Dân Việt

Căng thẳng "tâm dịch" Covid-19 Đà Nẵng: Khẩu trang hằn da, xót xa vì ba chẳng thể gần bên lo cho mẹ

Diệu Bình 04/08/2020 14:00 GMT+7
Dịch Covid-19 ở TP.Đà Nẵng và các tỉnh thành lân cận vẫn chưa cho thấy dấu hiệu suy giảm, trái lại còn gia tăng với những ca dịch mới được công bố thường xuyên. Phía bên trong tâm dịch, hàng trăm con người, từ y bác sĩ, công an, tình nguyện viên... vẫn ngày ngày căng mình chiến đấu, giấu đi nỗi buồn, sự mệt nhọc hay cảnh chia ly.

Thơ người lính biển 

Tháng Tám chưa về, Covid-19 đã trở lại

Nhân dân mình cùng chiến đấu chống Cô-Vy.

Mẹ, người anh hùng của ba và con gái

Chẳng biết đêm - ngày, chẳng buồn để ý thời gian.

Trong bộ trang phục màu xanh bảo hộ

Mẹ cứ tất bật chạy ngược chạy xuôi.

Mồ hôi đẫm, áo quần mẹ ướt sũng

Khẩu trang hằn da, ba xót xa

Ba chẳng thể gần bên để lo cho mẹ.

Đó là những câu thơ mà chiến sĩ cảnh sát biển Lưu Thành Chung dành tặng cho vợ và cô con gái mới 31 tháng tuổi. Anh Chung đang làm nhiệm vụ tại Trạm Cảnh sát biển Lý Sơn (Quảng Ngãi), còn vợ anh là chị Nguyễn Thị Yến đang công tác tại Bệnh viện Đà Nẵng.

 Ở xa, bận rộn với nhiệm vụ giữ biển, nhưng người lính ấy vẫn luôn hướng về đất liền, nơi chị Yến và các đồng nghiệp đang ngày đêm chiến đấu với dịch Covid-19.

"Mình là bộ đội, bao nhiêu khó khăn cũng trải qua rồi, chỉ thương vợ. Mỗi khi nghe tin phát hiện thêm ca mới ở bệnh viện thì mình sốt ruột lắm, lo cho vợ nhưng để trong lòng thế thôi, nói ra cô ấy lại thêm lo. Vợ của lính nên cũng bản lĩnh và tinh thần thép lắm", anh Chung cho hay.

Chia sẻ về bài thơ, anh Chung bảo hai vợ chồng đang phải làm nhiệm vụ nên đành gửi con về Quảng Bình cho ông bà nội chăm sóc. Hàng ngày, anh đều tranh thủ giờ cơm trưa để gọi điện về cho đỡ nhớ con. "Mỗi lần nói chuyện, bé cứ hỏi ba ơi, mẹ đâu rồi? Mình cũng không biết làm sao, chỉ bảo mẹ đang làm nhiệm vụ, khi nào xong thì mẹ về. Bé có khi khóc, có khi bé lại hờn giận vì nghĩ ba mẹ đi riêng không cho bé theo. Bé ở xa, vợ chồng thì mỗi người công tác mỗi nơi nên đành động viên nhau cùng cố gắng", anh Chung nói.

Tuy còn nhiều khó khăn nhưng anh Chung và các đồng đội tin tưởng với sự nỗ lực của ngành y tế, sự chung tay của nhân dân, đại dịch Covid-19 sẽ sớm bị đẩy lùi. Từ đảo Lý Sơn, người lính ấy gửi lời chúc đến vợ và toàn bộ đội ngũ y, bác sĩ hãy chân cứng đá mềm để chiến thắng dịch bệnh.

Dịch Covid-19 Đà Nẵng: "Khẩu trang hằn da, ba xót xa/Ba chẳng thể gần bên để lo cho mẹ" - Ảnh 1.

Gia đình là hậu phương vững chắc cho các y, bác sĩ chiến đấu chống lại Covid-19 trong những ngày gian nan, nguy hiểm.

Trò chuyện với PV, chị Yến chia sẻ cảm thấy bất ngờ và rất hạnh phúc khi nhận được bài thơ từ chồng. Mạnh mẽ, lạc quan khi nói về công việc, nhưng khi nhắc đến chồng và cô con gái nhỏ, giọng chị lạc đi vì xúc động. Chị phụ trách công tác hậu cần nên thường ngày phải chạy đôn chạy đáo lo vận chuyển đồ ăn, nước uống, nhu yếu phẩm thiết yếu cho từng khoa, từng bệnh nhân. Công việc nhiều nhưng cũng như bao đồng nghiệp khác, chị vẫn thường giấu đi giây phút mệt mỏi bằng những nụ cười lạc quan.

