Theo Express, một nghiên cứu mới được công bố hôm 3/8 trên tạp chí Nature Geoscience đưa ra đề xuất rằng, sao Hỏa được bao phủ bởi các tảng băng từ hàng tỷ năm trước. Các tác giả của nghiên cứu tin rằng đây là điều kiện tốt cho sự tồn tại của sự sống ngoài hành tinh. Các tảng băng sẽ bảo vệ nguồn nước bên dưới khỏi bức xạ mặt trời khắc nghiệt, cho phép bất kỳ vi khuẩn tiềm năng nào phát triển tốt.
Tác giả chính của nghiên cứu Anna Grau Galofre, cựu nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học British Columbia và các đồng nghiệp của cô đã so sánh các đặc điểm cổ xưa trên sao Hỏa với các chất tương tự trên Trái đất.
Theo đó, các nhà nghiên cứu đã tập trung vào một mạng lưới các thung lũng cắt ngang bề mặt hành tinh Đỏ mà họ tin rằng nó được hình thành do băng tan, chứ không phải do sông suối hay đại dương.
Các đặc điểm này có sự tương đồng đáng kinh ngạc với các kênh dưới mặt băng được tìm thấy ở Quần đảo Bắc Cực thuộc Canada.
Nghiên cứu này trái với niềm tin từ lâu rằng bề mặt sao Hỏa từng được bao phủ trong các hồ, sông và đại dương.
Tiến sĩ Grau Galofre chia sẻ: "Trong 40 năm qua, kể từ khi các thung lũng trên sao Hỏa được phát hiện lần đầu tiên, đã có giả thiết rằng các dòng sông đã từng chảy trên sao Hỏa, hình thành và làm xói mòn tất cả các thung lũng này. Nhưng có hàng trăm thung lũng trên sao Hỏa và chúng trông rất khác nhau. Nếu bạn quan sát Trái đất từ một vệ tinh nào đó, bạn sẽ thấy rất nhiều thung lũng. Một số thung lũng được tạo ra bởi các dòng sông, một số được tạo ra bởi sông băng, một số được tạo thành từ các quá trình khác và mỗi loại có hình dạng đặc biệt khác nhau. Sao Hỏa cũng tương tự, trong đó các thung lũng trông rất khác nhau, cho thấy rằng nhiều quá trình đã diễn ra để tạo nên chúng".
Những thung lũng này có khả năng hình thành khoảng 3,8 tỷ năm trước. Các mô hình khí hậu cũng cho thấy Hành tinh Đỏ lúc đó mát mẻ hơn nhiều. Tổng cộng, các nhà nghiên cứu đã phân tích hơn 10.000 thung lũng sao Hỏa để hiểu rõ hơn về cách chúng được tạo ra.