Theo báo cáo tài chính quý II/2020 vừa được công bố, thị trường địa ốc ghi nhận làn sóng ngược khi nhiều doanh nghiệp (DN) báo lỗ nặng so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó cũng có không ít DN "vượt cạn" ngoạn mục nhờ các khoản lợi nhuận đột biến từ đầu tư tài chính, M&A (mua bán-sáp nhập).
"Ngấm đòn" vì Covid-19 lần 1 chưa qua, lần 2 đã tới
Dịch bệnh Covid-19 đã khiến không ít DN BĐS rơi vào tình thế khó khăn. Báo cáo tài chính quý 2 của các DN địa ốc cho thấy, không chỉ sụt giảm mạnh về lợi nhuận, nhiều DN còn chịu áp lực lớn từ chi phí lãi vay, hàng tồn kho lớn và thua lỗ.
Đáng chú ý nhất, phải kể đến là "ông lớn" Đất Xanh Group. Báo cáo tài chính của DN này cho thấy, trong quý 2, đơn vị này lỗ hơn 29 tỷ đồng và đây là quý báo lỗ đầu tiên trong 4 năm gần nhất.
Cụ thể, doanh thu thuần của Đất Xanh Group trong quý đạt 478 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ, chủ yếu giảm từ doanh thu dịch vụ môi giới BĐS. Theo giải trình từ Đất Xanh Group, đây là quý cao điểm diễn ra Covid-19, lệnh giãn cách xã hội được thực thi, nên các hoạt động xây dựng, mở bán dự án, tập trung đông người bị hạn chế.
Bên cạnh đó, trong quý này Đất Xanh Group không còn ghi nhận đột biến doanh thu tài chính do không còn lãi thanh lý đầu tư, trong khi chi phí tài chính tiếp tục tăng lên 101 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ. Điều này được lý giải là do nguyên nhân DN tiếp tục gia tăng nợ vay 1.445 tỷ đồng trong nửa đầu năm, chủ yếu từ nguồn phát hành trái phiếu.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, Đất Xanh Group đạt 1.080 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm hơn một nửa. Lợi nhuận sau thuế đạt 152 tỷ, giảm 81% so với nửa đầu năm 2019.
Cũng "rớt thê thảm" về lợi nhuận trong quý 2 là Công ty CP Đầu tư LDG (LDG). Theo báo cáo tài chính được công bố, DN này ghi nhận doanh thu thuần đạt 393 tỷ đồng, lãi gộp 95 tỷ đồng trong quý.
Tuy nhiên, doanh thu tài chính trong kỳ chỉ đạt hơn 30 triệu đồng, giảm mạnh so với kết quả 150 tỷ đồng thu về hồi quý 2/2019 (chủ yếu do thanh lý). Kết quả, dù doanh thu tăng mạnh, lãi ròng quý 2 của LDG lại giảm đến 99%, chỉ còn 1 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2020, lãi ròng của công ty giảm "sốc" tới 99%, xuống còn hơn 2 tỷ đồng, trong khi nửa đầu năm ngoái đạt 198 tỷ đồng.
Tại Công ty CP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (IJC), tình hình kinh doanh cũng kém khả quan trong quý 2. Theo đó, trong quý DN đạt doanh thu 204,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 40,3 tỷ đồng, lần lượt giảm 44,1% và 65,5% so với cùng kỳ.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, IJC ghi nhận doanh thu 1.541,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 156,1 tỷ đồng, lần lượt tăng 146,1% và giảm gần 16% so với cùng kỳ 2019.
Càng chú ý hơn với IJC là dòng tiền hoạt động kinh doanh của DN cũng đang ghi nhận con số âm. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, IJC ghi nhận dòng tiền hoạt động kinh doanh chính âm tới 166,1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 178,2 tỷ đồng.
Để bù đắp dòng tiền thiếu hụt, trong kỳ, Công ty đã phải huy động 236,2 tỷ đồng, chủ yếu là tiền đi vay để bổ sung vốn cho DN. Vì thế, các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn của IJC tại thời điểm cuối tháng 6 lên tới 1.499,3 tỷ đồng, chiếm 22,4% tổng tài sản.
Hàng loạt DN BĐS khác như: Quốc Cường Gia Lai (QCG); Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land); CEO Group (CEO)… cũng ghi nhận kết quả kinh doanh kém khả quan do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
M&A sẽ là cứu cánh?
Theo các chuyên gia BĐS, đa số các DN địa ốc đều dựa vào nguồn vốn vay của ngân hàng. Vì thế, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, tài sản ngắn hạn của DN rơi vào hàng tồn kho, BĐS dở dang, trong khi "tiền tươi thóc thật" có thể sử dụng ngay quá ít. Để có thể cầm cự qua đại dịch, kế hoạch M&A dự án sẽ được nhiều DN tính tới.
Trên thực tế, trong những tháng đầu năm 2020, nhiều "ông lớn" địa ốc đã đẩy mạnh M&A để tìm nguồn vốn hoạt động.
Chẳng hạn, Công ty CP Đầu tư Quốc Cường Gia Lai hồi tháng 6/2020 đã chuyển nhượng dự án Tổ hợp căn hộ Sông Đà Riverside tại quận Thủ Đức, TP.HCM với quy mô hơn 28.000 m2 cho LDG Group (DN này mua lại 99,9% cổ phần của Công ty CP BĐS Hiệp Phúc, pháp nhân sở hữu dự án này).
Trước đó, hồi tháng 5, Quốc Cường Gia Lai cũng đã chuyển nhượng toàn bộ 49,9% cổ phần tại Công ty CP BĐS Sông Mã (đơn vị sở hữu quỹ đất dự án Phước Lộc - Nhà Bè); giảm vốn điều lệ tại Công ty CP BĐS Quốc Cường Thuận An.
Tất cả những khoản chuyển nhượng này, nâng doanh thu từ BĐS của Quốc Cường Gia Lai cao gấp 4,8 lần cùng kì năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ còn hơn 18 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kì. Thậm chí, công ty lỗ ròng (lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ) gần 4 tỷ đồng. Mức thấp nhất kể từ quí IV/2016 do gánh nặng chi phí quá lớn.
Cũng thực hiện một loạt các đợt M&A trong 6 tháng đầu năm là "ông lớn" Novaland (NVL). Tuy nhiên, trái ngược với Quốc Cường Gia Lai, việc M&A giúp Novaland thu về doanh thu và lợi nhuận "khủng".
Cụ thể, ngày 23/6, Novaland đã bán 40% (trên tổng số 83,45% vốn) tại Công ty CP Cảng Phú Định với giá gần 2.400 tỷ đồng. Giao dịch này mang về cho Novaland khoản lãi hơn 1.705 tỷ đồng, là tiền chênh lệch giữa giá bán và giá trị ghi sổ của tài sản. Nhờ khoản lãi nghìn tỷ này mà lợi nhuận trước thuế quý 2 của tập đoàn vẫn đạt 998 tỷ đồng, tăng 33% bất chấp doanh thu chính giảm 75%. Lợi nhuận ròng sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ cũng tăng tới 72%, đạt 875 tỷ đồng.
Trước đó, trong quý 1, Novaland cũng đã bán toàn bộ vốn góp tại Công ty CP Đầu tư BĐS Phong Điền. Tổng giá trị chuyển nhượng giao dịch này là 987 tỷ và mang lại cho tập đoàn mẹ khoản lãi 795 tỷ đồng.