"Gia đình mình thường nói chuyện với nhau qua Zalo vào buổi trưa hoặc tầm 9h - 10h tối. Có những lúc mệt, nhìn thấy hai cha con trên màn hình điện thoại thì nước mắt tự dưng trào ra. Chồng mình thấy vậy thì hỏi han, động viên, còn bày trò chọc cho mình vui nữa. Tuy ở xa nhau nhưng hai cha con luôn là động lực, là vitamin tiếp thêm sức mạnh cho mình", chị Yến kể.

Tiếp tục trò chuyện, chị Yến cho biết ngay khi Đà Nẵng xuất hiện ca dương tính đầu tiên với SARS-CoV-2, mọi người đã chuẩn bị tinh thần chiến đấu với dịch bệnh, nhưng không nghĩ nó lan nhanh và diễn biến phức tạp như vậy. 

"Trong này, không ai ngại khó ngại khổ chi hết, mỗi người một việc, tất cả đều nỗ lực hết sức để cứu chữa cho bệnh nhân. Những ngày qua, tụi mình cũng rất ấm lòng khi thấy người dân thành phố chở rất nhiều hàng hóa đến tiếp sức cho bệnh viện", chị Yến  nói.

"Ở cùng thành phố, 9 ngày xa nhau"

Đó là lời hẹn mà anh Phạm Minh An gửi tới người vợ trẻ trong lúc làm nhiệm vụ tại khu vực cách ly đặc biệt ở Bệnh viện Đà Nẵng.

"Chồng mình làm ở Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, mới tăng cường vào khu điều trị bệnh nhân Covid-19 từ hôm qua. Lo lắng là điều đương nhiên, chỉ mong anh và đồng nghiệp giữ sức khỏe, an toàn để điều trị cho bệnh nhân và chờ ngày gia đình đoàn tụ. Ngày đại dịch bị đẩy lùi, ngày cả thành phố hạnh phúc sẽ là ngày chúng mình gặp lại nhau", chị Nguyễn Thùy Trang (vợ bác sĩ An, 28 tuổi, trú quận Sơn Trà) nhắn nhủ.

Theo chị Trang, hôm nay là ngày thứ chín vợ chồng chị xa nhau. "Sáng 25/7, trước khi đi làm, mình và anh cùng ăn trưa nhưng rồi lỡ hẹn vì phải cách ly trong bệnh viện. Nhận điện thoại từ chồng, mình tự trấn an. Thế rồi một, hai, ba rồi bốn, năm, sáu. Số ca nhiễm Covid-19 ở bệnh viện ngày một nhiều, mình nhận ra phải rất lâu nữa mình mới có thể gặp chồng", chị Trang nhớ lại.

Dịch Covid-19 Đà Nẵng: "Khẩu trang hằn da, ba xót xa/Ba chẳng thể gần bên để lo cho mẹ" - Ảnh 2.

Dù trong điều kiện chống dịch khó khăn, nguy hiểm nhưng các y, bác sĩ vẫn lạc quan.

"Thật khó để nói hết tâm trạng lẫn lộn của mình khi anh thông báo kết quả lần xét nghiệm đầu tiên âm tính. Mình vui vì anh không nhiễm bệnh, nhưng buồn vì 3 đồng nghiệp của anh dương tính với SARS-CoV-2. Đó đều là những người bạn của mình. "Không sao mà, anh khỏe mà. Nếu mắc thì cũng chỉ là dương tính thôi mà. Mọi chuyện sẽ ổn thôi, mình luôn động viên anh như thế. Mình hiểu điều khiến anh lo sợ không phải là kết quả âm tính hay dương tính mà là việc không thể sát cánh cùng đồng đội lúc này, nếu như anh bị nhiễm bệnh", chị Trang tâm sự.

Chị Trang cho hay một tháng nữa sẽ tròn một năm ngày cưới của anh chị. Chỉ vài tuần trước, hai người còn tính cùng nhau đi chơi xa, ăn những món ăn thật ngon và chuẩn bị tinh thần để có em bé. Nhưng mọi kế hoạch đã phải gác lại để anh hoàn thành sứ mệnh của một bác sĩ.

"Vợ chồng mới cưới nên xa nhau thì rất nhớ. Tụi mình cũng có những giao hẹn riêng. Ví như từ ngày yêu nhau, sổ tay của mình đều do anh tặng, mình dùng cũng gần hết rồi. Anh hẹn ngày gặp lại sẽ mua tặng mình một cuốn sổ mới", chị cười nói.   

Hỏi chị tính làm gì đặc biệt để kỷ niệm ngày cưới, chị Trang bảo đó chỉ là chuyện cá nhân, lúc này không còn quan trọng nữa vì trên vai lúc này là trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Chị chỉ hy vọng anh khỏe mạnh để hôm đó vợ chồng gọi video cho nhau. "Đơn giản vậy thôi là mình hạnh phúc rồi", chị nói.