Theo nguồn tin của Dân Việt cho biết, UBND tỉnh Bình Định vừa có thông báo kết quả giải quyết ý kiến cử tri gửi đến trước Kỳ họp thứ 12 - HĐND tỉnh khóa XII, trong đó có nội dung đề nghị làm rõ trách nhiệm, thông báo công khai việc xử lý sai phạm liên quan đến công trình đê kè 80 tỷ đồng chống xói lở bờ biển Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn) bị hư hỏng nặng.
UBND tỉnh Bình Định cho hay, công trình đê kè chống xói lở bờ biển Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn) được xây dựng với chiều dài 2.380m, qua các đợt bão lũ, gió mạnh năm 2016 - 2018 đã làm hư hỏng với tổng chiều dài 982m.
Trên cơ sở báo cáo của cơ quan chức năng về nguyên nhân hư hỏng công trình và trách nhiệm của các bên liên quan, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo UBND thị xã Hoài Nhơn tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, xử lý kỷ luật đảm bảo khách quan, công bằng.
Ngoài ra, giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xem xét, đề xuất xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan và báo cáo UBND tỉnh. Hiện nay, UBND thị xã Hoài Nhơn đang tiếp tục triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định.
Trước đó, báo Dân Việt đã từng có nhiều bài viết thông tin vụ việc công trình đê kè chống xói lở bờ biển Tam Quan bị hư hỏng. Đây là công trình do UBND huyện Hoài Nhơn (nay là thị xã Hoài Nhơn) làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Tân Lập (huyện Hoài Ân) trúng thầu đơn vị thi công.
Là tỉnh nằm ở khu vực Nam Trung Bộ, lâu nay nguồn thu ngân sách địa phương của Bình Định không đủ chi nên hằng năm phải nhận viện trợ từ Trung ương. Thế nhưng, công trình "tiêu tốn" hàng chục tỷ đồng này lại mang đến nhiều hoài nghi cho người dân về chất lượng và trách nhiệm trực tiếp từ các cơ quan tham gia dự án.
Hàng loạt sai phạm khiến công trình hư hỏng
Tháng 11/2018, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu đã ký văn bản, kết luận nguyên nhân hư hỏng đê kè chống xói lở bờ biển Tam Quan.
UBND tỉnh Bình Định cho rằng, nguyên nhân khách quan là do thời tiết diễn biến bất thường vào cuối năm 2016 và cơn bão số 12 năm 2017 gây gió mạnh và sóng lớn vượt qua đỉnh kè, tràn vào đường đi, gây xói lở thân kè và đường đi.
Nguyên nhân chủ quan là do đơn vị tư vấn thiết kế thiếu kinh nghiệm trong thiết kế các công trình kè đối với bãi ngang, bờ biển biến động mạnh nên chọn phương án tuyến chưa hợp lý; kết cấu chân kè, thân kè chưa đảm bảo chịu lực trực tiếp từ sóng biển; các thông số sóng thiết kế, biện pháp gia cố chân và mái kè tại các vị trí xung yếu chưa được chú trọng, chỉ dẫn biện pháp kỹ thuật thi công không phù hợp… nên dẫn tới hư hỏng công trình.
Đơn vị thẩm tra thiếu trách nhiệm trong việc thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình.
Nhà thầu thi công tự thay đổi biện pháp thi công (đào hở, đặt ống buy) cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện trường nhưng không trao đổi, bàn bạc với đơn vị thiết kế bằng văn bản để điều chỉnh biện pháp thi công và tổ chức giám sát công trình kịp thời. Biện pháp thi công phủ các ống buy chưa bơm tiêu nước hố móng triệt để.
Đơn vị giám sát không tiến hành giám sát, lập biên bản báo cáo chủ đầu tư và các bên liên quan khi đơn vị thi công thay đổi biện pháp thi công.
Ban quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng huyện Hoài Nhơn, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý dự án đã không phát hiện được những sai sót trong thiết kế, các thay đổi biện pháp thi công để báo cáo kịp thời cho chủ đầu tư, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở NNPTNT tỉnh Bình Định phải chịu trách nhiệm về thẩm định dự án đầu tư và thiết kế cơ sở của công trình.