Dân Việt

Bác sĩ dương tính với Covid-19 tại Đồng Nai lây bệnh từ vợ?

Bạch Dương 05/08/2020 13:29 GMT+7
BS Trương Hữu Khanh cho rằng, khi xét nghiệm âm tính lần 1 với SARS-CoV-2, chúng ta có thể an tâm dù sau đó có dương tính, vì từ lần lấy mẫu đó trở về trước bệnh nhân sẽ chưa kịp lây cho người khác.
Nguy cơ lây nhiễm của bác sĩ dương tính Covid-19 tại Đồng Nai đến đâu? - Ảnh 1.

Khu cách ly tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai.

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho hay việc dương tính sau nhiều lần kết quả âm tính không có gì bất ngờ.

Về nguyên tắc, virus Corona chủng mới khi vào cơ thể khu trú ở họng, có một số nhất định vào trong máu, một số sử dụng tế bào của đường hô hấp nhân lên và phát tán ra. Do đó, những ngày đầu âm tính, sau đó xét nghiệm lại dương tính là điều bình thường bởi đến ngày đó, virus mới phát tán ra. Lúc lấy mẫu xét nghiệm, chúng chưa xuất hiện ở vùng hầu họng. Khi virus nhân lên, phải đủ số lượng nhất định thì khi lấy mẫu xét nghiệm mới thấy.

Khi bệnh nhân vừa nhiễm virus vào cơ thể, việc lấy mẫu xét nghiệm chưa chắc cho kết quả dương tính ngay. Virus cần có đủ thời gian, mới xâm nhập, nhân lên, phát tán. Thời gian này phụ thuộc vào từng người. Vì thế, những người có nguy cơ nhiễm virus, nếu có kết quả âm tính thì chưa chắc chắn. Chỉ có phết họng sau 14 ngày mà có kết quả âm tính mới yên tâm.

Bác sĩ tại Đồng Nai trong giai đoạn xét nghiệm âm tính sẽ không lây virus sang người khác. Xét nghiệm PCR khi âm tính nghĩa là không có bệnh hoặc mới bệnh nhưng chưa thể lây vì virus này cần có thời gian để nhân lên trong cơ thể thì mới bắt đầu đủ để lây, còn ngay khi lây được là đã cho kết quả dương tính.

"Vì lý do đó, người âm tính lần 1 sau xét nghiệm PCR mà chưa đủ 14 ngày kể từ khi có yếu tố dịch tễ vẫn phải tiếp tục cách ly đủ, xét nghiệm lại sau đó. Tuy nhiên khi âm tính lần 1, chúng ta có thể an tâm dù sau đó có dương tính thì từ lần lấy mẫu đó trở về trước bệnh nhân sẽ chưa kịp lây cho ai. Xét nghiệm PCR còn xác định tải lượng virus, giúp đánh giá nguy cơ lây lan bệnh của người đó và nhiều ích lợi khác trong việc điều trị", BS Khanh giải thích. 

Sau khi Bộ Y tế công bố ca bệnh 669 là bác sĩ Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, nhiều người lo ngại vì bác sĩ này đã làm việc và tiếp xúc với rất nhiều bác sĩ khác tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.

Lịch trình của bệnh nhân này khá dày đặc, kéo dài từ 19/7 đến 27/7, trong đó ngày 19 – 20/7, bác sĩ này có ra Đà Nẵng thăm bố tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Sau đó, bay vào TP.HCM, tham gia một khóa học tại Bệnh viện Chợ Rẫy vào ngày 21/7.

Từ ngày 22-27/7, bác sĩ làm việc tại khoa Ung bướu Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, mổ một số ca ung thư, làm việc cùng đoàn bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, khám bệnh tại phòng mạch, viếng đám ma, ăn ở nhà hàng, uống cà phê…

Ngày 27/7, 2 vợ chồng và con đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai xét nghiệm và thực hiện cách ly tại nhà. Đến chiều nhận kết quả cả gia đình âm tính, không làm phòng mạch. Đến ngày 31/7, vị bác sĩ này cách ly tại khoa nhiễm Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Các kết quả xét nghiệm lần 1 và lần 2 của bác sĩ trong các ngày 27/7 và 1/8 đều âm tính.

Đến ngày 3/8, xét nghiệm lần 3 cho kết quả dương tính với Covid-19. Hiện bác sĩ này đã được chuyển vào Bệnh viện Phổi Đồng Nai điều trị.

Tối 4/8, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết kết quả xét nghiệm hơn 400 người tiếp xúc gần, xa với bác sĩ này có kết quả âm tính lần 1.

TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM nhận định, nguy cơ bác sĩ này lây nhiễm trong Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và những người tiếp xúc là rất thấp.

TS Nguyễn Vũ Thượng cho rằng bác sĩ nhiễm Covid-19 từ vợ chứ không phải từ chị vợ (bệnh nhận 510). Vì bác sĩ tiếp xúc với bệnh nhân 510 ngày 19/7, đến ngày phát bệnh là 3/8 đã quá 14 ngày. Trong khi vợ bác sĩ phát bệnh ngày 1/8 nên có thể bác sĩ này nhiễm Covid-19 từ vợ.

Tuy nhiên, từ ngày 27/7 bác sĩ này đã cách ly cho nên khả năng bác sĩ lây bệnh cho người khác trước ngày 27/7 là rất ít.