhiều khách đến xem tận mắt cách chế biến sản phẩm yến sào của cơ sở Đại Thành PT đảm bảo sạch sẽ, chất lượng 100% yến nguyên chất, không dùng các chất phụ gia độc hại, từ đó sản phẩm yến sào của chị được nhiều người tin tưởng, mua sử dụng.
Hiện tại, cơ sở của chị Hân đang sản xuất các loại sản phẩm: Yến thô, yến chưng sẵn, yến tươi, yến sấy khô sạch lông với nhiều mức giá khác nhau, dao động từ 50.000 đồng/keo loại 1,5 gram; 45.000 đồng/bịch loại 1,5 gram và từ 150.000 - 3,2 triệu đồng/hộp loại 4,5 - 100gram…
Chị Ngọc Hân không ngần ngại cho biết quy trình sản xuất yến sào Đại Thành PT: "Từ tổ yến thô chế biến sang tổ yến sạch, khâu chiếm nhiều thời gian và công sức nhất chính là làm sạch lông bằng thủ công, đòi hỏi các công nhân phải tỉ mỉ và cố gắng. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị sản phẩm, được thực hiện trong quá trình làm khô tổ yến bằng công nghệ sấy nhiệt độ thấp.
Đây là công nghệ sấy mới, hiện đại trong chế biến sau thu hoạch, phù hợp với điều kiện sản xuất ở Việt Nam nên các thành phần tự nhiên và màu sắc, mùi vị của sản phẩm tổ yến được giữ lại trong quá trình chế biến. Quá trình sấy còn tiêu diệt được những mầm bệnh trong tổ yến thô như H5Nx, E-Coli, thương hàn, dịch tả… Sản phẩm sản xuất trong điều kiện kín, bảo đảm hợp vệ sinh, an toàn vệ sinh thực phẩm, dễ dàng bảo quản, vận chuyển và phân phối…".
Mở rộng thị trường tiêu thụ
Nhờ áp dụng công nghệ hiện đại, cầu kỳ trong từng sản phẩm nên các loại sản phẩm yến sào Đại Thành PT của Ngọc Hân sản xuất đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế và đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền.
Đặc biệt, đây là đặc sản địa phương, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, thơm ngon và bổ dưỡng nên được người tiêu dùng đón nhận.
Trò chuyện với phóng viên, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc – một khách hàng đang lựa mua tổ yến Đại Thành PT cho biết: "Tôi đã nhiều lần mua tổ yến của chị Hân về sử dụng, vừa hợp túi tiền mà đảm bảo chất lượng, ăn rất thơm ngon. Tôi thường mua biếu người thân trong gia đình, ai cũng khen chất lượng tốt".
Hiện sản phẩm yến sào của chị Ngọc Hân không chỉ bán rộng rãi tại địa phương mà còn vươn ra các tiệm tạp hóa, cửa hàng, quầy, sạp ở An Giang, Đồng Tháp, Bình Dương, Vĩnh Long, TP.HCM… Từ cuối năm 2019 đến nay, bình quân mỗi tháng cơ sở Yến sào Đại Thành PT đạt doanh thu từ 80 - 120 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí đầu tư, chị Hân thu lãi khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Chị Hân cho biết, với đầu ra thuận lợi, hiện cơ sở sản xuất tổ yến của chị đang tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương, với mức thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người.
Ông Nguyễn Chí Khanh - Bí thư Huyện đoàn Tam Nông nhận xét: "Tôi đánh giá cao về dự án Yến Đại Thành PT vì có khả năng phát triển trong tương lai, nhất là khi kết nối được với các hoạt động tham quan, du lịch tại Vườn quốc gia Tràm Chim. Sắp tới, Huyện đoàn Tam Nông sẽ tiếp tục hỗ trợ cho dự án để đẩy mạnh thị trường tiêu thụ, đặc biệt là gắn với Chương trình OCOP".